Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hạn chế tử vong ở trường mầm non: Cách nào?

Tạp Chí Giáo Dục

Sau Tết Nguyên đán, tại tỉnh Bình Dương và Long An đã xảy ra hai vụ tai nạn làm chết học sinh ở trường mầm non (MN). Tình trạng này cũng đã từng xảy ra ở TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác. Xung quanh vấn đề này, ThS. Nguyễn Thị Kim Thanh – Trưởng phòng GDMN, Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định: “TP.HCM hàng năm nuôi dạy khoảng 260 ngàn trẻ, trong đó có trên 35% là trẻ lứa tuổi nhà trẻ. Lứa tuổi hay bị sự cố tai nạn gây tử vong nhiều nhất. Ngành giáo dục luôn cố gắng để giảm thiểu tối đa sự cố này…”
PV: Vậy ngành GD-ĐT TP.HCM đã làm gì để giảm thiểu số vụ tử vong ở các trường MN, thưa bà?
ThS. Nguyễn Thị Kim Thanh: Từ lâu, chúng tôi đã chỉ đạo các trường hoàn chỉnh cơ sở vật chất trường lớp. Cụ thể nhà vệ sinh không được chứa nước, phải trải thảm gai để tránh trơn trượt; bàn, ghế phải được bo tròn ở bốn góc; thiết bị dạy và học phải vừa tầm với trẻ. Về diện tích, phải có đủ chỗ chơi, chỗ học, chỗ ngủ và chỗ ăn cho trẻ. Đối với giáo viên, phải có chuyên môn và nghiệp vụ. Trung bình mỗi năm thành phố tuyển khoảng 1.000 giáo viên cho các trường MN công lập. Những giáo viên mới thường được sắp xếp dạy chung với giáo viên cũ để học hỏi kinh nghiệm…
Đó là các trường công lập, còn những cơ sở giáo dục ngoài công lập (NCL) thì sao? Bởi, theo tôi được biết thành phố có trên 40% trẻ đang theo học tại các trường tư thục, nhóm trẻ gia đình.
Sở GD-ĐT và các phòng GD-ĐT quận, huyện thường xuyên đi kiểm tra để giúp đỡ các cơ sở giáo dục MN NCL, nhất là các nhóm trẻ gia đình. Tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn cho giáo viên tại những cơ sở này. Đặc biệt, ban giám hiệu các trường MN công lập được phân công hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở giáo dục NCL đóng trên địa bàn. Đây là một sự sáng tạo của thành phố để nâng cao chất lượng ở các trường tư, nhóm trẻ gia đình.
Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục NCL vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Với mức học phí chỉ có 200.000 – 250.000 đồng/tháng, những cơ sở này không thể tuyển đủ giáo viên, nhất là giáo viên có chuyên môn. Cơ sở vật chất yếu kém, đồ chơi cho trẻ hầu như không có. Do đó tai nạn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Không phải chủ trường không muốn nâng cao chất lượng nhưng như vậy thì phải thu học phí cao, mà thu học phí cao phụ huynh lại không gửi con. Vì vậy, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, nên có định mức cho trẻ ở trường tư. Hiện nay ở nhiều nước đã cung cấp tiền cho tư nhân nuôi dạy trẻ, vì trường công không thể lo hết được.
Hiện nay, các trường MN (cả công lập và tư thục) trên địa bàn thành phố đang phải chịu áp lực về sĩ số trẻ. Trẻ đông, giáo viên khó quản lý hết, từ đó có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Xin bà cho biết, thành phố đã và sẽ làm gì để giảm số trẻ/lớp?
Sĩ số đông là một điều khiến ngành GD rất đau đầu. Ngày 10-3, chúng tôi đi kiểm tra ở Q.12 phát hiện có trường tư thục nuôi giữ trên 150 cháu. Nhưng với diện tích phòng học như vậy, chỉ nhận 80 cháu là đủ. Đây cũng là tình trạng chung ở khá nhiều trường. Sắp tới, sở sẽ có công văn yêu cầu các trường giảm sĩ số cháu/lớp. Như vậy sẽ có một số lượng lớn trẻ bị dôi ra. Theo đó phải mở thêm trường để trẻ có chỗ học.
Hiện nay, nếu các trường công lập được nâng tầng, cải tạo lại thì sẽ tăng gấp đôi số chỗ học. Câu hỏi đặt ra là lấy tiền ở đâu? Theo tôi, đó chính là chương trình kích cầu. Các quận, huyện cần mạnh dạn để các trường được vay vốn kích cầu. Với những trường có cơ sở, chất lượng cao như Trường MN 19-5, Trường MN Thành phố nên được tự hạch toán. Đối với tư nhân có nhu cầu mở trường, thành phố cần tạo điều kiện để họ được vay vốn với lãi suất ưu đãi, kéo dài thời hạn trả nợ. Về thủ tục vay vốn và thành lập trường cần nhanh gọn…
Bà có khuyến cáo nào dành cho các bậc phụ huynh trong việc chọn trường MN cho con?
Phụ huynh không nên ham trường có mức học phí thấp, vì “tiền nào của nấy” – học phí càng thấp thì chất lượng nuôi dạy càng kém. Cha mẹ phải biết chấp nhận tốn kém để đổi lấy sự an toàn cho con.
Khi có ý định gửi con vào một trường nào đó, người mẹ cần tới trường để tìm hiểu về diện tích của trường có đảm bảo chỗ học, chỗ chơi, chỗ ngủ cho con không. Giáo viên có đủ về số lượng và chất lượng không. Nhất là cơ sở vật chất như cầu thang có chấn song không, nhà bếp có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm không… Tóm lại, chỉ khi nào người mẹ thấy trường thật sự an toàn cho con thì hãy gửi.
Lứa tuổi đi học tốt nhất là 3 tuổi, trường hợp không có người giữ thì trên 2 tuổi. Bởi dưới 2 tuổi, trẻ ở với mẹ hoặc người thân trong gia đình là tốt nhất. Theo đó mà ở nhiều nước phát triển, các trường MN không nhận trẻ dưới 2 tuổi.
Xin cám ơn bà!
Hòa Triều

Bình luận (0)