Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Làm việc với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đảm bảo không ai mất việc làm

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 16-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp triển khai Nghị quyết 30 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và nhiệm vụ kinh tế – xã hội 2009 với các bộ ngành, các tập đoàn, tổng công ty (TCT) Nhà nước.

Nâng thời hạn cho vay mua nhà trả góp

Trong buổi làm việc hôm qua, mối quan tâm lớn nhất của lãnh đạo các tập đoàn, TCT là 1 tỷ USD “mồi” kích cầu sản xuất và tiêu dùng của Chính phủ sẽ “rót” vào đâu, chỗ nào để đạt mục tiêu chống suy giảm kinh tế, đảm bảo việc làm cho 43 triệu lao động, tiếp tục giữ đà tăng trưởng để kịp bắt nhịp cho những năm về sau.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các đại biểu về giải pháp chống suy giảm kinh tế.

Với tinh thần đó, các tập đoàn, TCT cũng đã “hiến kế” với Thủ tướng, với Chính phủ nhiều đầu việc cụ thể để ngăn chặn suy giảm. Theo Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) Trần Bắc Hà, để tăng trưởng đạt 6% – 6,5% trong năm 2009 thì tăng trưởng tín dụng của năm 2009 phải đạt 25% – 30%.

Cùng đó, cần thực hiện công khai minh bạch các dự án bất động sản, cho vay các dự án đang hoàn thiện, những dự án có kế hoạch hợp lý. Trong đó, việc xây khách sạn, văn phòng cho thuê và nhà ở xã hội cần được ưu tiên.

Để kích cầu đầu tư thành công, ông Hà cũng cho rằng cần nâng thời hạn cho cán bộ, công nhân viên vay mua nhà trả góp lên 20 – 25 năm thay vì 10 – 15 năm như hiện nay. Để “cứu” thị trường chứng khoán, ông Hà đề nghị lùi thời điểm thực thi Luật Thuế thu nhập cá nhân nói chung, khoản thu từ chứng khoán nói riêng đến năm 2010, vì nguồn thu từ chứng khoán hiện không lớn, trong khi nếu trì hoãn khoản thu này sẽ có giá trị tinh thần rất lớn.

Về vấn đề lãi suất, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Quốc Ân đề nghị tiếp tục hạ lãi suất xuống khoảng 8%, bởi theo ông lãi suất cơ bản 10% như hiện nay không phù hợp với bối cảnh chung của thế giới và sức chịu đựng của DN. Về điều này, Thủ tướng cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng đang giảm, tháng 12 có thể âm nên lãi suất phải tiếp tục giảm, giảm mạnh hơn nữa. Ngân hàng khó khăn thanh khoản, Nhà nước sẽ hỗ trợ bằng cách khác và đây chính là sự hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ. Trong bối cảnh nguồn vốn từ chứng khoán đang khó khăn, vốn tự có của DN ít, thì nguồn vốn lúc này phải dựa nhiều vào ngân hàng.

Về gói 1 tỷ USD dùng để kích cầu, nhiều ý kiến cũng đồng ý với việc chỉ nên dành để bố trí cho 15 – 20 dự án có trọng tâm, trọng điểm, không nên đầu tư dàn trải. Nhưng cũng có ý kiến lo lắng nếu tập trung số tiền này cho các dự án lớn, thì DN vừa và nhỏ sẽ không được hưởng. Ông Nguyễn Hữu Bằng, Tổng Giám đốc TCT Đường sắt VN, cũng “kêu”, DN nhỏ có cái khó của DN nhỏ, nhưng DN lớn cũng có cái khó của mình. Tôi đề nghị Chính phủ hỗ trợ cho tất cả.

Trong bối cảnh suy giảm kinh tế hiện nay, điều mà người lao động quan tâm nhất chính là vấn đề việc làm. Mối quan tâm này của NLĐ đã được các “anh cả” giải tỏa phần nào khi cam kết không để công nhân mất việc làm. Điều này cũng đã được Thủ tướng nhấn mạnh, an sinh xã hội là ở chỗ không ai mất việc làm.

Khủng hoảng kinh tế có thể biến thành cơ hội đầu tư

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, để chống suy giảm kinh tế, Chính phủ đã đề ra 5 giải pháp gồm: thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; kích cầu đầu tư và tiêu dùng; linh hoạt chính sách tiền tệ; bảo đảm an sinh xã hội và quyết liệt trong điều hành. Trong bối cảnh các cường quốc kinh tế trên thế giới đều được dự báo là tăng trưởng âm (-) trong năm 2009 (Mỹ sẽ -0,7%, châu Âu -0,5%, Nhật Bản -0,2%), Thủ tướng cho rằng, Việt Nam cũng phải tìm biện pháp ngăn chặn không để suy giảm kinh tế sâu. Nếu chúng ta tăng trưởng chỉ 1% – 2% sẽ rất gay go.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện cho DN thực hiện nhiệm vụ của mình. “Năm 2008, DNNN đóng góp 40% GDP, ngân hàng thương mại nhà nước đảm bảo gần 70% thị phần, góp phần bình ổn giá. Đó là một nỗ lực rất lớn”, Thủ tướng nhấn mạnh. Trong bối cảnh hiện nay, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các tập đoàn, TCT phải hết sức nỗ lực “vượt bão”.

Dệt may đầu tư nước ngoài có thể đóng cửa nhưng trong tập đoàn dệt may thì vẫn phải bảo đảm. Cần thẳng thắn nhìn nhận DNNN hoạt động có hiệu quả nhưng chưa cao như mong muốn. Không nên đổ lỗi cho khách quan nhiều quá, phải rút kinh nghiệm để làm tốt hơn. Tuy hài lòng với các kế hoạch đối phó với suy giảm kinh tế, với những cam kết đảm bảo an sinh xã hội mà lãnh đạo các tập đoàn, TCT đã tuyên bố, nhưng Thủ tướng cũng nghiêm khắc yêu cầu các DN lên kế hoạch cụ thể để ngăn ngừa suy giảm kinh tế 2009.

Vì thực tế sẽ khá khốc liệt, như ngành hàng hải đã chỉ ra, ngành đi qua nhiều chu kỳ suy thoái nhưng chưa lần nào khó khăn nghiệt ngã như lần này. Vận tải hàng rời từ Brazil về Trung Quốc trước kia 100 USD/tấn hàng, nay giảm chỉ còn 60 USD/tấn… Thủ tướng kêu gọi các DNNN phải phát huy vai trò dẫn dắt, liên kết các thành phần kinh tế khác. “May 10, Việt Tiến đã có thương hiệu, phải cứu các DN gia công khác”, Thủ tướng nói.

Trong 5 nhóm giải pháp cấp bách, Thủ tướng cho biết, nếu trước đây Chính phủ thắt chặt thì nay nới lỏng chính sách tiền tệ một cách hợp lý, hiệu quả. Cụ thể là sẽ tiếp tục hạ lãi suất, tình hình nào giải pháp ấy – Thủ tướng nhấn mạnh. Nếu trước đây cắt giảm đầu tư thì giờ Chính phủ khuyến khích đầu tư. “Năm 2009 khó hơn 2008, nên các tập đoàn, TCT phải quyết liệt đầu tư thể hiện vai trò nòng cốt của mình. Kế hoạch phải bằng hoặc thấp ít hơn so với năm trước mới đảm bảo GDP cả năm là 6,5%”, Thủ tướng kết luận. Thậm chí, khủng hoảng kinh tế có thể sẽ là cơ hội tranh thủ đầu tư. Bài học mua được 4 máy bay Boeing 777 từ năm 1998 với giá rẻ bằng 2/3 do biết chớp thời cơ cần được phát huy trong bối cảnh này. 

PHAN THẢO (Theo SGGP)

Bình luận (0)