Thời tiết diễn biến thất thường đang là điều kiện rất thuận lợi để bệnh tiêu chảy bùng phát. Đây là bệnh rất phổ biến và cũng là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong cho trẻ em. Với các nước đang phát triển, hằng năm ước tính có tới 4 triệu trẻ em dưới 5 tuổi chết vì tiêu chảy. Trẻ càng suy dinh dưỡng càng dễ mắc tiêu chảy và các đợt tiêu chảy thường kéo dài, dễ tử vong.
Nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ khi tiêu chảy chính là do cơ thể mất nước và điện giải. Cho nên, để giảm bớt tỉ lệ tử vong thì việc bổ sung nước và điện giải thông qua đường uống và chế độ dinh dưỡng hợp lý là rất quan trọng. Tuy nhiên, việc bù đắp nước và điện giải phải tùy theo mức độ mất nước để thực hiện tại nhà hay phải đưa trẻ đến bệnh viện. Cụ thể, nếu trẻ mất nước nhẹ, có thể điều trị tại nhà bằng cách cho uống nước nhiều hơn bình thường, pha dung dịch ORS, nước đun sôi để nguội hoặc nước gạo rang, nước cháo muối…; nếu trẻ mất nước nhiều (biểu hiện là trẻ vật vã kích thích hoặc li bì, tiểu ít, khóc không ra nước mắt, da nhăn nheo, mắt trũng, môi khô) thì dứt khoát phải đưa đến bệnh viện.
Trong suốt quá trình trẻ mắc tiêu chảy, các thực phẩm không nên cho trẻ sử dụng là các loại nước giải khát công nghiệp, thức ăn có chứa nhiều đường, măng, rau cần…
Để bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ trong lúc tiêu chảy thì rất cần cho ăn đủ khẩu phần và không kiêng khem quá mức. Nếu là trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi và đang bú mẹ thì tiếp tục cho bú và tăng số lần bú. Nếu là trẻ lớn thì các thực phẩm nên sử dụng cho trẻ trong trường hợp này là bột gạo, khoai tây, thịt gà nạc, thịt heo nạc, sữa đậu nành, sữa chua, dầu thực vật, cà rốt, hồng xiêm, chuối, táo.
Thức ăn cần nấu kỹ, nấu loãng hơn bình thường và cho ăn ngay sau khi nấu để bảo đảm vệ sinh, giảm nguy cơ bội nhiễm.
Theo Lương y Hoàng Châu
Người Lao Động
Bình luận (0)