Các phóng viên nhận giải thưởng báo chí TP.HCM lần thứ 31 năm 2013 do Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức sáng 19-6. Ảnh: N.Trinh
|
Nhiều tân cử nhân báo chí vẫn chưa hình dung được những khó khăn của công việc làm báo khi bước vào nghề…Nghề chưa bao giờ thiếu nhân lực.
Hiện nay, số lượng trường đào tạo cử nhân báo chí chính thức chỉ trên dưới 10 trường ĐH nhưng ngành báo chí chưa bao giờ rơi vào tình trạng thiếu nhân lực. Đây thực sự là một “sự lạ” so với các ngành nghề khác. Lý giải điều này, theo PGS.TS Nguyễn Văn Dững (Chủ nhiệm Khoa Báo chí, Học viện Báo chí tuyên truyền), ở Việt Nam ai cũng có thể tham gia làm báo. Học ngoại ngữ không xin được việc: Đi làm báo. Học luật không có việc: Đi làm báo. Tốt nghiệp ngữ văn, lịch sử, xã hội học… ra trường không xin được đúng ngành: Đi làm báo. Tốt nghiệp các ngành kỹ thuật, ra trường cũng vẫn có thể đi làm báo “ngon”. Thậm chí chỉ cần học hết THPT, ở nhà vẫn có thể viết báo. Và làm báo ở Việt Nam tuy dễ nhưng khó. Dễ vì bạn đọc có thể dễ dàng tham gia “làm báo”. Sự tương tác giữa bạn đọc và báo chí tạo nên nguồn thông tin đa dạng, phong phú. Mỗi ngày, nhìn một lượt khắp các trang báo mạng cho đến báo viết, tin tức gần như giống nhau đến 90% chỉ khác cách thể hiện. Còn cái khó của người làm báo Việt Nam chính là việc trụ lại được trong nghề cũng là điều không đơn giản. Nhưng theo PGS.TS Nguyễn Văn Dững, trong các ngành xã hội, báo chí vẫn là ngành số một. Bởi hiện nay, các ngành khác thuộc khối khoa học xã hội nhân văn ra trường rất khó xin việc. Nhưng đối với ngành báo chí thì ngược lại. Mỗi năm lại có vài tờ báo mới ra đời, nên nhu cầu nhân lực luôn luôn có.
Nghề có nguy hiểm?
Hơn 30 năm đào tạo báo chí, PGS.TS Nguyễn Văn Dững cho biết, có những học trò của ông, sau 2-3 năm làm báo, tháng nào cũng có bài được biểu dương nhưng vẫn bị chấm dứt hợp đồng lao động vì trong ngần ấy thời gian họ đã không kiếm được cho tòa soạn… mẩu quảng cáo nào… Áp lực sống bằng quảng cáo đã biến một số tòa soạn chỉ tuyển “chân dài”, một số phóng viên sẵn sàng trở thành “thợ viết thuê”… Nó cũng là một trong những nguyên nhân khiến hình ảnh nghề báo trở nên méo mó, lệch lạc. PGS.TS Nguyễn Văn Dững cho rằng, để trụ lại với nghề, các nhà báo cần phải vừa viết vừa tranh thủ thời gian để nâng cao chất lượng bài viết, đi vào chiều sâu của vấn đề. Trong làng báo hiện nay, số lượng những người có năng lực phân tích, chính luận không nhiều. Không những thế, theo PGS.TS Nguyễn Văn Dững, báo chí hiện đang có xu hướng xa rời nguyên tắc cơ bản như nguyên tắc tính khách quan, nhân dân và dân chủ. Cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Dững, nếu ai đó nghĩ nghề báo là nghề nguy hiểm thì có lẽ chưa đúng lắm với Việt Nam. Trong khi các nước phương Tây, báo chí được coi là nghề nguy hiểm vì nó đối trọng với quyền lực thì ở Việt Nam, báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, của cơ quan ban ngành. Vì vậy, nghề báo ở Việt Nam không có gì nguy hiểm. Có lẽ tính nguy hiểm của báo chí Việt Nam cần được hiểu ở khía cạnh khác. Đó là sự bẻ cong ngòi bút đối với một số nhà báo chạy theo cơ chế thị trường. Sự cám dỗ của đồng tiền đã khiến nhiều nhà báo gục ngã. Chính vì vậy, bản lĩnh cần có của người cầm bút có lẽ chưa bao giờ cũ đối với những người làm báo Việt Nam.
Nghiêm Huê
PGS.TS Nguyễn Văn Dững cho rằng, để trụ lại với nghề, các nhà báo cần phải vừa viết vừa tranh thủ thời gian để nâng cao chất lượng bài viết, đi vào chiều sâu của vấn đề. Trong làng báo hiện nay, số lượng những người có năng lực phân tích, chính luận không nhiều. |
Bình luận (0)