Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Biển Đông và Hoàng Sa – Trường Sa qua các cột mốc lịch sử: Kỳ 1: Chủ quyền đã khẳng định từ thời Hậu Lê

Tạp Chí Giáo Dục

Chủ quyền biển Đông và Hoàng Sa – Trường Sa đã thuộc chủ quyền vững chắc của Tổ quốc ta từ thế kỷ XVI, dưới thời Hậu Lê. Chủ quyền này liên tiếp được khẳng định dưới thời chúa Nguyễn và thời Tây Sơn.
Bản đồ Hồng Đức năm 1490 đã ghi rõ biển Đông là Đại Hải. Bản đồ Alexandre de Rhodes năm 1650 vẽ theo bản đồ Hồng Đức và ghi địa danh bằng quốc ngữ rõ ràng gần bờ biển Quảng Ngãi có Cù Lao Ré và ngoài khơi có Pulo Sisi (tức Hoàng Sa).
Trong toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá sao chép từ các bản đồ gốc khác có trước 1630, nơi khúc bản đồ Hội An, ngoài khơi Đại hải môn kèm theo lời chú thích được dịch ra như sau “Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm, đứng dựng giữa biển. Từ cửa biển Đại Chiêm đến cửa Sa Vinh, mỗi lần có gió Tây Nam thì thương thuyền các nước đi ở phía trong trôi dạt ở đấy; gió Đông Bắc thì thương thuyền chạy ở ngoài cũng trôi dạt ở đấy, đều cùng chết đói hết cả, hàng hóa thì đều để ở nơi đó. Họ Nguyễn mỗi năm vào cuối tháng mùa đông đưa 18 chiếc thuyền đến đấy lấy hàng hóa, được phần nhiều là tiền tệ, súng đạn. Từ cửa Đại Chiêm vượt biển đến đấy thì phải một ngày rưỡi. Từ cửa Sa Kỳ đến đấy thì phải nửa ngày” (trích Hồng Đức bản đồ).
Ngày 13-3-1695, hòa thượng người Trung Hoa Thích Đại Sán tới phủ Thuận Hóa theo lời mời của chúa Minh – Nguyễn Phước Chu để lo việc hoằng pháp cho Đàng Trong. Khi về hòa thượng viết hồi ký có đoạn nói “Khách có người bảo, mùa gió xuôi trở về Quảng Đông chừng vào độ nửa tháng trước sau tiết Lập thu; chừng ấy, gió Tây Nam thổi mạnh, chạy một lèo gió xuôi chừng bốn năm ngày đêm có thể đến Hổ Môn. Nếu chờ đến sau mùa nắng, gió bấc dần dần thổi lên, nước chảy về hướng Đông, sức gió Nam yếu, không chống nổi dòng nước mạnh về đông, lúc ấy sẽ khó giữ được ổn tiện vậy. Bởi vì có những cồn cát nằm thẳng bờ biển, chạy dài từ Đông Bắc qua Tây Nam, động cao dựng đứng như vách tường, bãi thấp cũng ngang mặt nước biển; mặt cát khô rắn như sắt, rủi thuyền chạm phải ắt tan tành, bãi cát rộng cả trăm dặm… Thời Quốc vương trước, hằng năm sai thuyền đánh cá đi dọc bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền hư hất vào. Mùa thu dòng nước cạn, chảy rút về hướng Đông, bị một ngọn sóng đưa đi thuyền có thể trôi xa cả trăm dặm, sức gió chẳng mạnh, sợ có hiểm họa Trường Sa” (trích trang 125 cuốn Thích Đại Sán, hải ngoại ký sự, Viện ĐH Huế xuất bản năm 1963).
Năm 1701, đoàn giáo sư Pháp sang Trung Hoa đã kể lại trong Các bức thư nêu gương sáng và giải tỏa tò mò như sau “Với luồng gió tốt, chúng tôi xuống tàu và chẳng bao lâu đã tới phía trên đảo Paracel (một cách gọi quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa của người phương Tây lúc bấy giờ). Paracel là một quần đảo thuộc đế quốc An Nam. Đó là những bãi đá rất đáng sợ, rộng lớn hơn 100 hải lý, một cơn gió lớn làm đắm tàu bất cứ lúc nào. Quần đảo Paracel nằm dài gần bờ biển nước Cochinchine (Giao Chỉ giáp Tần) xưa gọi là nước An Nam. Tàu Amphitrite lần đầu đi Trung Hoa, tưởng là sẽ bị tử nạn nơi đây. Thủy thủ đoàn cho rằng chưa đến nỗi khi họ thấy con thuyền chúi mũi vào một bãi biển chỉ có bốn hay năm sải nước mà thôi. Trong cơn nguy kịch đó họ nguyện cầu nếu họ qua khỏi đây họ sẽ xây dựng một giáo đường trên mộ thánh Phanxicô Xavie đảo Sincian (Tam Sơn). Họ được chấp nhận lời nguyện và thoát khỏi cơn nguy kịch như một phép lạ”. Để kỷ niệm sự cố này, các nhà địa lý và hàng hải lấy tên Amphitrite làm địa danh cho các đảo ở phía Đông Bắc Hoàng Sa mà ta gọi đó là đảo An Vĩnh.
Trong Phủ biên tạp lục (1775), Lê Quý Đôn đã viết “Xã An Vĩnh thuộc huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi ở gần bờ biển. Về hướng Đông Bắc ngoài biển có nhiều đảo và nhiều núi linh tinh hơn 130 đỉnh… ở trong các hòn đảo có bến Cát Vàng… Ngày trước, họ Nguyễn có thiết lập đội Hoàng Sa gồm 70 suất lấy người ở xã An Vĩnh… Họ Nguyễn còn thiết lập thêm đội Bắc Hải… để quản lý đảo Cồn Cỏ và các quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa” (trang 210-212, Lê Quý Đôn,Phủ biên tạp lục; Phủ quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa xuất bản, Sài Gòn, 1972).
Dưới thời Tây Sơn, “ngày 15 tháng giêng năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775), cai hợp Hà Liễu ở phường Cù Lao Ré thuộc xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã làm đơn xin chính quyền Tây Sơn lập lại hai đội Hoàng Sa và Quế Hương sẵn sàng vượt thuyền ra các cù lao ngoài biển tìm nhặt nạp các vật hạng đồng thiếc, hải ba, đồi mồi, và sẵn sàng ứng chiến chống kẻ xâm phạm”.
Như vậy, suốt thời gian Hậu Lê, thời chúa Nguyễn, thời Tây Sơn, các đồ bản và sử liệu trên đây đều chứng minh rõ ràng chủ quyền Việt Nam đã được thực thi liên tục và vững vàng trên phần cận duyên biển Đông cũng như trên hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa.
Linh Vy (lược trích)
LTS: Những ngày gần đây, dư luận xã hội lại một lần nữa phẫn uất trước sự kiện Trung Quốc lai dắt giàn khoan thứ 2 với tên gọi “Nam Hải số 9” vào biển Đông – nơi mà hơn 500 năm trước những người con đất Việt đã đặt dấu chân mình để mở mang bờ cõi tạo sự phồn vinh cho đất nước. Trải qua hơn nửa thiên niên kỷ với bao thăng trầm, thịnh suy của đất nước, lịch sử chưa bao giờ phủ nhận sự thật này. Từ số báo hôm nay, thêm một lần nữa, Giáo dục TP.HCM xin cung cấp thông tin cho độc giả về chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa qua các cột mốc lịch sử.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)