Ầm! Một chiếc xe Wave lăn ra giữa đường, một người thanh niên đến nắm cổ áo người vừa bị té xe quát tháo: “Mày thích chết tao cho mày chết!”. Chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, một thanh niên trong nhóm nói chen vào: “Còn muốn chơi trội qua mặt bọn tao như hôm nay thì mày đừng tới trường nữa, không bọn tao đưa mày về chầu Diêm Vương luôn, nhớ chưa thằng em”. Trần Khả D, vừa ra khỏi cổng một trường THPT thì bị mấy bạn cùng trường dằn mặt vì dám nói chuyện với bạn gái khác lớp.
> Bạo lực học đường – SOS: Bài 1: Những cuộc hành xử đẫm máu
Vấn nạn băng nhóm
Gặng hỏi, D. cho biết: “Nhóm vừa rồi là dân anh chị trong trường em đó. Học sinh (HS) nào đi qua chỉ cần nhìn mà bọn chúng thấy ghét hay đi xe qua mặt bọn chúng là bị ăn đòn liền. Anh thấy đấy em chỉ nói chuyện với mấy bạn hồi học với em ở THCS vậy mà chúng cũng không tha”. “Sao em không báo Ban giám hiệu nhà trường hay cha mẹ biết”, tôi hỏi. D. cười, rồi nói: “Thôi anh ạ, chờ được xử lý chắc em không còn đường tới trường nữa, bọn nó trả thù ghê lắm!”. Thấy vậy, bác bán bánh bao trên vỉa hè lắc đầu ngao ngán: “Từ trước đến nay nhà trường thường được xem như là một môi trường an toàn thì nay đã phần nào nhuốm màu bạo lực vì nhiều băng nhóm học sinh thích hành xử theo kiểu giang hồ”. Bạo lực học đường hiện nay khá phổ biến trong các trường THCS, THPT. Vấn nạn thường gặp là HS cũ bắt nạt HS mới, HS mạnh ăn hiếp HS yếu … Hình thức của những nhóm này là muốn phô trương thanh thế nhằm “bảo kê”, trấn lột đồ dùng hay tiền bạc của bạn học trong trường…
Sau gần một tuần “mục sở thị” tại các trường về tình trạng băng nhóm. Chúng tôi nhận thấy các băng nhóm hầu hết là những đối tượng đang học ở lớp cuối cấp THCS và THPT. Các băng nhóm không những liên minh, liên kết với những đối tượng trong lớp, trong trường mà còn kết nối với một số đối tượng bên ngoài để “xưng hùng xưng bá”. Vì vậy, việc các băng nhóm kéo qua, kéo lại giữa các trường thanh toán nhau xảy ra thường xuyên. Thanh T. – một trong những thành viên trong nhóm khét tiếng của một trường T., giờ đã “tu” cho biết: “Không liên kết thì không trụ nổi. Với lại nhiều nhóm rất có máu mặt, nhờ có trợ giúp từ các đối tượng bên ngoài như nhóm ở trường THPT N.T., THPT T.K.N… Nói đến các băng nhóm quây phá, đánh lộn phải kể đến nhóm của Long Nh., là băng nhóm số một của Trường THPT Q. Người cầm đầu tên Nh., đang là HS lớp 10. HS chỉ cần nghe đến tên Nh., thì ai cũng phải sợ. Nhóm Long Nh. thường tham gia vào những việc như “bảo kê” hay xin đểu các HS trong trường. HS nào được nhóm Nh. “bảo kê” thì không có ai dám đụng tới. Bù lại nhóm của Nh. thường được trả công bằng những bữa ăn sáng, những cuộc nhậu hay thậm chí là tiền… Các nhóm như vậy hiện diện rất nhiều trong các trường, vì vậy mà bản thân các nhóm cũng muốn chứng tỏ mình bằng những trận ẩu đả để tạo tiếng vang nhằm thống lĩnh địa bàn.
Các HS Trường THPT Ng. chưa hoàn hồn bởi cuộc “đọ sức” giữa hai nhóm theo kiểu xã hội đen chỉ vì bất đồng quan điểm về địa phận. Rồi hai nhóm hẹn nhau ra công viên để khẳng định “tên tuổi” của mình. Kết quả là hai HS nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Còn HS Trường THPT T.P chỉ vì bất hòa trong khi chơi đùa nên đã gây nên một cuộc ẩu đả kinh hoàng trong tuần vừa qua. Để giải quyết sự việc, nhóm của T. kéo đến lớp của T.A, (HS khối 10) để “hỏi chuyện” vì nhóm của T.A đã đánh một người bạn trong nhóm của T. bị dập môi. Do vậy khi T.A ngồi trong lớp, nhóm của T. bước vào chỗ T.A, bất ngờ HS này thủ sẵn dao trong người liền chém T. bị thương. Trong lúc giao tranh loạn xạ, một thành viên trong nhóm của T. cũng bị thương khắp người.
Tình trạng băng nhóm khiến nhiều học sinh sống trong sợ hãi. Buổi trưa vừa tan học, chúng tôi thấy H., một học sinh Trường THPT ở quận Bình Thạnh đang mếu máo đứng ở góc tường. Hỏi chuyện mới biết em vừa bị mấy anh lớp trên lấy hết tiền bạc không có tiền ăn cơm trưa. H. thường xuyên bị mấy anh xin tiền ăn sáng, trấn tiền cơm trưa để ăn chơi hay đánh bi-a. Em bảo: “Ngày nào em không có tiền đưa cho mấy anh thì đành bỏ lại sách, cặp vở cho mấy anh… giữ giùm. Chừng nào có tiền thì lấy ra. Do lo sợ bị trả thù mà em không hé miệng một câu với gia đình và thầy cô. Vừa qua em bảo cha mẹ xin cho em chuyển trường để em tập trung học hành.
Những “cuộc chiến” đẫm máu
Trong năm vừa qua, nhiều băng nhóm nổi đình nổi đám đã kết thúc cho những tháng ngày “xưng hùng xưng bá” đó là một án tù giam, hay cho đi cải tạo. Cũng có không ít HS đã bị buộc thôi học vì những hành động nông nổi gây nên. Tình trạng băng nhóm tuổi học trò mấy năm trở lại đây làm dư luận hết sức lo ngại. Mọi người chưa hết bàng hoàng về trường hợp một nhóm HS THPT D. gây ra, cũng chỉ vì xích mích nhỏ mà đã gây nên hậu quả khôn lường. Trong giờ ra chơi, Phạm Nguyên Kh. lớp 9/1 bị ai đó đánh nhẹ vào lưng. Ng. quay lại thấy Nhật (HS lớp 8) hỏi: “Sao mày đánh tao?”. Hai bên xông vào xô xát rồi đường ai nấy đi. Sau đó Ng. gọi cho Trần Thế A., người chơi chung nhóm ngoài trường, đến trường trả thù. Thế A. rủ thêm Đỗ Lê H., mang “đồ chơi” đến trường chờ sẵn. Tan trường Ng. chỉ mặt cho Thế A. ra tay. Nhưng do không biết mặt, H. đã chém nhầm vào một người khác. Trước cơ quan điều tra Ng. khai nhận do có quen với các đối tượng bên ngoài, và do sợ mai mốt bị đánh nên thuê người đánh trước dằn mặt. Nhưng không ngờ sự việc xảy ra như vậy.
Nghiêm trọng nhất phải kể đến “cuộc chiến giải quyết mâu thuẫn” của học sinh Trường Á Châu bằng mã tấu làm chết một HS và ba HS khác bị thương nặng. Sự việc bắt đầu bằng mâu thuẫn nhỏ do lúc chơi đùa Lê Anh D. (HS lớp 10) cãi cọ với Nguyễn Tấn Trường G. (HS khối 10). G. đã rủ thêm bảy thanh niên bên ngoài chặn đánh, làm D. bị gãy tay. D. liền gọi thêm Đào Anh T., Nguyễn Thành H., Tô Võ Thành Đ., cùng nhiều người khác vác mã tấu, tuýp sắt bỏ vào túi cầu lông tập trung trước cổng trường để quyết chiến với nhóm của G. G. biết trước nên cũng kêu các anh em chuẩn bị hung khí để ứng chiến. Hai nhóm giáp mặt xông vào vung mã tấu chém nhau như phim hành động. Kết thúc cho trận ẩu đả là cái chết của Đ. và ba HS khác bị thương nặng. Gần đây nhất là một HS trung tâm giáo dục thường xuyên bị đâm chết do mâu thuẫn trong khi chơi patin tại Nhà Văn hóa Thanh niên (Q. Thủ Đức), do một đối tượng bên ngoài hành xử theo kiểu giang hồ.
Đứng trước vòng lao lý nhiều HS mặt còn búng ra sữa vẫn không thể tin mình đã phạm tội. Và nước mắt cũng đã rơi phía sau song sắt, nhưng mọi thứ đã quá muộn cho những hành động mà mình gây ra.
Văn Mạnh
Bình luận (0)