Thang điểm kiểm tra YTTH được sửa đổi, cán bộ y tế kiêm nhiệm sẽ bớt cực |
Sau khi Báo Giáo Dục TP.HCM đăng bài Thang điểm kiểm tra y tế trường học (YTTH) : “Làm khó” các trường!” (số 754, ngày 4-12) – phản ánh về những bức xúc của các Phòng GD-ĐT xung quanh thang điểm kiểm tra YTTH năm học 2009-2010, mới đây liên sở Sở GD-ĐT và Sở Y tế đã điều chỉnh thang điểm để phù hợp với trường học.
Thang điểm đã hết… chuyên khoa
Tại buổi làm việc, bác sĩ Nguyễn Tài Dũng – Phó phòng Phòng Học sinh sinh viên, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, không chỉ các phòng GD-ĐT quận, huyện bức xúc về những yêu cầu trong thang điểm kiểm tra YTTH mà ngay cả ban giám đốc sở cũng không hài lòng. Một phó giám đốc sở cho rằng, thang điểm quá chuyên khoa, gây khó khăn cho các trường. Thang điểm được xây dựng là để các trường có thể làm được, phải phù hợp với điều kiện thực tế của các trường học trên địa bàn thành phố. “Thang điểm là giúp cho công tác chăm sóc sức khỏe học sinh được tốt hơn, đừng yêu cầu nhà trường quá nhiều. Lực lượng cán bộ y tế trong trường không đủ khả năng để làm những việc như sơ cấp cứu các chấn thương mắt xảy ra trong trường học…”, bác sĩ Dũng khẳng định.
“Thanh minh” về sự chuyên khoa của thang điểm kiểm tra YTHĐ năm học 2009-2010, ông Lê Trường Giang – Phó giám đốc Sở Y tế TP cho rằng: “Nội dung trong thang điểm mà ngành y tế soạn ra là nhằm chăm sóc sức khỏe học sinh ngày một tốt hơn. Ngành y tế hy vọng cùng với ngành giáo dục đào tạo ra những học sinh không chỉ có kiến thức mà có cả sức khỏe. Có thể thang điểm được triển khai hơi trễ – cuối học kỳ I nên các trường dễ bị động trong việc hoàn chỉnh những yêu cầu của thang điểm. Nếu vậy thì chúng ta sẽ điều chỉnh lại một số nội dung để các trường dễ thực hiện. Tuy nhiên chỉ tạm điều chỉnh trong năm học 2009-2010, còn từ năm học tới là bắt buộc”.
TS. Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT TP nhấn mạnh: “Việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh ở trường học ngày càng phải hoàn thiện hơn. Song, trường học chỉ làm cộng đồng, cần hạn chế những yêu cầu mang tính chuyên khoa…”.
Theo đó, liên sở Sở GD-ĐT và Sở Y tế cùng thống nhất giữ lại 10 nội dung trong thang điểm nhưng bỏ bớt những yêu cầu chuyên khoa. Việc chấm điểm sẽ đơn giản và linh hoạt theo điều kiện thực tế tại địa phương, các trường. Đặc biệt, bảng chấm điểm dài tới 15 trang sẽ rút lại còn 2 – 3 trang để các trường nhìn thấy mà “bớt sợ”.
Trừ điểm nếu để dịch bệnh, ngộ độc xảy ra
So với những năm học trước, năm học 2009-2010 thang điểm kiểm tra YTHĐ không có điểm thưởng mà chỉ có điểm trừ (25/100 điểm). Bác sĩ Dũng cho rằng, trừ như vậy là quá nhiều và đề nghị chỉ nên trừ 12 điểm là đủ. Song song với điểm trừ cũng cần phải có điểm thưởng, mặc dù không nhiều (chỉ có 3 điểm) nhưng có để động viên các trường.
Song, theo ông Nguyễn Quang Vinh – Phó phòng GD tiểu học, Sở GD-ĐT TP thì: “Không chỉ bỏ điểm thưởng mà cũng cần phải bỏ cả điểm trừ. Nếu các trường không làm được thì là 0 điểm chứ không nên trừ. Trong trường hợp sai phạm nghiêm trọng như để xảy ra ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh mà nguyên nhân là từ phía nhà trường thì có thể hạ bậc. Từ loại xuất sắc hạ xuống loại tốt, thậm chí là loại trung bình…”.
“Nếu hạ bậc thì nặng quá, thiệt thòi cho các trường”, đó là ý kiến của rất nhiều đại biểu tham gia buổi làm việc. Theo đó, liên sở thống nhất trong thang điểm kiểm tra YTHĐ phải có điểm trừ nhưng chỉ còn 8 điểm thay vì là 25 điểm như trước đây. Cụ thể, ở nội dung 5 – Phòng chống dịch bệnh, nếu có ổ dịch mà trường học không ghi nhận, không báo cáo, không có biện pháp xử lý kịp thời để lây lan ra diện rộng thì sẽ bị trừ 3 điểm; nếu phát hiện ổ lăng quăng trong trường, trừ 2 điểm. Còn ở nội dung 6 – Vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm mà do nhà trường thì bị trừ 3 điểm.
Giải thích về việc phải sử dụng điểm trừ, ông Giang cho biết, dịch bệnh ngày càng nhiều, trường học lại là môi trường thuận lợi cho việc lây nhiễm. Do vậy, các trường phải đặc biệt chú trọng đến công tác phòng chống dịch bệnh. Nếu trường nào làm không tốt thì phải trừ điểm, trừ điểm để các trường rút kinh nghiệm mà làm tốt hơn. Đối với vấn đề ngộ độc thực phẩm, nếu ngộ độc ở bên ngoài thì dư luận ít quan tâm nhưng ngộ độc trong trường học thì khác. Một học sinh bị ngộ độc là cả chục người lo lắng, từ ba mẹ đến ông bà nội – ngoại, họ hàng cô bác. Theo đó bắt buộc phải trừ điểm nếu ngộ độc xảy ra mà do lỗi của nhà trường như đặt suất ăn, mua thực phẩm tại những cơ sở không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, mất vệ sinh trong quá trình chế biến thực phẩm.
Bài & ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)