Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Đạt được thành công từ những điều đơn giản nhất

Tạp Chí Giáo Dục

Họ là những người bước đầu gặt hái được nhiều thành công trên con đường học tập của mình: đỗ thủ khoa ĐH hay đạt được học bổng du học mơ ước. Nhưng trên tất cả, “bí quyết” của thành công ấy lại bắt đầu từ những điều mà tất cả mọi người đều bỏ qua.
Thủ khoa chân đất

Thủ khoa chân đất trong sự chúc mừng của bà con làng xóm

Chân dung thủ khoa ĐH Ngoại thương khối A không ai khác chính là chàng trai nghèo đến từ tỉnh Phú Thọ, Lê Minh Thông. Xuất thân từ nông dân, gia đình Thông đều trông chờ vào mấy sào ruộng của mẹ. Để có thêm thu nhập, bố Thông làm đủ nghề từ xe ôm, làm thuê… nhưng vẫn không đủ nuôi các con ăn học. Nhận thức được hoàn cảnh của mình nên Thông luôn cố gắng trong học tập. Bước ngoặt lớn trong đời của cậu học trò nghèo là thi đỗ vào cả hai khối chuyên của ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Quốc gia Hà Nội. Thông tự tin khi nói mình không phải là người học giỏi nhất lớp nhưng tin là mình có đủ ý chí để theo đuổi ước mơ. Kí ức về tuổi thơ nghèo luôn là động lực giúp em vượt qua mọi khó khăn: “Em nhớ nhất hồi đi học đội tuyển phải đạp xe từ nhà lên tỉnh ngày cả gần 20km dù trời nắng trời mưa mới biết nghèo khổ đến thế nào. Đường quê vào những hôm mưa trơn làm em té ngã mấy lần. Nhưng mỗi lần vất vả như vậy em lại càng cố gắng, hun đúc ý chí và giúp mình tự tin hơn”- thủ khoa chia sẻ.
Chiếc đèn tự tay bố chọn mua cho Thông từ khi “lai kinh” vẫn ngày ngày nhắc nhở Thông giữ vững ý chí. Trên chiếc đèn có dòng chữ mà thủ khoa rất tâm đắc: “Người thất bại không phải vì dốt mà chỉ vì tưởng mình giỏi”. “Vận dụng” khéo léo câu nói này, Thông tự tin khi từ bỏ đội tuyển thi quốc gia năm lớp 12 vì thấy bạn bè “giỏi quá”: “Em biết mình là ai và rút lui đúng lúc. Hướng nào có lợi thì đi. Em đặt ra mục tiêu là đỗ Đại học Ngoại thương với 29 điểm và em đã đạt được”- thủ khoa tâm sự. Bí quyết học tập của Thông không có gì to tát. Em cho biết người thành công là người biết vận dụng thời gian một cách khôn ngoan. Thông luôn áp dụng nguyên lý 80/20 trong cuộc sống: đạt 80% kết quả công việc chỉ trong 20% thời gian và biết 20% thời gian ấy là thời điểm nào. Câu chuyện thú vị nhất mà Thông thích là câu chuyện về “Vua tiếc thời gian Bill Gates” khi trên đường có tờ 100 USD không thèm cúi xuống nhặt và ông cũng là người thành đạt mà Thông muốn hướng đến. Phương châm của Thông học hiệu quả là chính “việc hôm nay chớ để ngày mai”. Thông luôn định hướng trước là mình sẽ thu được gì khi học: “Bình thường có 1 tiếng đồng hồ thì em sẽ nghĩ trong một giờ đó mình đánh mất những gì. So sánh 5 phút ngồi không với 5 phút em có thể đọc một trang sách bổ sung bao nhiêu kiến thức thì chắc chắn em sẽ chọn đọc sách”.
Đạt 30 điểm không khó

Nguyễn Chí Dũng (Từ Liêm – Hà Nội) vừa đỗ thủ khoa ĐH Y Hà Nội với số điểm 30 (khối B), đỗ Đại học Kinh tế 28,5 điểm (khối A). Nhưng với Dũng thì đó là một kết quả không có gì gây bất ngờ. Là dân chuyên toán – tin của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, vì vậy khối A là thế mạnh, Dũng thi thêm khối B như một cuộc dạo chơi nhưng vẫn đỗ tuyệt đối 30/30 điểm. Khi hỏi về bí quyết có thể học giỏi và đạt điểm cao ở cả hai khối, Dũng trả lời: “Em chỉ nắm chắc kiến thức cơ bản, cộng với làm thêm các đề ở sách nâng cao, phần nào không hiểu thì đánh dấu lại hôm sau hỏi thầy cô và không quên “đố” nhau với bạn bè”. Thi hai khối cùng một lúc nhưng Dũng lại ôn thi với tâm trạng khá thoải mái, các kiến thức em đã nắm chắc, tập trung thời gian ôn môn sinh khoảng chục buổi trước khi thi. Dũng còn cho rằng, nếu muốn đạt điểm tuyệt đối ngoài học kĩ, học sâu và làm thêm kiến thức trong sách giáo khoa thì phải đọc nhiều để vượt qua những câu hỏi luôn có những đáp án “nhiễu” đánh đố thí sinh. Kết quả thi hai trường không nằm ngoài dự đoán của Dũng: “Điểm 30 không có bất ngờ vì em đã tính được khi ra khỏi phòng thi. Rất nhiều bạn bè bắt khao vì em được thủ khoa trường y nhưng điểm Trường Kinh tế quốc dân của em thì lại “thua” rất nhiều bạn trong lớp”. Tự lập trong học tập, Dũng “rinh” thành tích học tập trong sự vui mừng của bố mẹ từ giải ba toàn thành phố hồi lớp 5, giải 3 môn lý thành phố hồi lớp 9. Đặc biệt hơn, thi vào chuyên lý và hóa của Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyên khoa học tự nhiên hay Trường Amsterdam Hà Nội Dũng đều đạt kết quả cao.
Cô gái “ẵm” 11 học bổng ĐH của Mỹ
Không ai có thể tin một cô gái nhỏ nhắn, dễ thương như Nguyễn Hồng Hạnh, cựu học sinh chuyên Anh Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam lại có thể “ẵm” một lúc 11 học bổng ĐH của Mỹ.Thi TOEFL đạt 117/120 điểm, apply hồ sơ vào 11 trường ĐH của Mỹ, trong đó có trường thuộc top 3, top 5. Điều bất ngờ là cả 11 trường này đều có reply lại và đều có học bổng với mức cao nhất là 57.000 USD/năm, thấp nhất là 40.000 USD/năm. Trong số 11 trường này, Hạnh đã lựa chọn ĐH Stanford và nhập học đầu tháng 9 năm nay. Đây không phải là lần đầu tiên Hạnh được đến Mỹ. Năm học 2007 – 2008, khi đó Hạnh đang là học sinh lớp 11, em đã nhận được học bổng đi học nội trú ở Choate Rosemory Hall một năm. Trở về Việt Nam học tiếp lớp 12, cuối năm 2008, Hạnh đã chọn ra 15 trường ĐH ưng ý để apply hồ sơ. Nhưng vì thấy như thế hơi “tham” và không đủ sức để hoàn thành, Hạnh “cắt đi cắt lại” còn 11 trường do không thể cắt được nữa. Lạ lùng ở chỗ, ĐH Stanford là giấc mơ của Hạnh nhưng Hạnh lại làm hồ sơ sau cùng và cũng đúng vào ngày cuối cùng trường nhận hồ sơ. Tháng 2-2009, khi nhận được tín hiệu “reply” từ ĐH Yale, trường thuộc top 5 của Mỹ, Hạnh như không tin vào sự thật. Cầm chắc một “vé nặng ký” sang Mỹ du học, Hạnh cảm thấy thỏa mãn với sự cố gắng của mình. Sau đó, liên tục những trường còn lại đều báo Hạnh đã nhận được học bổng của trường. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên nữa là ĐH Stanford lại là trường Hạnh nhận thông tin sau cùng. Giấc mơ trở thành hiện thực, Hạnh bỏ ĐH Yale, đến với Stanford trong mơ của mình với học bổng toàn phần trị giá 57.000 USD/năm trong suốt 4 năm học. Thành công của Hạnh có được ngoài bảng thành tích học tập xuất sắc, các loại chứng chỉ nọ kia còn có một phần không thể thiếu đó chính là bài luận. Theo Hạnh, bài luận của Hạnh chỉ có 3 nội dung: sở thích đi du lịch, gia đình và niềm đam mê viết lách của cô. Từ ảnh hưởng của người cha làm kỹ sư xây dựng nay đây mai đó, ảnh hưởng của người mẹ giáo viên luôn tận tụy chăm sóc gia đình, con cái, Hạnh đã viết lên bài luận thành công. “Hãy luôn là chính mình, đừng cóp nhặt ý tưởng của ai, bạn chỉ là bạn trong bài luận để họ phân biệt bạn với người khác” – đó là chia sẻ của Hạnh.
Luôn dẫn đầu lớp môn ngoại ngữ nhưng bí quyết của cô bạn nhỏ này cũng xuất phát từ lời động viên của mẹ: nếu con không tự học, con sẽ không tự mình làm được việc gì cả. Hạnh đã tự học trong suốt 4 năm cấp 3 (1 năm học nội trú bên Mỹ) và tất nhiên không “quá đau khổ” vì sự học như lời Hạnh nói.
Thiên Lam

Bình luận (0)