Hiện nay trên địa bàn TP.HCM, tình trạng chợ tự phát bủa vây lấy trường học rất nhiều. Giải quyết sao cho dứt điểm tình trạng này đang là bài toán làm đau đầu các ngành chức năng…
Chợ vây trường!
Cổng trường Bồi dưỡng Giáo dục (đường Trịnh Hoài Đức, P.1, Q. Bình Thạnh, TP.HCM) nhỏ thó bị vây bủa bởi hoa quả, rau củ, hàng thức ăn cho đến áo quần, cá tôm… Người bán kẻ mua mặc cả ì xèo. Đường Trịnh Hoài Đức vốn hẹp lại luôn trong tình trạng kẹt xe bởi ôtô ra vào, xe rác, người dân dừng xe ngay lòng đường mua bán, hàng rong kín cả lề đường. Nhưng, nỗi “khổ tâm” lớn nhất của nhà trường là mùi hôi thối, rất “đặc trưng” của chợ búa bốc lên từ bãi tập kết rác gần cổng trường. Thầy Huỳnh Văn Biết – Phó hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng Giáo dục cho biết: “Đó là bãi tập kết rác chợ Bà Chiểu, bãi rác “đóng đô” gần cổng trường này được hai, ba năm rồi. Rác thải cả chợ đều tập kết về đây, xe rác tập trung lấy rác khiến đường luôn kẹt xe. Sợ nhất là mùi hôi, tanh từ rác thải gặp nắng bốc lên, xộc vào trường”. Cách đó không xa, ngôi trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (đường Vũ Tùng, P.1, Q. Bình Thạnh) khang trang là thế vẫn bị vây bủa bởi hàng rong, rau củ, hoa quả, thức ăn… bày bán ngổn ngang. Đặc biệt, hàng thịt, cá bày bán lấn sang tận góc cổng trường, mùi tanh, nước thải chảy tràn ra đường hôi hám, mất mỹ quan trường học. Ngay cạnh cổng trường Mầm non 10 (đường Hồng Lạc, P. 10, Q. Tân Bình) có để bảng ghi rõ “Vì sức khỏe của con em chúng ta, xin đừng đổ rác nơi đây, xin cám ơn”. Hài hước thay, rác đổ tràn lên cả tấm bảng ấy! Từ đống rác này mùi hôi thối bốc lên, ruồi nhặng bu bám rất mất vệ sinh môi trường giáo dục. Nhiều xe hàng rong đậu ngay dưới lòng đường, gần cổng trường để bán. Vào giờ tan tầm, khi công nhân tan ca, tình trạng họp chợ trước trường càng xô bồ, bát nháo hơn.
Tình trạng “chợ vây lấy trường” càng khủng khiếp hơn tại Trường Tiểu học Bình Thuận (đường ấp Chiến Lược, KP3, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) vì chợ Ông Quéo (mọi người vẫn quen gọi là chợ tự phát) nằm ngay trường. Tiểu thương bày bán dọc vỉa hè, lấn xuống lòng đường. Tình trạng giao thông ùn tắc kéo dài nhiều năm qua. Đặc biệt, ngay sát cổng trường là sạp thịt heo rất lớn. Thịt được bày ra bàn, treo thành xâu để bán. Rồi, xoong nồi, thau thùng, dao thớt… phục vụ việc bán thịt được giăng ra ngay cạnh cổng trường nhìn rất mất mỹ quan. Dọc con hẻm nhỏ bên hông ra tận cổng sau trường người dân bày biện, giăng móc hàng để bán. Bác bảo vệ nhà trường chỉ tay về phía cổng sau trường và bức xúc: “Người dân lấy cả bờ tường nhà trường để dựng lều buôn bán. Ngay cạnh cổng sau là “gian hàng” chiếm hết lối đi, học sinh, phụ huynh không biết đi lối nào”. Hiện nay, 2.117 học sinh, giáo viên, CB-CNV của trường vẫn phải chịu cảnh học tập trong môi trường giáo dục vừa mất thẩm mỹ lại vừa hôi hám, mất vệ sinh nghiêm trọng như vậy. Điều đặc biệt, cũng cạnh trường học này, phường đã bố trí chốt dân phòng. Tuy vậy, hàng rong vây lấy cổng trường, sạp thịt vẫn cứ bày bán ngay cạnh cổng trường, các hộ tiểu thương vẫn cứ bày hàng lấn xuống lòng đường!
Lãnh đạo nhà trường và UBND phường… bó tay!
Thầy Huỳnh Văn Biết – Phó hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng Giáo dục cho biết: “Tình trạng này diễn ra lâu lắm rồi. Cứ đuổi hoài, đuổi xong lại đâu vào đấy. Khi lực lượng dân phòng đuổi, họ chạy trốn, đầu cá, mang cá bỏ đấy luôn. Không chỉ hàng rong, các tiểu thương lấn chiếm lòng lề đường, bày bán ngay cổng trường, khó chịu nhất là mùi hôi thối bốc lên từ bãi tập kết rác chợ Bà Chiểu. Khi thầy cô giáo họp, học sinh học bị mùi cá tôm, mùi rác thải bốc lên chịu không nổi. Chúng tôi đã gửi đơn lên UBND phường, quận nhưng vẫn chưa có giải pháp khả thi”.
Thầy Dương Văn Bình – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Thuận cho biết: “Trước tình trạng này, nhà trường đã gửi công văn đề nghị UBND P.Bình Hưng Hòa A xem xét giải quyết. Phường đã có chỉ đạo các hộ tiểu thương phải bày bán đúng vạch quy định, không được lấn chiếm lòng lề đường. Thế nhưng, hiện nay hàng quán bày bán vẫn còn, cha mẹ học sinh phản ánh rất nhiều về sạp thịt heo bày bán ngay góc cổng trường, hẻm phụ vào cổng sau của trường hàng đồ chơi trẻ em, thức ăn, giăng lều dựng quán bán… mất mỹ quan và gây ách tắc giao thông. Cơ quan chức năng sớm giải quyết dứt điểm tình trạng trường – chợ sống chung, ảnh hưởng đến môi trường giáo dục”.
Cũng vấn đề này, bà Vũ Thị Hội Diễm – Phó chủ tịch UBND P.1, Q.Bình Thạnh nói: “Phường cũng xác định đó là nơi trọng điểm và đang có kế hoạch giải quyết dứt điểm. Ngoài việc hàng rong bày bán trước trường làm mất mỹ quan còn nhiều vấn đề về vệ sinh môi trường”. Bà Diễm cho biết thêm: “Ba tháng vừa qua phường đã phạt những đối tượng buôn bán sai nơi quy định, lấn chiếm lòng lề đường số tiền lên đến gần 10 triệu đồng. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng này diễn ra. Thật ra người ta canh mình, chỉ chờ mình về là người ta tràn ra bán. Phường cũng đã báo cáo tình hình lên UBND quận Bình Thạnh và chờ sự chỉ đạo giải quyết triệt để của cấp trên”.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Phó chủ tịch UBND P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân nói: “Hiện nay cả hệ thống chính quyền của phường cũng nhức mình nhức mẩy với cái chợ này. Chúng tôi cũng đã tiến hành nhiều biện pháp, ra quân nhiều đợt. Tuy nhiên, nhức nhối vẫn là tiểu thương mua bán lấn chiếm lòng lề đường, cổng trường. Khi có lực lượng của phường túc trực thì tình hình đỡ hơn, khi lực lượng vừa rút đi, người dân lại tràn ra lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán. Riêng sạp thịt trước cổng trường là do hệ quả từ trước để lại, từ thời mới tách phường. Trường hợp này, cử tri, phụ huynh phản ánh rất nhiều, chúng tôi đã ghi nhận và đã báo cáo về UBND quận Bình Tân. Xét hoàn cảnh, chúng tôi gia hạn cho chủ sạp thịt này đến hết năm nay phải chuyển nơi khác, giải quyết dứt điểm trường hợp này. Ông Nghĩa trăn trở: “Tôi hy vọng rất nhiều ở lãnh đạo các cấp sớm giải quyết cho phường có một cái chợ. Bởi, hiện nay phường có đến hơn 90 ngàn dân sinh sống nhưng chỉ có duy nhất cái chợ này. Lâu nay chúng ta chỉ giải quyết phần ngọn, cần phải có giải pháp căn cơ, giải quyết từ gốc, dứt điểm tình trạng chợ chung sống với trường”.
Bài và ảnh: Công Việt
Bình luận (0)