Một góc chợ đêm ở Thổ Tang |
Nhắc đến Thổ Tang (xã Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) là mọi người lại nghĩ ngay đến nghề buôn trâu nổi tiếng khắp miền Bắc. Trong muôn vạn nghề buôn, người Thổ Tang đã để lại dấu chân trên khắp mọi miền nhờ mánh lái trâu.
Trâu hàng ngày đổ về Thổ Tang tính bằng container để từ đây phân loại, con nào mạnh khỏe tiếp tục hành trình xuôi vạn lý đến những vùng đất khác, thậm chí sang cả đất bạn. Con nào mệt lả sau chặng đường dài thì chia vào lò mổ ngay trong làng. Phiên chợ họp về đêm ở Thổ Tang, ngoài thịt trâu ở đây còn bán tất cả mọi thứ. Nó đã tồn tại từ bao đời nay cứ như một phiên chợ âm dương mang đậm nét văn hóa miền quê Bắc bộ.
1. Chẳng biết từ khi nào, trên những phiên chợ trâu từ rẻo cao Tây Bắc đến tận cùng xứ Thanh – Nghệ làm chủ những giao dịch mua bán bao giờ cũng là người Thổ Tang. Từ chợ vào đến làng, các lò mổ trâu sáng đèn suốt đêm xẻ thịt để sớm hôm sau chia đi cung cấp khắp cả Hà Nội và những vùng lân cận. Chợ làng Thổ Tang lục tục họp từ lúc 1h sáng bất kể nắng mưa. Càng về những ngày cuối tháng những phiên chợ đó càng nhộn nhịp. Ngoài trâu ra, trên một khoảnh đất rộng đầu làng đã được UBND xã cắm mốc sẵn: khu chuyên bán rau, khu chuyên hoa quả, khu mua bán phân, tro, trấu, rơm khô… sản vật từ các làng Đại Đồng, Tân Tiến, Thượng Trưng, Vĩnh Sơn, Cao Đại… quanh đó mang đến. Không hẹn mà ra, người làm thuê từ Sơn Tây, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bạch Hạc… cũng lục tục về đây họp chợ người. Chỉ cần nhìn từ xa đã thấy ánh điện hắt ra từ chợ làng Thổ Tang lúng liếng như ngàn con mắt trong đêm soi đường. Khi tất cả tinh túy của buổi chợ đã được bày biện ra người làng Thổ Tang mới xuống chợ làm cái việc thu gom và luân chuyển hàng hóa đến những nơi đang có nhu cầu.
Địa lý tự nhiên là điểm giao thoa giữa trung du và đồng bằng nên thật dễ hiểu từ khi lập làng đến nay Thổ Tang luôn có một vị thế đặc biệt để phát triển kinh tế. Không có cái thế “cận thị, cận giang” nhưng vùng đất đó đã được lựa chọn để trở thành trung tâm bán buôn lớn nhất đồng bằng Bắc bộ. Người Thổ Tang vẫn tự hào với nghề chính của họ truyền từ đời này sang đời khác chính là công việc đi buôn. So với những nẻo miền quê Bắc bộ, phiên chợ đêm Thổ Tang có tần suất xuất hiện lớn nhất trong năm và luôn lớn nhất vùng. Chợ Thổ Tang có nhiều phiên vượt xa cả chốn đế đô nên thật dễ hiểu danh vang còn thơm đến tận hôm nay. Người Thổ Tang, dù chỉ là bác nông dân nhưng sinh ra đã phải lo toan gánh vác, cứ thức trắng đêm để mà tính toán. Cả làng trừ trẻ con ra tất thảy đều đi buôn. Khắp nơi từ chợ Đồng Xuân vang danh kinh kỳ đến những buổi chợ phiên heo hút đâu cũng gặp dấu chân người Thổ Tang.
Ở Thổ Tang luôn tồn tại một quy luật bất thành văn, nếu chồng ở nhà thì vợ thường trực ngoài chợ và ngược lại. Trong nhà huy động con cái, ông bà xuống các chợ tận mạn ngược nghe ngóng thông tin để kịp thời có chiến lược buôn bán. Quanh năm suốt tháng cả nhà có khi không gặp được nhau dù ngày nào cũng í ới suốt qua chiếc điện thoại nhỏ xíu. Nếu có đôi vợ chồng nào ở lại làng sống suốt ngày gần nhau thì lại chịu cảnh… chồng ngủ vợ phải thức. Cả làng hầu như nhà nào cũng có ô tô để chuyên canh công việc vận chuyển hàng hóa này. Theo thống kê hiện cả xã có tới 781 hộ buôn bán cỡ “đại gia” (vốn từ 200-300 triệu cho tới hàng chục tỉ đồng), trong số đó nhiều người đã thành lập được công ty; và khoảng 1.500 hộ buôn bán nhỏ (vốn vài chục triệu đồng). Thiên hạ gọi Thổ Tang là làng “tiểu thương” bởi số gia đình làm ruộng rất ít, người dân sống được nhờ nghề buôn bán. Trên 3.000 hộ của làng dắt nhau đi buôn khắp nước, ra cả nước ngoài.
Chợ Thổ Tang là chợ lớn vùng bán sơn địa, họp quanh năm nhưng phiên 16 tháng chạp là đông vui nhất vì có Lễ dắt ông Đô (lợn lễ) đi quanh chợ. Chợ làng Thổ Tang chờ cả năm đến ngày tuần tháng chạp. Vào ngày đó khắp trong ngoài làng chỗ nào cũng là chợ. Khách ăn mặc thật đẹp xuống chợ. Ngoài người làng, người tứ xứ cũng nô nức tới chợ. Cả danh hương Thổ Tang làm quần quật quanh năm chỉ chờ đến ngày tuần tháng chạp. Vào ngày này ô tô con đậu kín chỗ trên những cánh đồng trơ gốc rạ. Các cụ trong làng bỏm bẻm nhai trầu khoe, đó là đoàn xe của con cháu đất Thổ Tang về dự hội.
2. Từ những năm 1930, làng Thổ Tang đã nổi tiếng với nghề buôn trâu khắp miền Bắc. Hình ảnh bác lái trâu xa nhà đằng đẵng hàng tháng đủng đỉnh trong mỗi buổi chợ phiên mạn ngược gắn liền với con người Thổ Tang. Thời điểm hiện tại, những lái trâu lớn của làng chỉ việc ngồi nhà chỉ huy vì có riêng một đội ngũ vệ tinh tỏa đi các tỉnh như Cao Bằng, Lào Cai, Hòa Bình, Yên Bái… để thu gom trâu. Khi xe trâu về đến làng đích thân các lái sẽ lọc ra những con khỏe để tiếp tục chặng đường dài vào Nam và xuất sang các nước bạn. Còn những con gầy, yếu hơn đã có các chủ lò mổ trong làng đứng ra thu mua hết. Nếu có chú trâu nào sức không chịu được qua một chặng dài lăn quay ra cũng chẳng sao, chủ lò khắc có cách chế biến. Như trong đận rét lịch sử vừa qua tưởng không có thịt tươi vì trâu chết nhiều vậy mà không ít lái trâu ở Vĩnh Tường đã kiếm bộn tiền bằng cách vào tận bản mua trâu chết rét về sau đó mổ thịt rồi bán. Có những thương vụ do đường xa, trơn khó đi và thường các lái trâu phải mất thời gian gom nên có con chết cả tuần, trương bụng mới được chuyển về mổ thế mà đầu ra vẫn hết veo, chả nhà nào ế hàng cả.
Chợ trâu là phiên đặc biệt nhất làng Thổ Tang, có thể họp từ sáng sớm, đến cả ngày tùy thuộc những chuyến xe trâu đổ vào làng bất cứ lúc nào. Gọi là chợ nhưng thực ra đó là điểm tập kết trâu ở bất cứ bãi rộng nào trong làng, họp một loáng rồi đã thấy tan vì người Thổ Tang tính toán rất nhanh cho đoạn kết số phận mỗi chú trâu. Trâu khi đã xẻ thịt cũng có mặt trong những phiên chợ ban mai nhưng chỉ là một phần nhỏ đủ cung cấp cho nhu cầu ẩm thực của người Thổ Tang mấy làng xung quanh. Tinh mơ, gà gáy sáng cả làng Thổ Tang đã rộn rã tiếng xe máy vào lấy hàng. Chỉ một lát, không gian ban sớm của cả làng quyện đặc mùi khói xăng của những chiếc Mink cồng kềnh chuyên để thồ hàng. Hàng súc thịt trâu được chất lên xe máy theo chân cánh này đổ về Vĩnh Yên, Sơn Tây, Khoang Xanh, Hải Phòng… trong đó 80% đưa xuôi Hà Nội.
Về đến phố vào rạng sáng, thịt trâu lại vứt lên hè la liệt. Chủ các quán ăn chẳng nói chẳng rằng chất lên xe tỏa đi tiếp. Thêm một khâu vận chuyển nữa thế là con trâu được hóa kiếp thành những món khoái khẩu trong những quán hàng. Người Hà Nội thích ăn phở. Và chẳng hiểu trong những bát phở bò thơm phức kia là thịt trâu Thổ Tang hay thứ thịt bò như nhà hàng hứa cam kết bằng cả danh dự.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
Bình luận (0)