PGS.TS Nguyễn Viết Ngoạn – Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn cho biết: Bản thân tôi và anh em trong ngành rất phấn khởi vì Hội nghị Ban Chấp hành TW Đảng lần thứ 8 khóa 11 đã có một nghị quyết riêng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam. Vui hơn nữa khi có hẳn một ủy ban quốc gia đổi mới GD-ĐT do chính Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch ủy ban. Tôi tin rằng việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT lần này sẽ rốt ráo quyết liệt và chắc chắn đạt được mục đích đề ra.
PV: Thưa PGS, nhà trường và những sinh viên ở các trường – khoa sư phạm có vai trò, trách nhiệm gì để góp phần chấn hưng nền giáo dục nước nhà?
– Nói gì thì nói, tương lai giáo dục của đất nước đã và sẽ phụ thuộc vào những người theo học các trường sư phạm. Lâu nay chúng ta nói nhiều về chất lượng đầu vào đối với các trường, khoa sư phạm với lý do là chúng ta chưa thực sự chọn được HS giỏi để đào tạo thành những người GV giỏi. Tôi muốn nói thêm, không những chúng ta đòi hỏi chất lượng đầu vào của trường, khoa sư phạm mà phải xem sư phạm là một ngành năng khiếu.
Có nghĩa là sinh viên sư phạm phải có tố chất đặc biệt mà cụ thể là năng khiếu sư phạm để theo đuổi nghề dạy học được thuận lợi hơn?
– Đúng vậy. Người học các trường, khoa sư phạm phải có năng khiếu, tố chất thậm chí tố chất bẩm sinh về nghề dạy học. Thế nhưng lâu nay chúng ta chưa thực sự, thậm chí chưa biết lưu ý đến tố chất này, làm cho giáo sinh sau khi ra trường khó thành ông thầy thật sự và nhà sư phạm thật sự.
PGS có ý kiến gì về chương trình đào tạo tại trường, khoa sư phạm hiện nay?
– Chương trình đào tạo các trường, khoa sư phạm bây giờ vẫn là sự lặp lại cách đây 50, 60 năm trước. Lấy ví dụ về thực tập sư phạm. SV sư phạm qua 4 năm đào tạo khi về thực tập tại các trường phổ thông chỉ được giảng 8 tiết cho 2 môn ngữ văn và toán, các môn còn lại chỉ dạy 6 tiết. Như vậy thì thử hỏi làm sao SV giỏi được. So với trường y đào tạo bác sĩ thì ngay những năm đầu, đặc biệt là từ năm thứ 3 trở đi hầu như SV ở trường 1 buổi và buổi còn lại xuống các cơ sở y tế. Một vấn đề nữa cần nói thêm, hiện nay việc đào tạo của chúng ta đã bão hòa.
Có nghĩa số lượng GV đang dư thừa, có phải như vậy không thưa PGS?
– Công bằng mà xét những khóa giáo sinh sư phạm các năm gần đây đã nâng dần chất lượng, nhưng tại các cơ sở giáo dục phổ thông thì vẫn còn dôi dư biên chế, nên khó bố trí việc làm cho các em.
Với vai trò của một Hiệu trưởng, PGS hãy cho biết Trường ĐH Sài Gòn phải làm gì để thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT này?
ĐH Sài Gòn là một cơ sở đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực nên trong đó có việc đào tạo GV. Việc đào tạo GV là một lĩnh vực truyền thống của nhà trường. Chúng tôi đang cố gắng để kịp thời đáp ứng nhu cầu GV (đặc biệt là hai ngành mầm non và tiểu học) không chỉ tại TP.HCM mà còn cho cả khu vực. Tôi tin rằng nhà trường sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thống của đơn vị để góp phần cho quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đạt được mục đích mà nghị quyết hội nghị đã đưa ra.
Xin cảm ơn PGS.
Phan Ngọc Quang (thực hiện)
Bình luận (0)