Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Thi tốt nghiệp THPT 2012: Đề vẫn có câu hỏi mở

Tạp Chí Giáo Dục

Muốn có kết quả cao, thí sinh cần đạt yêu cầu thông hiểu và biết vận dụng kiến thức để làm bài thi. Số điểm dành cho yêu cầu này là 50%

Giờ ôn tập của học sinh lớp 12 Trường THPT Trưng Vương (TPHCM). Ảnh: Tấn Thạnh
Khoảng hơn 1 triệu học sinh khối 12 trên toàn quốc đang bước vào đợt cao điểm ôn thi tốt nghiệp THPT. Với mong muốn đạt kết quả cao nhất, nhiều học sinh lao vào học ngày, học đêm nhưng vẫn thiếu những kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết. 
Không có phần giảm tải
Theo tin từ lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), đề thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn ổn định như đề thi tốt nghiệp THPT năm 2011. Cụ thể, nội dung đề nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu lớp 12 THPT; kiểm tra bao quát kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức, sự hiểu biết về thực hành của người học; phân loại được trình độ của người học… Đề vẫn có những câu hỏi ra theo hướng mở nhằm phát huy tính sáng tạo của thí sinh.
Một lưu ý với thí sinh là đề thi không ra trong phần giảm tải nên không phải ôn thi phần này. Để làm được bài thi ở mức độ trung bình, thí sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản ở mức thuộc bài. Nhưng để có kết quả cao, thí sinh cần đạt yêu cầu cao hơn là thông hiểu và biết vận dụng kiến thức để làm bài thi. Số điểm dành cho yêu cầu này là 50%.
Cũng liên quan đến đề thi, một vấn đề rất quan trọng được thí sinh, các nhà chuyên môn quan tâm là tính chính xác của đề thi. Thạc sĩ Phạm Hồng Danh, Trung tâm Luyện thi ĐH Vĩnh Viễn (TPHCM), nói hầu như năm nào cũng có các sự cố nếu không ở đề thi thì lại ở hướng dẫn chấm.
Lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết công tác ra đề và phản biện năm nay được thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt. Mỗi môn thi có một tổ ra đề thi gồm tổ trưởng, các cán bộ biên soạn đề thi và các cán bộ phản biện đề thi là giảng viên từ một số các ĐH, học viện, trường ĐH, CĐ; chuyên viên của sở GD-ĐT, giáo viên đang giảng dạy chương trình THPT ở trường THPT. Đề thi khi soạn thảo xong sẽ được tổ chức phản biện. Những người tham gia công tác ra đề thi các năm trước mà có xảy ra sai sót sẽ không được mời tham gia ra đề thi.
Nhắc rồi vẫn phạm
Ông Hồ Phú Bạc, Trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết trước môn thi đầu tiên, tại các hội đồng thi tốt nghiệp đều tập trung thí sinh để phổ biến quy chế thi, trong phòng thi, các giám thị cũng nhắc nhở nhưng vẫn có nhiều trường hợp thí sinh vi phạm quy chế buộc phải dừng thi. Trong đó, phổ biến nhất là lỗi mang điện thoại, tài liệu vào phòng thi.
Nhiều thí sinh khác lại vướng vào các lỗi khác khiến bài thi bị mất điểm. Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết đề thi mỗi môn đều có phần bắt buộc và tự chọn. Ở phần tự chọn, thí sinh chỉ được làm một trong hai phần nhưng vẫn có thí sinh làm cả 2 phần dẫn đến phạm quy nên mất điểm ở phần này.
Theo quy chế, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn có những môn thi theo hình thức tự luận, trắc nghiệm. Giáo viên Phạm Tấn Hoàng, Trường THPT Vĩnh Viễn (TPHCM), lưu ý: Để làm tốt môn thi trắc nghiệm, thí sinh cần phân phối thời gian làm bài hợp lý. Không nên dừng lại quá lâu ở một câu hỏi được cho là khó nhưng cũng không vội vàng chọn câu trả lời mà chưa đọc hết 4 chọn lựa (A, B, C, D). Thí sinh cần loại trừ nhanh 2 chọn lựa sai thì sẽ còn lại một chọn lựa đúng và một chọn lựa gần đúng, cẩn thận để rút ra đáp án từ 2 chọn lựa này.
Với môn thi tự luận, thạc sĩ Phạm Hồng Danh khuyên thí sinh tránh viết bằng hai loại mực. Khi làm bài, phải đọc đề kỹ trước khi bắt đầu làm bài để tuyệt đối tránh tình trạng hiểu sai đề. Làm bài theo nguyên tắc chọn những câu dễ để làm trước. Nếu làm sai thì gạch bỏ và làm lại.

 

Thi thử: Nơi muốn nơi không

Nhiều năm qua, sau khi Bộ GD-ĐT công bố môn thi tốt nghiệp, nhiều sở GD-ĐT đã tổ chức thi thử cho học sinh khối 12. Việc tổ chức thi thử nghiêm túc như kỳ thi thật được các sở GD-ĐT này cho là có tác dụng giúp học sinh làm quen với kỳ thi, các em sẽ bình tĩnh hơn khi bước vào thi thật. Ngoài ra, qua thi thử, học sinh tự đánh giá được học lực của mình để có kế hoạch ôn tập hợp lý và hiệu quả. Tại TPHCM, đề thi thử được học sinh cho là khó hơn thi thật. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho rằng thi thử y như thi thật khiến cho học sinh thêm căng thẳng, mất thời gian ôn tập. Để học sinh bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả cao, các trường cần trang bị tốt kiến thức cho học sinh lẫn kỹ năng làm bài thi hơn là thi thử.

Huy Lân
Theo NLDO


Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)