Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Kiên quyết chống lạm thu

Tạp Chí Giáo Dục

Khen thưởng BĐDCMHS tại các trường ở TP.HCM trong năm học 2011 – 2012

Nhằm hạn chế tối đa những biểu hiện tiêu cực trong việc thu chi không đúng quy định đối với người học, Bộ GD-ĐT đã chính thức ban hành Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐDCMHS). Điều lệ này thu hút sự quan tâm của xã hội và sự ủng hộ của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, với một số sở GD-ĐT địa phương vẫn còn chưa thông.
“Rào” chặn
Điều được các phụ huynh ủng hộ là trong Dự thảo Điều lệ BĐDCMHS của Bộ GD-ĐT nêu rõ: BĐDCMHS không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của BĐDCMHS, gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lí, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lí, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường. BĐDCMHS không được thu các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện.
Ngoài quy định các khoản không được phép thu, điều lệ cũng nêu rõ về cơ cấu, nguyên tắc hoạt động và vai trò, kinh phí hoạt động, nhiệm vụ của BĐDCMHS trong việc phối hợp với giáo viên, nhà trường để thực hiện các hoạt động giáo dục học sinh. Tổ chức, cá nhân có hành vi cố ý cản trở việc thực hiện Điều lệ BĐDCMHS, vi phạm các quy định của Điều lệ BĐDCMHS và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động của BĐDCMHS thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lí theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, nhiều sở GD-ĐT tỉnh, thành coi điều lệ là “quả đấm thép”, gây khó khăn cho hoạt động dạy và học của các cơ sở giáo dục.
Theo ông Bùi Hồng Quang, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ GD-ĐT), một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thu nhiều, thu sai ở một số nơi thời gian qua có nguyên nhân từ việc cấp phát kinh phí từ ngân sách tại địa phương. Theo quy định, cơ sở giáo dục phải tính toán các khoản kinh phí được cấp bảo đảm cơ cấu 80% cho chi lương, các khoản phụ cấp và 20% dành cho các hoạt động khác. Kinh phí phục vụ cho các hoạt động dạy học được trích từ nguồn này. Tuy nhiên, có nơi không được cấp đủ kinh phí để bảo đảm cơ cấu chi cho các hoạt động khác. Theo tính toán của chúng tôi, nếu bảo đảm đủ cơ cấu chi này, các nhà trường sẽ không gặp khó khăn gì. Trách nhiệm này thuộc về hiệu trưởng các trường phải tính toán chính xác và báo cáo kịp thời với cơ quan quản lý.
Phụ huynh đồng tình
Đi ngược lại quan điểm của lãnh đạo các sở, phụ huynh học sinh đặc biệt quan tâm và đồng tình về những quy định. Anh Nguyễn Quang Hải (Khương Trung, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) có con học ở Trường THCS N.T cho rằng: “Trường con gái tôi, mỗi năm đóng 200.000 đồng tiền quỹ phụ huynh, cả trường có 1.000 học sinh, tổng cộng quỹ lên tới 200 triệu đồng. Số tiền lớn như vậy dễ sử dụng bừa bãi, chi vào các khoản theo sự “gợi ý” của nhà trường. Theo tôi, quỹ phụ huynh không được phục vụ việc hỗ trợ cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ học tập… Nhà nước đã đầu tư rất nhiều tiền vào cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất rồi, tại sao còn bắt phụ huynh phải đóng thêm?”. Anh Đinh Kim Nam (Nguyễn Lương Bằng, Q.Đống Đa, Hà Nội) có con học tại Trường THCS B.V.Đ cho rằng: “Tôi thấy việc có điều lệ là rất cần thiết. Nếu đã là quỹ của phụ huynh thì nên độc lập, tự phụ huynh thống nhất với nhau về mức quỹ phù hợp. Cấm “bổ đầu” áp đặt, bởi nhiều phụ huynh còn khó khăn. Như hiện nay, các trường cứ thu bình quân thì buộc phụ huynh phải đóng. Cái này nên loại bỏ”.
Còn chị Phạm Thu Hà (Định Công, Q.Hoàng Mai, Hà Nội) có con học ở Trường Tiểu học K.G góp ý: “Tôi thấy điều lệ còn đề cập chung chung ở việc xử lý vi phạm. Cần nêu cụ thể khung hình phạt, bởi có chế tài nghiêm khắc mới đủ răn đe cho những hiệu trưởng cố tình sai phạm”. Đây không phải lần đầu Bộ GD-ĐT quyết tâm chống lạm thu. Trước mỗi năm học, bộ và các sở địa phương đều ra văn bản hướng dẫn chống lạm thu trong trường học và không phải bộ thiếu cơ chế để “quản” việc này, bởi ngay cả Luật Giáo dục cũng đã đề cập đến các khoản thu trong các trường học. Việc ban hành thêm Điều lệ BĐDCMHS là rất cần thiết, tuy nhiên quyết tâm làm hay không lại là chuyện khác. Dù Điều lệ BĐDCMHS ra đời nhưng vẫn vấp phải sự phản đối của một số địa phương thì cũng chẳng khác tình trạng các quy định trước đó: “trên bảo, dưới không nghe” và lạm thu cứ “hoành hành”.
Khẳng định điều này, ông Bùi Hồng Quang, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ GD-ĐT), cho biết: “Điều lệ lần này có những quy định làm rõ hơn quyền và trách nhiệm của BĐDCMHS và đặc biệt là quy định cụ thể các khoản mà ban này không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học. Yêu cầu quan trọng và bắt buộc trong việc thu – chi kinh phí của BĐDCMHS tại điều lệ là không được quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân. Việc quy định trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh/TP quyết định việc thu và sử dụng kinh phí của BĐDCMHS như tại điều lệ năm 2008 nay không đặt ra nữa, bởi không đúng với tinh thần tự nguyện. Tóm lại, tinh thần chung trong các quy định của điều lệ về việc vận động ủng hộ từ phía phụ huynh là tự nguyện một cách thực sự, phụ huynh có quyền từ chối ủng hộ nếu bản thân không muốn.
Nghiêm huê

Bình luận (0)