Ông Nguyễn Hoàng Nhi, Giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp, cho rằng biên bản thỏa thuận cách chấm thi các môn tự luận tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011 đã được sự đồng ý của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển
Ngày 19-6, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về việc 11 sở GD-ĐT các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL có biên bản thỏa thuận cách chấm thi các môn tự luận tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở GD-ĐT An Giang, cho biết việc thống nhất cách chấm thi không trái với quy định của Bộ GD-ĐT, chỉ là thống nhất cách cho điểm chứ không phải “mở” đáp án đến vô tội vạ.
“Theo tôi biết thì anh Ba Nhi (Nguyễn Hoàng Nhi, Giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp – PV) đã có công văn xin ý kiến của Bộ GD-ĐT để mở cuộc họp thống nhất cách chấm thi và được đồng ý.
Việc thống nhất cách chấm là cần thiết vì nếu đáp án có 3 ý, thí sinh chỉ trả lời được 1 hoặc 2 ý thì cho điểm ra sao? Nếu không có sự thống nhất thì người cho điểm thấp, người cho điểm cao, thiệt thòi cho thí sinh. Mà việc làm này còn đem lại sự công bằng để không xảy ra tình trạng có tỉnh chấm chặt quá, tỉnh chấm lỏng quá như những năm trước rồi lại khiếu nại” – ông Bình nói.
Ông Bình cũng cho biết lãnh đạo sở GD-ĐT các tỉnh ĐBSCL đều hay biết việc nhóm họp để đi đến thỏa thuận, thống nhất cách chấm thi trên. Song, khi được hỏi về việc biên bản thống nhất của 11 sở GD-ĐT ngày 5-6 tại TP Cần Thơ có vấn đề “mở” đáp án để cho điểm thí sinh nhằm đem lại kết quả “đẹp”, ông Bình nói chuyện “mở” đến mức độ nào thì ông không biết vì không tham gia cuộc họp trên.
Học sinh tại TP Cần Thơ sau một buổi thi tốt nghiệp THPT năm 2011. Ảnh: CA LINH |
“Tôi không phải chủ tịch hội đồng chấm thi mà là một cô phó giám đốc sở. Hôm đi họp tại Cần Thơ cũng do cô ấy đi”- ông Bình khẳng định và cho biết tỉ lệ đậu tốt nghiệp THPT của tỉnh An Giang năm nay là 89,32% đối với hệ THPT và 42,9% đối với hệ giáo dục thường xuyên. “So với năm 2010, tỉ lệ đậu tốt nghiệp của An Giang tăng khoảng 7%-8%, đây là mức tăng bình thường” – ông Bình nhìn nhận.
Ông Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ, cho biết: “Biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi môn văn ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 của 11 tỉnh, thành ĐBSCL bám sát với đáp án của Bộ GD-ĐT. Trong quy định về chấm thi có độ “nới lỏng” nhất định theo quy chế cho phép. Về việc một cô giáo ở Tiền Giang (cô Đỗ Thị Lê-PV) nói giữa các tỉnh thỏa thuận để cho điểm vô tư là ý kiến chủ quan của cô, không đúng sự thật”.
Cán bộ Phòng Khảo thí của Sở GD-ĐT Cần Thơ nhận định: “Bộ đã có văn bản cho phép 11 tỉnh họp thống nhất đáp án chung của các môn tự luận chứ không có chuyện vô tư cho điểm.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa kết thúc, bộ đã có điều chỉnh đáp án bổ sung ở môn văn (ý thứ 2, câu 1) rất thuận lợi cho học sinh”. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, TP Cần Thơ có khoảng 85% học sinh đạt trên điểm 5 môn văn. Theo cán bộ trên thì tỉ lệ này so với những năm trước là ngang nhau.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chiều 19-6, bà Đoàn Thị Bảy, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau, khẳng định việc 11 sở GD-ĐT các tỉnh ĐBSCL họp bàn và ra biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 là không sai. Theo bà Bảy, không chỉ riêng môn ngữ văn mà tất cả các môn thi tự luận đều có biên bản thống nhất như vậy.
Bà Lâm Thị Sang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Các tỉnh, thành đã thảo luận, nghiên cứu từ đáp án của Bộ GD-ĐT hướng dẫn triển khai cho các hội đồng chấm thi. Từ đó, các tỉnh đã thống nhất quan điểm, chi tiết các đáp án. Tuy các đáp án này có khuynh hướng mở hơn nhưng không thoát ly khỏi đáp án của Bộ GD-ĐT”.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Hoàng Nhi, Giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp, Trưởng thi đua vùng VI (khu vực ĐBSCL), cho rằng biên bản này đã được 11 sở GD-ĐT thống nhất (trừ Tiền Giang và Bến Tre không tham gia) trên cơ sở bám sát đáp án của bộ và được sự đồng ý của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển.
Ông Nhi cho biết: “Chiều 19-6, một số sở đã làm báo cáo liên quan đến biên bản thống nhất đáp án các môn tự luận gửi về Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng theo yêu cầu của bộ. Những sở còn lại do tối 18-6 (thứ bảy) mới nhận được yêu cầu này nên đến thứ hai sẽ gửi trình bày vụ việc về bộ”.
Không cho phép tự xây dựng đáp án
. Phóng viên: Thứ trưởng đánh giá thế nào về việc 11 tỉnh, thành ở ĐBSCL có riêng một thỏa thuận để chấm thi?
– Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Ngày 5-5, khi Giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp gửi công văn đề nghị Bộ GD-ĐT cho tổ chức cuộc họp gồm một số đại diện các hội đồng chấm thi của các tỉnh trong vùng để “thảo luận hướng dẫn chấm và biểu điểm các môn thi tự luận của Bộ GD-ĐT ở từng môn thi”, chúng tôi xét thấy nội dung cuộc họp trên không trái với các quy định của quy chế thi nên đã có công văn đồng ý cho tổ chức cuộc họp.
Ngay sau khi Báo Người Lao Động đăng bài “Thỏa thuận để cho điểm … vô tư!”, Bộ GD- ĐT đã yêu cầu các sở GD-ĐT trong vùng ĐBSCL báo cáo về sự việc trên. Bộ sẽ tiếp tục kiểm tra, xác minh và nếu phát hiện sai phạm sẽ nghiêm túc xử lý theo quy chế.
. Vậy bao giờ các sở mới có báo cáo về bộ, thưa ông?
– Chúng tôi yêu cầu họ phải thực hiện báo cáo nhưng không thể yêu cầu họ gửi ngay lập tức được. Chắc một, hai ngày nữa họ sẽ gửi thôi. Về việc này, tôi khẳng định là Bộ GD-ĐT đã ban hành và chỉ đạo thống nhất đáp án và biểu điểm trong toàn quốc, không cho phép các hội đồng chấm thi tự xây dựng.
. Thưa thứ trưởng, liệu Bộ GD-ĐT có cử đoàn thanh tra vào kiểm tra tận nơi không?
– Nếu thấy cần thiết, chúng tôi sẽ làm điều đó. Nhưng theo tôi, việc này cần phải chờ xem kết quả báo cáo của họ thế nào.
. Nếu bộ đã khẳng định không cho phép các hội đồng chấm thi tự xây dựng và sử dụng các hướng dẫn chấm thi khác với hướng dẫn chấm thi của bộ thì các bài thi của thí sinh 11 tỉnh, thành ở ĐBSCL sẽ được xử lý thế nào?
– Như tôi đã nói, chúng tôi đang chờ báo cáo rồi sẽ có kết luận cuối cùng. Đây là việc quan trọng nên không thể quá vội vàng.
. Nhưng thời gian từ nay đến kỳ thi ĐH là không dài, cần phải bảo đảm quyền lợi cho các em?
– Tôi chắc chắn là chúng tôi sẽ xử lý kịp để bảo đảm quyền lợi cho các thí sinh trước kỳ thi ĐH này.
Yến Anh thực hiện
|
Theo nld
Bình luận (0)