Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục – Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trả lời phỏng vấn Tiền Phong xung quanh câu chuyện chiếc cặp của học sinh tiểu học.
Một số chuyên gia và phụ huynh cho rằng, cặp học sinh nặng vì quá nhiều sách tham khảo. |
Giáo sư nhìn nhận sự việc cháu B.T.A bị gãy xương bị cho là mang cặp sách quá nặng thế nào?
Đứng ở góc độ người dân, chúng ta cần xem chiếc cặp đó có gì mà nặng đến 4,5 kg. Báo chí cho biết, trong cặp có 4 quyển vở, mỗi quyển 200 trang và 5 quyển sách giáo khoa. Ngoài ra, còn có một cái áo khoác và một bình nước. Cháu có cần thiết mang nhiều thứ như vậy không?
Dĩ nhiên trước hết phải xem xét trách nhiệm của nhà trường, của thầy cô. Nhưng ở đây cũng phải nhấn mạnh trách nhiệm của cha mẹ học sinh, trong việc hướng dẫn và kiểm tra con mình trước khi đi học.
Chiếc cặp nặng chính là biểu hiện của sự quá tải chương trình học ở bậc tiểu học hiện nay ?
Vấn đề “tải” của chương trình giáo dục phổ thông, trong đó có tiểu học, cũng đã được đề cập nhiều lần Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo rà soát chương trình để giảm tải, mặc dù so với chương trình năm 1981 thì chương trình hiện hành nhẹ hơn nhiều. Nhưng có thể việc học hành trên thực tế vẫn là gánh nặng với các cháu vì một số lý do sau đây:
"Đối với các lớp lớn, có thêm sách tham khảo để bồi bổ kiến thức, củng cố kỹ năng là tốt, nhưng đưa vào nhà trường thì phải qua hội đồng chuyên môn thẩm định.Hiện nay tình trạng sử dụng sách tham khảo rất lộn xộn. Con em mình học tiểu học 2 buổi/ngày là rất nhiều rồi, sao tối về vẫn phải học thêm? Điều đó là không thể chấp nhận được" – Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết |
Nhiều thầy, cô không nắm chắc chương trình, đặt yêu cầu quá cao đối với học sinh.
Chương trình giáo dục phổ thông, trong đó có chương trình tiểu học, đang bị “tăng tải” trở lại do phải bổ sung quá nhiều nội dung xuất phát từ đề nghị của một số giới trong xã hội hoặc từ một số dự án quốc tế tài trợ như: giáo dục phòng, chống tham nhũng; giáo dục an toàn giao thông; giáo dục giới tính; giáo dục phòng, chống HIV/AIDS; giáo dục kỹ năng sống; sân khấu học đường.
Chương trình còn bị “tăng tải” đáng kể vì dạy thêm, học thêm và sử dụng các loại sách bài tập, sách tham khảo ngoài luồng…
Thực tế là sách tham khảo quá nhiều, kể cả ở bậc tiểu học cũng có đến chục loại. Phụ huynh không biết đâu mà lần, còn các cháu thì bị nhồi nhét?
Loạn sách tham khảo là vấn đề dư luận đã đặt ra từ lâu. Thậm chí, tại diễn đàn Quốc hội khóa XI, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin còn phải trả lời chất vấn của đại biểu về chuyện này. Nhưng cho đến nay, tình hình vẫn không có gì thay đổi.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết không ít lần đề cập tình trạng học sinh “quá tải” tại diễn đàn Quốc hội. Ảnh: Hưng Bình. |
Ở nhiều trường, thầy cô vẫn yêu cầu học sinh mua sách tham khảo để làm bài tập, mặc dù những loại sách này chưa hề được hội đồng thẩm định nào xét duyệt. Có thầy cô yêu cầu học sinh làm thêm bài tập trong sách tham khảo vì nghĩ rằng làm như vậy thì học sinh của mình sẽ có hiểu biết rộng hơn, kỹ năng thuần thục hơn. Nhưng cũng không ít người vì nhận tiền hoa hồng của công ty phát hành sách, nhà xuất bản hay tác giả nào đó mà buộc học sinh sử dụng sách tham khảo.
Đó là việc làm thiếu tính sư phạm, đặc biệt đối với cấp tiểu học. Ở tiểu học, các cháu chỉ cần học sách giáo khoa là đủ, thậm chí là quá đầy đủ rồi; không cần làm thêm bài tập ở bất kỳ sách tham khảo nào. Ngoài giờ học, tốt nhất là để các cháu vui chơi, giải trí và đọc truyện thiếu nhi.
Tôi cho rằng trong chuyện này, Bộ GD&ĐT phải kiên quyết, thậm chí phải cấm sử dụng sách tham khảo ở bậc tiểu học, ít nhất là từ lớp 1 đến lớp 3. Ở các cấp học khác, sách tham khảo đưa vào nhà trường nhất thiết phải qua thẩm định.
Tôi đã đọc và thấy nhiều sách chỉ cóp lại các bài tập đã có trong sách giáo khoa hoặc đã có trong sách khác, thậm chí có nhiều quyển viết sai, rất tai hại. Đưa sách chưa qua thẩm định vào nhà trường không khác gì cho trẻ con uống thuốc chưa được Bộ Y tế cho phép lưu hành.
Nguyễn Tuấn (Theo TPO)
Bình luận (0)