Cảm cúm là một bệnh lý có tính chất dịch theo mùa, được xếp vào chứng thương phong trong Đông y. Trong Đông y có nhiều phương pháp phòng trị khác nhau như: uống thuốc, xoa bóp, đánh gió, xông hơi, chích máu, châm cứu… Xin giới thiệu bài thuốc phòng trị cảm cúm hiệu quả từ sirô tỏi.
Nguyên liệu: tỏi 500g, giấm 500ml, đường đỏ 500 – 700g.
Chế biến: Tỏi bóc vỏ giã nhuyễn để ra ngoài không khí khoảng 10 phút cho tỏi kết hợp với ôxy cùng với sự xúc tác của phân hoá tố anilaza, chất aliin có trong tỏi thành allicin. Sau đó đem tất cả cho vào lọ thủy tinh trộn đều ngâm trong 7 ngày, đem ra dùng. Mỗi lần dùng 2 – 3 thìa cà phê, ngày 2 – 3 lần, uống trực tiếp hay pha loãng với nước sôi để nguội hoặc đem dùng như một gia vị trong bữa ăn. Có thể dùng liên tục kéo dài trong năm, là phương thuốc phòng trị cảm cúm.
Theo y học cổ truyền, tỏi hay còn gọi là đại toán có tên khoa học allium sativum lour; vị cay, tính ôn (ấm), vào 2 kinh can và vị. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát khuẩn, tẩy trừ uế khí, dịch lệ, thông khiếu, tiêu nhọt. Thích dụng chữa các chứng bệnh băng đới, trùng tích, huyết lỵ, kiết lỵ, tiết tả, phòng trị cảm cúm, hạ áp, lợi tim mạch, hạ cholesterol…
Theo y học hiện đại, tỏi chứa nhiều aliin – một loại acid amin, dưới tác dụng của men alinaza có tỏi dưới môi trường ôxy tạo thành chất allicin (C6H10OS2) là một hợp chất sulfur có tác dụng diệt khuẩn rất mạnh, giúp cơ thể chống lại vi khuẩn, virut gây bệnh.
Ngoài ra, tỏi còn chứa vitamin A, B, C, D, PP và các khoáng chất khác cần thiết cho cơ thể như: iốt, canxi, phốtpho, magiê, được ứng dụng để điều trị nhiều bệnh khác nhau. Giấm vị đắng chua, tính ấm, vào kinh can, vị, có công năng thanh nhiệt, giải độc, tán ứ, tiêu thũng, sát khuẩn… Thường dùng trị các bệnh như: nha chu viêm, viêm họng, viêm amidal, viêm thanh quản…
Một số nghiên cứu cho thấy, giấm có thành phần chính là acid acetic (acid acetic có tác dụng ức chế cao đối với các vi khuẩn như: streptococcus, diplococcus pneumoniae, staphylococcus…). Đường đỏ có vị ngọt, tính mát, vào kinh tâm, phế, tỳ, có tác dụng nhuận tâm, phế, bổ tỳ, điều hoà can khí, giải nhiệt độc, lợi tiểu, nhuận tràng, cầm nôn, dịu hầu họng… Thường dùng trị các chứng viêm họng, viêm phổi, say sắn, hội chứng lỵ, ho lâu ngày…
Chú ý: Bài thuốc có tính nóng và chứa nhiều acid, đường nên những người có thể trạng nóng, tiền sử viêm loét dạ dày, tiểu đường không nên dùng. Người thiếu máu (do tỏi có thể làm giảm tế bào hồng cầu và hemoglobin trong máu), viêm ruột mạn tính, người mắc chứng bệnh glocom, đục thủy tinh thể, viêm kết mạc cũng thận trọng khi dùng bài thuốc này. Sử dụng trực tiếp sirô không được đun nấu, nhất là lò vi sóng sẽ làm mất tính kháng khuẩn của thuốc. Nếu sử dụng thường xuyên, nên chế biến gối đầu để sử dụng, không để sirô quá lâu làm mất tác dụng dược lý.
Lương y Chu Văn Tiến
Theo SK&ĐS
Bình luận (0)