Nhà trường không thể quản lý HS ngoài giờ học, vì vậy các em có thể lây nhiều thói hư từ xã hội. (hình minh họa) |
Thời gian gần đây trước tình trạng bạo lực học đường gia tăng làm dư luận xã hội rất bức xúc (Báo Giáo Dục TP.HCM số ra ngày thứ sáu 2-1 đã phản ánh), và đã có nhiều ý kiến đưa ra nhằm hạn chế tình trạng trên. Báo Giáo Dục TP.HCM tiếp tục ghi nhận một số ý kiến của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về vấn đề này.
Gia đình phải là nền tảng
Thầy Nguyễn Quý, Hiệu trưởng Trường THCS Chi Lăng (Q.4):Đã đến lúc xã hội phải lên tiếng về trách nhiệm của gia đình trước vấn nạn bạo lực học đường đang ngày càng gia tăng. Bởi, theo nhiều thống kê cho thấy phần lớn các em có hành động phi giáo dục là xuất phát từ những gia đình có vấn đề. Tôi nghĩ, hiện nay mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái đang ngày càng lỏng lẻo, các phụ huynh chỉ biết quan tâm tới chuyện “cơm áo” mà quên đi vai trò, nghĩa vụ làm cha làm mẹ của mình. Điều đáng nói là tâm lý phụ huynh thường xem nhà trường là nơi phải có trách nhiệm trong việc giáo dục con cái họ. Vì vậy không ít phụ huynh đã quy trách nhiệm cho nhà trường.
Trước kia, trường chúng tôi có tới 1/3 học sinh nhà trường có cha mẹ ly hôn, lại thuộc địa bàn phức tạp về mặt xã hội, nên chuyện cãi cọ nhau thậm chí đánh nhau giữa các học sinh xảy ra nhiều. Trước tình trạng như vậy, nhà trường đã mời phụ huynh học sinh đến chia sẻ, trao đổi về trách nhiệm giáo dục, quản lý con cái ngoài giờ học. Đồng thời về phí nhà trường thường xuyên tổ chức dạy đạo đức cho các học sinh. Nhờ vậy đến nay chúng tôi mới có được những thế hệ học sinh chăm ngoan. Tuy vậy, nhưng khi ra ngoài xã hội có em vẫn còn nói tục. Vì vậy, để uốn nắn các em đi vào nề nếp, tránh những điều đáng tiếc xảy ra thì phải phát huy chức năng của gia đình.
Thầy Nguyễn Trọng Hỷ, Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Thiêm cho rằng: Chúng ta không thể phủ nhận trách nhiệm của nhà trường trong việc giáo dục học sinh trở thành con ngoan trò giỏi. Nhưng để có học sinh giỏi chăm ngoan thì vai trò của gia đình là phần quan trọng nhất. Bởi chỉ những gia đình thường xuyên quan tâm tới việc học của con, cùng với nhà trường giáo dục các em thì những học sinh đó phần lớn đều tốt. Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi các em được giáo dục trước khi bước vào đời thì hầu như chưa được phát huy đúng vai trò. Nhiều gia đình phụ huynh chửi nhau, nói dối nhau thậm chí không ít gia đình bắt trẻ em nói dối, đã tạo thành thói quen dần dẫn các em sau này làm điều xấu.
Trách nhiệm xã hội mờ nhạt
Cô Trần Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Bé (Q. Bình Thạnh): Hiện nay, các tổ chức xã hội chưa thật sự quan tâm tới vấn nạn học đường, phần lớn đẩy trách nhiệm sang ngành giáo dục. Nhưng thực tế vai trò của những đơn vị đoàn, hội là rất lớn như: Hội thanh niên, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến Binh, CLB ông – bà – cháu… Phần lớn bạo lực từ gia đình sau đó dẫn tới bạo lực học đường; hay do gia đình gây cho học sinh những bất ổn về mặt tâm lý. Bởi các tổ chức đoàn, hội này thuận lợi hơn trong việc nắm bắt, tuyên truyền, cũng như tư vấn can thiệp, giải quyết những vấn đề bạo lực gia đình. Hiện nay không ít vụ bạo lực học đường có nguyên nhân từ việc bạo lực gia đình. Nếu các tổ chức xã hội thường xuyên đưa vấn đề ra bàn bạc, tìm hướng giải quyết và giúp gia đình nhận thức sâu hơn về vai trò và trách nhiệm của mình.
Bà Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM: Hiện nay, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà trường – gia đình và xã hội. Nhà trường thì không thể quản lý được học sinh ngoài giờ học, còn gia đình thì có tâm lý khoán trắng cho nhà trường. Tôi cũng là phụ huynh nên tôi biết mỗi năm nhà trường chỉ có vài lần gặp, trao đổi với nhà trường vì vậy tất cả các vấn đề này thường ít được đề cập. Đã đến lúc gia đình, xã hội cần bắt tay vì mục tiêu giảm vấn nạn bạo lực học đường. Phải tổ chức liên lạc hỗ trợ qua lại nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc để đưa học sinh vào tầm kiểm soát, định hướng cho các em tránh tiêu cực đáng tiếc có thể xảy ra.
Văn Mạnh
Bình luận (0)