Ngậm kẹo khi nấu ăn, uống dầu ô-liu… là những phương pháp giảm cân tưởng chừng phi lý, hoang đường nhưng trong một số trường hợp lại rất hiệu quả.
Uống dầu ôliu
Tiến sĩ Seth Roberts, tác giả cuốn Chế độ ăn kiêng Shangri-La là người đầu tiên đề cập tới vai trò của “calo không mùi” trong quy trình giảm cân.
Theo đó, có thể giảm cân bằng cách uống 1-3 thìa cà phê nước đường và/ hoặc 1-2 thìa cà phê dầu ô-liu loại extra light (màu nhạt, mùi nhẹ, đã qua tinh chế) 2 lần/ngày giữa các bữa ăn.
Theo Roberts, cơ thể mỗi người có một mức cân nặng chuẩn. Ăn thực phẩm giàu mùi vị sẽ kích thích não bộ gây cảm giác đói, đẩy mức cân nặng chuẩn lên cao và làm tăng cân. Ngược lại, đồ ăn có mùi vị lạ hoặc nhạt mùi sẽ đánh lừa cảm giác của não bộ, từ đó hạ mức cân nặng chuẩn và giúp giảm cân.
Dù gây nhiều tranh cãi nhưng sau một thập kỷ, phương pháp này cũng đã thu được những thành công nhất định.
Dùng gia vị có mùi mạnh
Theo một nghiên cứu của Hà Lan đăng trên tạp chí Flavour, với những loại thực phẩm có mùi mạnh, con người có xu hướng ăn miếng nhỏ hơn bình thường, nhờ vậy có thể giảm cân hiệu quả.
Các đối tượng tham gia được yêu cầu nếm thử món kem trứng vanila bằng ống dẫn thực phẩm. Một thiết bị đặc biệt được gắn vào mũi họ, có khả năng điều chỉnh mùi thực phẩm hít vào theo 3 mức độ: không mùi, mùi nhẹ và mạnh.
Kết quả cho thấy khi tăng mùi thực phẩm, lượng thức ăn trong “mỗi miếng” ăn giảm từ 5-10%. Kết hợp kiểm soát mùi hương và khẩu phần ăn sẽ tạo cho cơ thể cảm giác no chỉ với một lượng nhỏ thức ăn, từ đó giúp giảm cân hiệu quả.
Không ăn vặt
Lời khuyên này đi ngược lại tư tưởng phổ biến là nên ăn 5-6 bữa ăn nhỏ trong ngày. Theo một số nghiên cứu về hormone kích thích cảm giác thèm ăn là gherlin và hormone tạo cảm giác no leptin, ăn quá nhiều bữa trong ngày sẽ làm rối loạn hoạt động của chúng.
Thêm nữa, khi ăn vặt liên tục, ta không thể kiểm soát được chính xác lượng calo tiêu thụ và mất đi cảm giác của bữa ăn chính.
Quá trình trao đổi chất trong cơ thể bền bỉ hơn ta tưởng, bởi vậy, nó sẽ không ảnh hưởng gì nếu ta hạn chế ăn vặt.
Có một quy tắc giảm cân phổ biến với 3 không: không ăn vặt, không ăn đồ ngọt và không ăn thêm, trừ 2 ngày cuối tuần.
Ngậm kẹo khi nấu ăn
Thói quen nếm món ăn trong khi nấu nướng sẽ khiến bạn dễ lên cân và bỏ bữa bởi có cảm giác đầy bụng.
Để chế ngự cảm giác thèm nếm đồ ăn, theo các nhà khoa học, nên ngậm một viên kẹo cứng có mùi mạnh như bạc hà, quế trong lúc nấu nướng.
Hương vị của viên kẹo sẽ khiến các chồi vị giác trở nên bận bịu và hành động đẩy qua đẩy lại viên kẹo trong miệng khi ngậm sẽ khiến miệng của bạn không có thời gian để nghĩ tới việc nếm thử các món ăn khác.
Chỉ ăn một bữa trong ngày
Theo Mark Sissons, tác giả cuốn The Primal Blueprint về chế độ ăn kiêng và thói quen sống, phương pháp tuyệt thực không liên tục (IF) có tác dụng giảm cân.
Theo cuốn The Miracle of Fasting: Proven Throughout History for Physical, Mental, & Spiritual Rejuvenation, nghiên cứu trên người và động vật cho thấy IF mang lại rất nhiều lợi ích như giảm lượng glucose trong máu, giảm huyết áp, tăng độ nhạy insulin, hỗ trợ quá trình chuyển hóa chất béo, tiêu độc.
Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi chủ thể phải tuyệt thực từ 24-48 tiếng, vượt quá sức chịu đựng của một số người. Bởi vậy, để việc giảm cân theo IF nhẹ nhàng hơn, nên ăn một bữa mỗi ngày. Theo thời gian, cơ thể sẽ thích ứng dần và không đòi hỏi thêm bữa ăn nào khác nữa.
Ăn bánh ngọt vào bữa sáng
Theo nghiên cứu của Đại học Tel Aviv (Israel), những thành viên bị béo phì khi ăn bữa sáng giàu protein và carbohydrate, kèm món tráng miệng có khả năng bám trụ với chế độ ăn kiêng tốt hơn và giữ số cân giảm được lâu hơn những người tuân thủ chế độ ăn ít calo và carbohydrate.
Các nhà khoa học cho rằng lượng protein và carbohydrate tiêu thụ vào bữa sáng sẽ tạo cảm giác no trong ngày. Ngoài ra, nếm một chút đồ ngọt vào buổi sáng sẽ giảm cảm giác thèm ăn những loại đồ ăn tương tự cả ngày hôm đó.
Thu Thương
Theo Bee
Bình luận (0)