Bài 1:
Nguồn gốc của phạm trù dân chủ
Trong mục Sự kiện và vấn đề trên Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 3-6-2008,
tác giả T.B.T trong bài viết “Tranh luận và đồng thuận” đã 4 lần sử dụng cụm từ “mở rộng dân chủ”. Tôi hoàn toàn đồng tình với nội dung cơ bản của bài viết. Nhân đây, xin được bàn rộng thêm về phạm trù “dân chủ” và cũng muốn trao đổi đôi điều về việc sử dụng cụm từ “mở rộng dân chủ”.
Nguồn gốc
Trong xã hội nguyên thủy, các phạm trù như tự do, bình đẳng, dân chủ, công bằng… chưa xuất hiện, bởi “cái mà ta gọi là nội hàm của những phạm trù này” là cái quyền vốn có đương nhiên (phản ánh tất yếu kinh tế – xã hội) của mọi thành viên trong xã hội thời đó. Quyền bầu và bãi miễn người đứng đầu thị tộc, bộ lạc cũng như quyền bầu và bãi miễn thủ lĩnh quân sự của thị tộc, bộ lạc là ngang nhau đối với mọi thành viên trong thị tộc, bộ lạc [mà sau này F. Engels gọi những thiết chế quyền lực đó là dân chủ nguyên thủy (primitive democracy) và dân chủ quân sự (military democracy)].
“Cái quyền vốn có đương nhiên” này hiện hữu một cách ngây thơ, hồn nhiên trong xã hội nguyên thủy. Hãy ngắm bức tranh đẹp của xã hội đó do F.Engels mô tả: “Với tất cả tính ngây thơ và giản dị của nó, chế độ thị tộc đó quả là một tổ chức tốt đẹp biết bao! Không có quân đội, hiến binh và cảnh sát, không có quý tộc, vua chúa, tổng đốc, trưởng quan và quan tòa. Không có nhà tù, không có những vụ xử án – Thế mà mọi việc đều trôi chảy cả… Tất cả đều bình đẳng và tự do – kể cả phụ nữ”. (1)
Chỉ khi con người mất “cái quyền vốn có đương nhiên” đó thì nhu cầu đòi lại nó mới xuất hiện. Và khi trình độ tư duy của con người phát triển tới mức có khả năng trừu tượng hóa, khái quát hóa thì những khái niệm, phạm trù phản ánh “cái quyền vốn có đương nhiên” ấy mới nảy sinh. Phạm trù dân chủ ra đời trong điều kiện đó, nghĩa là nó chỉ xuất hiện trong điều kiện xã hội phân chia thành giai cấp, khiến một mặt, một bộ phận thành viên xã hội bị tước mất “cái quyền vốn có đương nhiên” của mình. Mặt khác, cũng chính điều kiện kinh tế – xã hội trong xã hội phân chia thành giai cấp ấy, mới cho phép xuất hiện một tầng lớp người lao động trí óc, đủ tầm tư duy để làm cái công việc của triết học: hình thành các khái niệm, phạm trù phản ánh “cái quyền vốn có đương nhiên”, trong đó có quyền dân chủ. (khi “cái đương nhiên” bỗng trở thành “cái không đương nhiên” nữa là lúc đòi hỏi triết học xuất hiện). Quả đúng như K.Marx đã từng nói đại ý: khi lịch sử đặt ra vấn đề phải giải quyết thì đồng thời nó cũng cung cấp những điều kiện để giải quyết.
Dân chủ là một phạm trù lịch sử
Phạm trù dân chủ có từ nguyên Hy Lạp là Democratos (được ghép bởi hai từ: demos = dân và cratos = quyền lực, tức là quyền lực của nhân dân. Song democratos có thực sự là quyền lực của nhân dân không ta hãy bàn tiếp.
Giai cấp thống trị đầu tiên trong lịch sử là giai cấp chủ nô. Có nơi, họ (ở thành bang Athènne chẳng hạn) hình thành nhà nước bằng cách phổ thông đầu phiếu (tức thực hành dân chủ) trong công dân (công dân là ai, do giai cấp chủ nô quy định: chủ nô, tăng lữ, công dân tự do. Còn nô lệ và những người nhập cư không được coi là công dân). Bằng cách đó, họ tự xưng là nhà nước dân chủ, và quyền lực nhà nước (của họ) mặc nhiên được coi là quyền lực của dân. Phạm trù dân chủ ra đời. Như vậy, ngay từ khi xuất hiện, phạm trù dân chủ đã mang tính giai cấp: Dân chủ đối với giai cấp nô lệ, chỉ là nỗi khát khao, mong đợi; còn đối với chủ nô, dân chủ vừa là quyền lực thực sự của họ, vừa là chiêu bài để lừa mị mọi người.
Lịch sử nhân loại đã trải qua nền dân chủ của chủ nô trong hình thái kinh tế – xã hội chiếm hữu nô lệ (dân chủ của chủ nô ở thành bang Athènne chẳng hạn), nền dân chủ tư sản tiến bộ hơn, trong hình thái kinh tế – xã hội tư bản chủ nghĩa; và một bộ phận nhân loại (chiếm một phần tư dân số thế giới) đang xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mà xét về bản chất – theo Lênin – nền dân chủ này sẽ một triệu lần tiến bộ hơn nền dân chủ tư sản. Tuy nhiên, dù nó có tốt một triệu lần hơn (mà hiện nay chưa đạt được) thì bản thân nền dân chủ xã hội chủ nghĩa cũng không thể là nền dân chủ cho mọi người (không thể dân chủ – tức phải chuyên chính – đối với những thế lực chống đối, phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân), cũng không thể là nền dân chủ hoàn hảo, nếu nói theo ý nghĩa tuyệt đối cuối cùng (cách nói của F.Engels). Chẳng có nền dân chủ nào trong lịch sử là hoàn hảo cả. Bởi một khi nó phát triển tới mức “hoàn hảo” thì cũng là lúc nó “tiêu vong”, vì “cái quyền vốn có đương nhiên” thuở ban đầu ấy (vốn không có tên gọi) đã được khôi phục trên một tầm cao của vòng xoáy ốc (sẽ không cần gọi tên nữa), sau khi lịch sử trải qua hai lần phủ định.
Xét từ bản chất giai cấp của dân chủ, dân chủ (democracy) bao giờ cũng đi đôi với chuyên chính (dictatorship), dù là nền dân chủ của bất kì giai cấp nào cũng vậy. Sự khác nhau căn bản giữa mỗi nền dân chủ chỉ là dân chủ với ai và chuyên chính với ai mà thôi. Do vậy, không có dân chủ cho mọi người, dân chủ siêu giai cấp. Nghĩa là khi bản thân phạm trù dân chủ xuất hiện như một “cái khẳng định” thì đồng thời cũng mang luôn trong mình nó “cái phủ định”.
Trong lịch sử nhân loại, chế độ phong kiến không phải là một thiết chế dân chủ. Như vậy, dân chủ là một phạm trù lịch sử. Nó xuất hiện, biến đổi, phát triển, và đến một lúc xa vời nào đó – một cách tất yếu – nó sẽ chỉ còn được lưu lại trong từ điển.
(Còn tiếp)
C. Dântc "C. Daân"
Bình luận (0)