Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Khi nào công bố các môn thi tốt nghiệp THPT?

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT vừa ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2009. Theo quy chế này, thí sinh cần chú ý một số điểm sau:
Thí sinh tự do
Về đối tượng dự thi là thí sinh, đối với học sinh tự do (đã học hết chương trình THPT nhưng không đủ điều kiện dự thi hoặc đã dự thi nhưng chưa tốt nghiệp ở những năm trước và các đối tượng khác được Bộ GD-ĐT cho phép dự thi) muốn dự thi phải đảm bảo các điều kiện như đã tốt nghiệp THCS; không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không trong thời gian bị kỷ luật cấm thi; trường hợp không đủ điều kiện dự thi do bị xếp loại kém về học lực ở lớp 12, phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học tại trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc nơi đăng ký dự thi một số môn học có điểm trung bình dưới 5,0; đảm bảo khi lấy điểm bài kiểm tra thay cho điểm trung bình môn học để tính lại điểm trung bình cả năm. Thí sinh tự do được đăng ký dự thi tại trường phổ thông trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi cư trú, theo xác nhận của chính quyền cấp xã. Với học sinh THPT và giáo dục thường xuyên thì điều kiện chung là đã tốt nghiệp THCS, đã hoàn thành chương trình THPT, học lực không bị xếp loại kém (đối với học sinh THPT) và học lực lớp 12 không bị xếp loại kém (đối với học sinh giáo dục thường xuyên), không nghỉ quá 45 buổi trong năm lớp 12…
Nội dung thi
Trong quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2009 cũng nói rõ nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Thí sinh tự do cũng phải thi đủ các môn thi, theo nội dung thi, hình thức thi quy định của năm tổ chức kỳ thi. Môn thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD-ĐT công bố chậm nhất vào ngày 31-3 hằng năm.
Thí sinh ngồi cách nhau 1,2m
Trong mỗi cụm trường, danh sách thí sinh được sắp xếp theo các bước sau: bước 1. Xếp theo thứ tự ban: thí sinh ban khoa học tự nhiên, ban khoa học xã hội và nhân văn, ban cơ bản; thí sinh giáo dục thường xuyên (nếu có); bước 2. Xếp theo thứ tự ưu tiên của môn thi ngoại ngữ (trừ thí sinh giáo dục thường xuyên): tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật; bước 3. Lập danh sách thí sinh cho mỗi môn thi ngoại ngữ và riêng cho giáo dục thường xuyên (nếu có) theo thứ tự a, b, c,.. của tên thí sinh. Số báo danh của thí sinh được đánh từ 0001 đến hết số thí sinh của cụm trường. Trong đó, sắp xếp thí sinh trong một phòng thi phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 thí sinh ngồi cạnh nhau theo hàng ngang là 1,2 m; mỗi phòng thi 24 thí sinh; riêng phòng thi cuối cùng của mỗi khối xếp theo bước 3 tại điểm a khoản 3 của điều này, có thể xếp đến không quá 28 thí sinh.
Thẩm quyền kết luận về tình huống lộ đề thi
Trong quy chế cũng nêu hướng xử lý sự cố trong quá trình diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, tùy theo tính chất và mức độ sai sót, tùy theo thời gian phát hiện sớm hay muộn, Ban chỉ đạo thi trung ương giao cho chủ tịch hội đồng ra đề thi cân nhắc và quyết định xử lý theo một trong các phương án sau: chỉ đạo các hội đồng coi thi sửa chữa kịp thời các sai sót và thông báo cho thí sinh biết, nhưng không kéo dài thời gian làm bài; chỉ đạo các hội đồng coi thi sửa chữa các sai sót, thông báo cho thí sinh biết và kéo dài thích đáng thời gian làm bài cho thí sinh; chỉ đạo các hội đồng coi thi không sửa chữa, vẫn để thí sinh làm bài. Sau đó sẽ xử lý khi chấm thi (có thể điều chỉnh đáp án và thang điểm trong hướng dẫn chấm thi cho thích hợp); tổ chức thi lại môn có sự cố bằng đề thi dự bị vào thời gian thích hợp, sau buổi thi cuối cùng của kỳ thi. Đặc biệt, quy chế cũng nêu rõ chỉ có Ban chỉ đạo thi trung ương mới có thẩm quyền kết luận về tình huống lộ đề thi. Khi đề thi chính thức bị lộ, Ban chỉ đạo thi trung ương quyết định đình chỉ môn thi bị lộ đề. Các môn thi khác vẫn tiếp tục bình thường theo lịch. Môn bị lộ đề sẽ được thi bằng đề thi dự bị
vào thời gian thích hợp, sau buổi thi cuối cùng của kỳ thi.
Các vật dụng không được mang vào phòng thi
Thí sinh sẽ bị hủy kết quả thi và cấm thi từ 1 đến 2 năm nếu vi phạm các lỗi sau: Hành hung giám thị, giám khảo, người phục vụ của các hội đồng coi thi, hội đồng chấm thi, hội đồng phúc khảo; gây rối làm mất trật tự an ninh ở khu vực coi thi, gây hậu quả nghiêm trọng cho kỳ thi; khai man hồ sơ thi hoặc nhờ người thi hộ.
Thí sinh được phép mang vào phòng thi các vật dụng liên quan đến việc làm bài thi: Bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, compa, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình; các vật dụng này không được gắn linh kiện điện, điện tử; máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlat địa lí Việt Nam đối với môn thi địa lí, do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành; không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì trong tài liệu. Thí sinh mang theo tài liệu, vật dụng liên quan đến việc làm bài thi hoặc các phương tiện thu phát thông tin không được quy định tại khoản 1 của điều này vào phòng thi, dù sử dụng hay chưa sử dụng đều bị đình chỉ thi.
Thiên Lam

 

Bình luận (0)