Không quá khó để phòng ngừa sỏi túi mật bằng cách giải độc định kỳ với các cây thuốc có công năng lợi mật, nhuận gan như atiso, bồ công anh, rau má…
Nếu 10 triệu người dân CHLB Đức đang vướng vào tình trạng mắc sỏi trong túi mật thì không lạ gì khi căn bệnh này đã lọt vào danh sách “bệnh thời đại” từ nhiều năm nay.
Khó phát hiện bệnh
Ở đất nước có các cơ sở y tế hiện đại, người dân được phổ cập kiến thức phòng bệnh từ hàng chục năm nay như CHLB Đức mà tỉ lệ người bị sỏi túi mật vẫn cao thì e rằng tình trạng ấy ở nước ta không thể thua kém.
Éo le nhất là nhiều người mắc bệnh nhưng không hề hay biết. Theo thống kê, chỉ có 20% người bệnh xuất hiện dấu hiệu đau vùng bẹ sườn phải trước đó.
Các loại rau cải xanh là thực phẩm nên dùng cho bệnh nhân viêm túi mật hoặc sỏi mật – Ảnh: Xuân Thảo
Khi càng gần đến tuổi về hưu thì càng dễ mắc sỏi trong túi mật. Dù vậy, nhiều đối tượng biết bệnh mà vẫn không chịu điều trị đến nơi đến chốn. Hậu quả là cơn đau túi mật, viêm tắc đường dẫn mật đáng lý có thể phòng ngừa lại khiến nhiều người phải đi nhờ xe… cấp cứu!
Nguyên nhân gây sỏi trong túi mật có thể bắt nguồn từ yếu tố cơ tạng di truyền và tình trạng béo phì kéo dài, khiến lượng cholesterol thừa thãi có cơ hội quyện cùng tạp chất khác thành viên sỏi. Bên cạnh đó, còn một số yếu tố khác đóng vai trò quan trọng không kém do tạo đòn bẩy cho sỏi túi mật “thừa nước đục thả câu”. Đó là chế độ dinh dưỡng quá nhiều chất ngọt và chất béo trong khi người bệnh ít vận động; thói quen ít ăn rau cải nên không đủ chất xơ trong đường tiêu hóa để kéo mỡ từ thực phẩm qua đường bài tiết; khẩu phần quá đơn điệu và thiên về thực phẩm công nghệ nên cơ thể thiếu hụt các loại sinh tố cần thiết cho tiến trình thoái biến chất béo như C, E, acid folic; bệnh đường ruột không được điều trị đến nơi đến chốn; viêm gan mãn tính; tiểu đường với hậu quả tăng men gan do đường huyết không ổn định qua quá trình điều trị; rối loạn chức năng tuyến giáp không được phát hiện.
Sỏi túi mật là bệnh có thể phòng ngừa. Không quá khó nếu con người đừng quên giải độc định kỳ cho cơ thể bằng các cây thuốc có công năng lợi mật, nhuận gan như atiso, bồ công anh, rau má… Trong trường hợp muốn mượn sức kháng bệnh từ thiên nhiên thì cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc cũng như khám siêu âm để chắc chắn là chưa có sỏi túi mật, nhằm tránh cảnh tăng tiết mật trong khi đường thoát bị kẹt.
Dinh dưỡng hợp lý vẫn bị ?
Sỏi túi mật đúng là thực thể nhưng đừng vì thế mà nghĩ nguyên nhân lúc nào cũng phải cụ thể. Nhiều khi chế độ dinh dưỡng hoàn toàn hợp lý mà sỏi túi mật vẫn có thể thành hình, thậm chí nhanh chân ở người thường xuyên gặp chuyện buồn phiền, phẫn uất nhưng không thể giãi bày.
Tình trạng này gây rối loạn co thắt cơ vòng của ống dẫn mật khiến mật thay vì xuống ruột lại đọng lâu hơn trong túi mật. Tình trạng kẹt sỏi trong túi mật tuy không đủ để gây cơn đau khiến người bệnh phải gõ cửa thầy thuốc nhưng lại là điều kiện thuận lợi để mật vừa quay lại tấn công ngay niêm mạc túi mật, tạo điểm trầy xước vừa giúp tạp chất trong mật có cơ hội bám vào đó để kết tủa.
Do vậy, nên tìm chỗ để xả cơn giận trong lòng cho sớm kẻo để lâu nặng bụng rồi phải cầu cứu các bác sĩ thì đã quá muộn.
Nên ăn uống thanh đạm
Những người bị viêm túi mật và sỏi mật nên ăn ít chất béo, ngọt, nấu nướng hoàn toàn dùng dầu thực vật. Các loại rau cải nên dùng dưới dạng luộc, hấp, nấu canh, hầm cho mềm để dễ tiêu hóa. Ăn lượng ít nhưng nhiều bữa, không ăn quá no để làm giảm nhẹ gánh nặng cho túi mật, hạn chế chứng viêm và sỏi túi mật phát triển. Những thực phẩm nên ăn là gạo, bột mì và các chế phẩm của gạo; dùng một lượng ít dầu thực vật và ít bơ, dùng thịt nạc của các loại gia súc; nên ăn nhiều củ cải, cải xanh, các loại đậu, đậu nành, các loại trái cây không cứng quá, dùng lượng đường vừa phải, sữa không có chất béo, nước ép trái cây, canh thịt nạc, nước trà, dùng ít muối ăn.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)