Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

GS. Đỗ Trần Cát: Cần có sự phân hóa nguồn nhân lực

Tạp Chí Giáo Dục

GS. Đỗ Trần Cát

Trước sự “tăng số lượng và giảm chất lượng” ở hệ thống giáo dục đại học như hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu giáo dục, đào tạo cho rằng hiện chúng ta đang “phổ cập đại học” để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao…
Vấn đế này theo GS. Đỗ Trần Cát, nguyên giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội kiêm Tổng thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước thì: Chất lượng nguồn nhân lực phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm: giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng. Trong sử dụng gồm nhiều khâu: tạo điều kiện làm việc, đãi ngộ (lương, chế độ chính sách), xử lý. Tổng hợp hơn là chiến lược con người. Về chất lượng thì vấn đề cơ bản nhất là làm thế nào để phân hóa được nguồn nhân lực. Nó thực sự khó đối với Việt Nam hiện nay. Làm thế nào để tách bạch được chất lượng cao, chất lượng thấp trong khi hiện chúng ta đang bằng nhau hết?
Việc mở trường, mở ngành tràn lan như hiện nay có phải là một giải pháp để “phổ cập” giáo dục ĐH đối với nguồn nhân lực? Theo ông, điều này có thực sự đúng và cần thiết?
Tôi cho rằng khái niệm phổ cập chỉ sử dụng với vấn đề dân trí, không sử dụng đối với vấn đề nhân lực. Vì nguồn nhân lực không thể phổ cập. Chúng ta vẫn nói đến tỷ lệ có 1 ông tiến sĩ, phải có 10 ông thạc sĩ, 100 ông cử nhân… Mỗi bậc như thế phải có độ chuyên môn hóa rất cao thì mới đảm bảo được. Hiện nay chúng ta chưa cần “phổ cập ĐH” cho bất kỳ “loại” nào. Quan điểm của tôi là không tăng quá rộng quy mô, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng. Đó là chưa kể không phù hợp với thực tế hiện nay, không phù hợp với nền kinh tế, xã hội, không phù hợp với tình trạng thiếu đủ thứ. Cách đây không lâu chúng tôi đã dự báo là sẽ thiếu cả sinh viên, bây giờ thiếu thật.
Trong dự thảo văn kiện trình ĐH Đảng có viết: Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh dài hạn, bảo đảm kinh tế – xã hội phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Đối với tôi, điều này là tất yếu. Nhưng nó chỉ là cụ thể hóa của câu mà chúng ta đã nói nhiều năm nay đó là giáo dục và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu. Vì nếu coi khoa học công nghệ, giáo dục là quốc sách hàng đầu thì chất lượng của nguồn nhân lực sẽ cao, dân trí sẽ cao, từ đó sẽ tác động đến nền kinh tế. Điều văn kiện đưa ra tôi hoàn toàn nhất trí nhưng vấn đề là thực hiện thế nào. Vì quốc sách hàng đầu bao năm vẫn chưa làm được, không biết đưa vào văn kiện như lần này có làm được không. Vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Vấn đề coi trọng nhân tài, theo ông, về mặt này, chúng ta còn điều gì phải bàn, phải làm trong thời gian tới?
Đã muốn coi trọng nhân tài tức là phải nhìn nhận có người tài. Và có người tài tức là phải có người cao hơn người không tài. Phải có sự phân hóa. Ở đây như thế nào để có nhân tài? Không bao giờ có thể đào tạo được nhân tài, chỉ có thể bồi dưỡng nhân tài và tạo điều kiện để xuất hiện nhân tài. Muốn có nhân tài phải có sự phân biệt. Nhưng ở ta chưa có môi trường, chưa có thói quen phân biệt người tài, người không tài. Chúng ta đang bị thói quen này làm hư. Những năm trước đây không có thói quen đó. Còn thế giới đối xử rất rõ. Mình vẫn còn tư duy bình quân chủ nghĩa.
Có nhiều việc phải làm để có nhân tài. Nhưng tôi cho rằng cái cốt lõi nhất để có người tài là tạo được môi trường xuất hiện nhân tài. Đó là có sự phân biệt, đối xử tách bạch nhưng tôi không hy vọng trong thời gian tới có thể làm được.
Ông có hy vọng giáo dục sẽ đổi mới trong 5 năm tới?
Chúng ta vẫn chưa có điểm bắt đầu. Trong khi đó, nếu như có cái bắt đầu thì 5 năm cũng chưa là gì, thường phải là một thế hệ (20-25 năm). Trong giáo dục có mấy vấn đề liên quan đến con người: cán bộ quản lý, thầy cô giáo, người học. Cả ba yếu tố này đều quan trọng. Cán bộ quản lý không làm tốt thì không có chủ trương chính sách nào vào được thực tế.
Ngoài ra, chuyện đào tạo nguồn nhân lực bây giờ đúng ra phải quan niệm các trường ĐH là các doanh nghiệp xã hội. Có nghĩa là các trường hoạt động như một doanh nghiệp: có sản phẩm, có đầu ra, đầu vào, có thương hiệu. Nhưng lãi không vào túi cá nhân, một phần đầu tư tái sản xuất và còn lại đưa vào xã hội. Còn mô hình trường học tại sao phải là doanh nghiệp và vì sao là doanh nghiệp xã hội? Trong văn kiện Đại hội X đã có nói, lao động trí óc là hàng hóa. Thị trường lao động bao gồm lao động trí óc và chân tay. Sản phẩm của các trường ĐH là lao động. Nơi sản xuất ra sản phẩm đó phải là doanh nghiệp. Nếu không thì nó vẫn chỉ lẹt đẹt như bây giờ.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê (thực hiện)

Bình luận (0)