Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Những trái tim lên tiếng

Tạp Chí Giáo Dục

Từ trái qua: Thầy Quốc Hùng, cô Mỹ Linh, cô Ngọc Điệp và cô Mỹ Dung

“Trái tim người thầy”, danh hiệu cao quý mà Công đoàn Giáo dục thành phố vừa trao cho 118 giáo viên. Giáo Dục TP.HCM đã ghi lại tâm tình từ những trái tim ấy về học trò của mình.
Vui buồn nghề giáo
Với cô Nguyễn Ngọc Điệp, chủ nhiệm lớp 9A8, Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, Q.4, kỷ niệm đáng nhớ nhất trong gần 30 năm đứng lớp là một em học sinh có học lực bình thường nhưng nỗ lực phấn đấu đạt học sinh giỏi cấp thành phố và hiện là HS lớp chuyên hóa Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Cô Điệp nói: “Nhà em nghèo, cái ăn chạy từng bữa. Tôi luôn dành thời gian gần gũi, động viên. Từ ngày ấy, em gọi tôi là má. Em đã mang đến cho má Điệp một “món quà” hết sức bất ngờ, không gì hạnh phúc bằng”. Mỗi người có quan niệm về hạnh phúc khác nhau. Hạnh phúc của cô giáo Điệp rất đỗi bình thường nhưng toát lên cái đẹp thanh cao của nghề giáo.
Là chủ nhiệm lớp 12AC4, tổ trưởng tổ vật lý Trường THPT Thủ Thiêm, cô Tăng Mỹ Dung là người nhiều năm gắn bó với học sinh thuộc nhiều thành phần. Học sinh của trường đa phần là con em người lao động nghèo nhập cư, cha mẹ ít học. Số ít người địa phương giàu lên quá nhanh nhờ tiền đền bù giải tỏa nên ít nhiều cũng bị tác động bởi hoàn cảnh, đồng tiền. Với những học sinh này, cô Dung đã tìm hiểu kỹ về gia cảnh, dành thời gian chuyện trò thân mật rồi đề ra biện pháp giáo dục cụ thể cho từng đối tượng. Bài học đầu tiên mà cô đưa ra với mục đích dạy các em không nên ỷ lại vào gia đình, giúp các em chủ động thực hiện lối sống có trách nhiệm, đoàn kết và tích cực tham gia các hoạt động xã hội.
Nỗi trăn trở của cô Nguyễn Thị Mỹ Linh, Trường MN Măng Non 3, Q.10 là đồng lương còn quá thấp, chịu nhiều áp lực khách quan và đặc thù của bậc học. Tuy nhiên, không vì khó mà e ngại, lòng yêu trẻ, yêu nghề thôi thúc cô không ngừng học tập nâng cao trình độ. 10 năm theo nghề, một thời gian không quá dài nhưng với cô Linh đó là quãng thời gian hạnh phúc nhất. Cô Linh tâm sự: “Không phải phụ huynh nào cũng thông cảm, chia sẻ và tôn trọng giáo viên. Có nhiều chuyện khiến giáo viên rất buồn nhưng qua sự việc ấy, đòi hỏi phải nỗ lực, học tập văn hóa ứng xử khéo léo để phụ huynh yên tâm gửi con”.
Anh chị em trong nhà đều mê nghề giáo từ những ngày đầu ngồi trên ghế nhà trường nhưng thầy Nguyễn Quốc Hùng, giáo viên toán. Trường THPT Nguyễn Khuyến lại khác. Ngày ấy, thầy đăng ký thi vào ĐH Sư phạm theo ý muốn của gia đình. “Cái nghề không mang lại sự giàu có nhưng rất có hậu”. Lời dạy của cha thầy miễn cưỡng làm theo. Tốt nghiệp, thầy được phân công về công tác vùng giáp biên giới Campuchia, thuộc huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Thầy Hùng kể lại: “Trên chiếc xe đò về Kiên Lương, tôi không thể tưởng tượng ra nơi mình sắp đến sẽ thế nào. Đêm ngủ lại ở thị xã Hà Tiên để chờ chuyến xe ra Kiên Lương, cảnh tượng giang hồ, trẻ em hư hỏng lang thang khắp nơi. Chưa chính thức nhận nhiệm sở, trong thời gian về thành phố sắp xếp mọi thứ, chưa hết tuần đã thấy nhớ những mái đầu khét nắng, nhớ những cụ già hom hem mang đến biếu món quà cây nhà lá vườn. Nỗi nhớ ấy cứ cuồn cuộn xốn xang mỗi đêm về, tôi phải trở lại trường sớm hơn dự định. Trường tôi dạy là một ngôi trường nghèo, học sinh thì đủ mọi thành phần, mọi lứa tuổi, cứ chạy giặc một thời gian rồi quay lại học tiếp. Gắn bó với trường một thời gian ngắn, nơi ấy đã là quê hương thứ hai của mình. Tiếc là tôi phải ra đi vì cha mẹ già cần người phụng dưỡng”. Đến nay, lứa học trò đầu tiên của thầy có người đã có gia đình, con cái lớn hơn con của thầy giáo. “Nếu có kiếp sau tôi vẫn chọn nghề giáo”, thầy Hùng khẳng định.
Tìm tia sáng nơi học trò
Tùy đối tượng học sinh mà có biện pháp giáo dục, uốn nắn phù hợp là “cẩm nang” bổ ích cho giáo viên, song “cẩm nang” ấy cũng chỉ là lý thuyết. Cô Điệp, cô Linh và thầy Hùng đã vào vai những người cha, người mẹ một cách khéo léo để có thể hàn gắn “vết thương lòng” từ phía gia đình, hay những cạm bẫy đời thường ngoài xã hội ảnh hưởng đến tâm lý kéo theo việc học các em sa sút. 
Cảm hóa học sinh chưa ngoan không là việc một sớm một chiều mà cần có thời gian. Theo cô Điệp, để giáo dục học sinh sống có tình, trọng đạo nghĩa thì giáo viên cần giáo dục, khơi gợi lòng yêu thương con người hướng các em đến cái nhìn rộng mở. Từ đó dễ dàng cảm thông chia sẻ lo âu quanh mình để thái độ vô cảm, ích kỷ không có cơ hội trỗi dậy. Giáo dục lòng biết ơn, sự tin tưởng vào người khác là việc làm không thể thiếu. Thiếu lòng tin dẫn đến sự tàn nhẫn và độc ác. Và hơn hết, nhà giáo phải sống đứng đắn, người thầy phải là tấm gương sáng, là ngọn đuốc soi đường. Cần dành thời gian gần gũi, tâm tình với học sinh mới có thể thấy biểu hiện sa sút về đạo đức mà kịp thời uốn nắn để các em không bị trượt dốc. Kinh nghiệm cảm hóa học sinh chưa ngoan của cô Linh thực tế đã có kết quả khả quan. Lớp cô phụ trách có khoảng 40 bé. Cứ mỗi ngày cô dành thời gian gần gũi một bé, hết 40 ngày thì lại nối vòng như vậy. Cô Linh chia sẻ: “Nhờ đó mà giáo viên nắm bắt tình hình, sở thích và diễn biến tâm lý của trẻ mà đề ra phương pháp giáo dục cụ thể cho từng em. Gần gũi nhiều, các em có cảm giác tin tưởng, cởi mở hơn”.
Lớp 11EC1 năm nay do thầy Hùng làm chủ nhiệm hầu hết là học sinh chưa ngoan. Trước khi nhận công tác chủ nhiệm, cô hiệu phó chuyên môn gửi gắm: “Thầy Hùng giúp giùm”. Trong lớp có nhiều em vào lớp không hề chép bài. Một số em còn có thái độ ngông nghênh, thiếu lễ phép với giáo viên. Theo thầy Hùng, với các em này không phải là bất trị mà việc giáo dục phải bám sát từng ngày, từng giờ. Từ những học sinh lầm lì, ít nói, không chép bài, chẳng giơ tay phát biểu bao giờ, chỉ một thời gian ngắn các em đã “lột xác”. “Làm thế nào để các em thấy rằng mình là người có thể tin tưởng, chia sẻ bất cứ chuyện gì, lúc nào và ở đâu. Đừng quá đặt nặng cái lỗi lầm của các em mà cố gắng tìm ra một tia sáng, cái tiến bộ, dù là nhỏ nơi các em để động viên, chia sẻ”.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
“Trái tim người thầy” không chỉ là danh hiệu của một cá nhân mà là sự ghi nhận của xã hội, của nhân dân. Những “trái tim người thầy” như tiếp thêm lửa cho thế hệ sau, không ngừng nâng cao nhận thức, tôn trọng nhân cách, tôn trọng dân chủ, công bằng xã hội”, ông Nguyễn Hữu Hùng, Chủ tịch Công đoàn ngành GD-ĐT TP.HCM cho biết.
 

Bình luận (0)