Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Thầy giáo bất đắc dĩ ở lớp học nhiều không

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy Châu bảo “Chỉ cần cầm tay viết một lần là các em viết được ngay”

Cứ vào 4 giờ chiều mỗi ngày, tại trụ sở Văn phòng Chi hội Người cao tuổi trên đường Vườn Lài, phường An Phú Đông, quận 12 lại vang lên tiếng đọc chữ bi bô, không phải của người cao tuổi mà là tiếng của những em nhỏ dân nhập cư và lời dạy của người thầy không chuyên nghề giáo. Đó là lớp học tình thương của “thầy” Nguyễn Ngọc Châu, được hình thành từ năm 2007, thuộc chương trình phổ cập giáo dục tiểu học của Chính phủ.
Người thầy… bất đắc dĩ
Không giống như những lớp học khác, lớp học của “thầy” Châu chỉ là một căn phòng trưng dụng của Chi hội Người cao tuổi phường An Phú Đông (Q.12, TP.HCM). Gọi là Văn phòng Chi hội Người cao tuổi nhưng nơi đây đã lâu không được sử dụng, có hai phòng thì một phòng đã bị mục nát, trần nhà loang lổ la-phông. Phòng còn lại cũng ố vàng, hư cũng không kém nhưng lại chính là lớp học tình thương của “thầy” Châu và hơn 35 em học sinh nghèo.
Lớp học nằm thấp hơn mặt đường, không có nơi để xe nên khi đến lớp các em mang luôn xe vào để dưới cuối phòng học. Bên ngoài lớp học không bao bọc, kín cổng cao tường, không bảng tên, không trống, không sân trường… Cực nhất là mỗi khi trời mưa, lớp học bỗng chốc trở thành cái ao, thế nhưng dù trải qua bao khó khăn, “thầy” vẫn đứng trên bục giảng, trò vẫn đến lớp đều đặn.
Đến phường An Phú Đông, hỏi lớp học “thầy” Châu dường như không ai là không biết. Thầy Châu không phải là thầy giáo, thầy vốn là Phó Bí thư đoàn phường An Phú Đông, vừa làm việc trong đoàn, buổi tối thầy còn chạy sang quận Tân Phú học thêm luật. Từ khi quận tiến hành chương trình phổ cập tiểu học, Châu lại có thêm một chức danh mới – làm thầy. Chàng trai 31 tuổi này là người thầy có thâm niên dạy lâu nhất ở lớp. Ban đầu khi lập lớp, có hẳn giáo viên chuyên môn đến dạy, thầy chỉ lo việc vận động. Rồi phần vì khó khăn, không lương bổng, phần vì sức khỏe, các giáo viên lần lượt “chia tay” với lớp và bất đắc dĩ thầy Châu trở thành người đứng lớp.
Mọi người xung quanh lẫn các em học sinh đều gọi lớp học này là lớp học tình thương thay vì là lớp phổ cập. Thầy giáo không chuyên, học trò thì… tổng hợp đủ thành phần, lứa tuổi. Hầu hết các em là dân nhập cư, ba mẹ lo kiếm sống nay nơi này mai nơi khác, nên chẳng thể cho các em một mảnh giấy đi học đúng nghĩa, cũng có đứa dân thành phố hẳn hoi nhưng ba mẹ lại là thành phần “bất hảo”, cờ bạc số đề, đẩy các em vào cảnh ở nhà thuê, chịu thất học.
Thầy Châu kể, ban đầu thầy và các đoàn viên khác phải đi từng nhà vận động các em, nhưng chỉ có vài em chịu đến lớp. Thấy lớp học được duy trì, phụ huynh mới lần lượt dẫn con đến xin cho học, một là để các em có cái chữ, hai là nhiều em được đi học sẽ không còn nghịch ngợm, trở thành những đứa trẻ bất trị. Chính vì thế mà có em đi học muộn so với tuổi thật, có em 8 tuổi học lớp 2 nhưng có em đã 10 tuổi thì mới vào lớp 1. Gặp chúng tôi, nhiều em dù đã lớn nhưng vẫn tỏ ra khá sợ sệt, những khuôn mặt non nớt ấy lại xoắn lấy thầy Châu như người cha, người mẹ thứ hai của mình.
Chị Hà bán đồ ăn sáng đối diện với lớp học thật thà nói: “Mấy đứa tụi nó quậy lắm, nhưng lại nghe lời ông thầy Châu răm rắp. Thấy tụi nó cũng tội nên ngày nào tui cũng để sẵn bình nước, đứa nào khát thì chạy qua uống. Dạy học có lương bổng gì đâu mà thầy Châu cũng chịu khó, chắc đây là cái phước mà thầy tích cho con cháu mình”.
Quả thật, lớp học mở ra không chỉ bằng chỉ định của cấp trên mà còn xuất phát từ lòng yêu thương của chính người đứng lớp. Học trò vào học chùa không phải đóng học phí, thầy giáo cũng chẳng có lương, nhiều hôm thầy giáo còn đến tận nơi rước học trò đến lớp. Học trò lon ton đi trước, thầy nối bước theo sau, cả thầy và trò đều chung khát khao về con chữ. “Tụi nhỏ còn nhiều khó khăn, miếng ăn của gia đình cũng đã khó rồi chứ nói gì đến việc học của các em. Được cái hầu hết các em đều ham học, có đứa chỉ cần cầm tay một lần là có thể viết được nửa trang giấy. Dạy các em biết đọc, biết viết, biết tính toán là tôi thấy vui rồi”, thầy Châu tâm sự. Có lẽ vì nỗi niềm ấy mà gần 3 năm qua, chàng trai trẻ này vẫn miệt mài đứng lớp. Cái hiền hiền nhưng nghiêm của thầy đã rèn biết bao đứa học trò nghịch ngợm và cũng chính từ cái lớp học nhiều “không” này đã thắp lên hy vọng cho nhiều đứa trẻ nghèo, cơ nhỡ ở đây.
Le lói những ước mơ

Lớp học tổng hợp của người thầy không chuyên

Quận 12 là một trong các quận trên địa bàn thành phố có nhiều dân nhập cư. Hầu hết những trường hợp dân nhập cư có con em theo học lớp này có đời sống kinh tế rất khó khăn. Do đó, nhiều em đến tuổi đi học nhưng gia đình không có điều kiện nên đành phải ở nhà phụ việc hoặc đi bán vé số để kiếm thêm tiền. Việc đến trường của các em tưởng chừng như giản đơn, hiển nhiên nhưng xem ra không dễ khi mà bữa ăn hằng ngày còn thiếu trước hụt sau.
Lớp học tình thương của thầy Châu mở ra, đã giải quyết được phần nào con chữ cho những em khốn khó. Hiện tại lớp có 35 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Trong tuần, các ngày thứ hai, tư, sáu là dành cho các em lớp 1 và 2; còn thứ ba, năm, bảy là dành cho các em lớp 3, 4 và 5. Tập vở, dụng cụ học tập của các em đều được thầy Châu vận động quyên góp bà con trong phường. Vào các ngày lễ như Quốc tế Thiếu nhi 1-6 hay Tết Trung thu… các em đều có quà, bánh như những đứa trẻ khác. Tất cả đều nhờ thầy Châu vận động từ mạnh thường quân trên địa bàn quận.
Nhiều em đến lớp khá muộn, coi việc học như việc được đi chơi cùng bạn bè nhưng các em đều rất biết nghe lời thầy và trong các em vẫn có những ước mơ giản dị. 35 em nhỏ là 35 mảnh đời khác nhau, là 35 ước mơ… nhưng trên hết vẫn là khát vọng vươn lên, khao khát được biết chữ như mọi người. Để rồi mỗi khi có người hỏi các em có thể đánh vần tên mình cho mọi người nghe. Việc làm ấy tưởng chừng dễ nhưng đối với các em vẫn còn nhọc nhằn lắm. Khi tiếp xúc với chúng tôi, có em ước mơ trở thành bác sĩ chữa bệnh cho người nghèo, có em ước mơ sau này sẽ là giáo viên để dạy học, có em ước mơ trở thành chú thợ điện thắp sáng vùng quê của mình… Những ước mơ giản dị ấy rồi có thành sự thật hay không thì không nói trước được, có điều mỗi ngày đến lớp học là nguồn vui chính của các em.
Cậu bé Huỳnh Hồng Hải Dương là trường hợp “cá biệt” nhất trong 35 em học sinh ở đây. Năm nay Dương đã 15 tuổi nhưng chỉ học lớp 1, vừa cầm cây bút chì cắm cúi viết chữ â Dương cho biết: “Ba mẹ về quê làm ăn, em ở trên này với ngoại. Sáng em dậy sớm bán vé số đến 4 giờ chiều về học, rồi 6 giờ đi bán lại tới 9, 10 giờ tối mới về. Mỗi ngày bán vé số được khoảng 30 đến 40 ngàn đồng, em đưa cho ngoại để phụ tiền cơm mắm”. Trường hợp của em Đinh Phong Thịnh thì đỡ “éo le” hơn là được ở với ba mẹ. “Mẹ nấu ăn cho người ta, còn ba thì đi phụ hồ”, Thịnh nói.
Mặc kệ những người khách lạ như chúng tôi có mặt, các em vẫn cất tiếng học chữ vẫn bi bô, thầy Châu đang viết chữ trên bảng thì chốc chốc các em thay nhau chạy lên hỏi người thầy rằng mình viết đúng hay chưa, hay nhờ thầy cầm tay cho em viết. Có lúc lớp học bỗng cười ồ lên vì câu hỏi ngớ ngẩn của cậu học trò nào đó, rằng “thưa thầy, bạn nào lấy hộp cơm rang em mới mua bỏ trong gầm bàn”. Nhìn gương mặt rạng ngời niềm vui được đi học của các em, chúng tôi thầm mong rằng tương lai các em sẽ được tươi sáng hơn chứ không như đời cha mẹ của chúng rày đây mai đó kiếm cái ăn như hiện nay.
Hoàng Thuận – Tiểu Di

Bình luận (0)