Nở rộ các trường y dược |
Trong khi đó, ở những trường công chuyên đào tạo ngành y dược, nơi vốn có ưu thế về chuyên môn, đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất vẫn giữ mức chỉ tiêu khiêm tốn. Hệ trung cấp Trường ĐH Y dược TP.HCM năm 2011 chỉ tuyển 1.040 chỉ tiêu cho 12 ngành đều thuộc nhóm y dược. Hệ trung cấp Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch chỉ tiêu đào tạo trung cấp cũng chỉ dừng lại ở mức 400 cho hai ngành. Hệ trung cấp Trường CĐ Y tế Đồng Nai chỉ tuyển 330 HS vào sáu ngành. Trường CĐ Y tế Tiền Giang cũng chỉ tuyển 160 HS trung cấp cho sáu ngành. Một trong những lý do các trường không mở rộng chỉ tiêu (dù có điều kiện) là “ngành y tế đụng đến sức khỏe con người, không thể tuyển tràn lan được”…
Thực tế tuyển sinh và đào tạo cho thấy sự bùng phát chỉ tiêu các ngành y dược, kinh tế có liên quan với sự phát triển nhanh chóng các trường ngoài công lập. Ngành kinh tế đầu tư thấp, chi phí đào tạo cũng thấp, nguồn tuyển dồi dào nên cả trường công lẫn tư đều dồn chỉ tiêu vào đó. Còn ngành y dược có thể thu học phí cao và điều này cũng chỉ dễ thực hiện ở trường tư. Như phân tích của TS Nguyễn Toàn, hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức: “Ngoại trừ các trường được Nhà nước đầu tư chuyên đào tạo ngành y dược, các trường công không dám mở rộng đào tạo ngành này. Mức học phí trung cấp ở trường công lập khoảng 3 triệu đồng/năm, khó có thể đủ để đảm bảo chất lượng đào tạo ngành y dược”.
Trưởng phòng đào tạo một trường CĐ tại TP.HCM cho rằng trong cuộc cạnh tranh trải thảm mời cán bộ đào tạo ngành y dược, các trường tư cũng chiếm ưu thế hơn trường công. Một trường tư thục có thể mời cán bộ, giảng viên tuổi nghỉ hưu về trường mình nhưng các trường công không được làm vậy…”. Đó là lý do số lượng các trường ngoài công lập đang cùng nhau mở mã ngành điều dưỡng, dược sĩ trung học. Nghịch lý tiếp diễn: trong khi bộ khuyến cáo trước sự gia tăng chỉ tiêu nhóm ngành này, số lượng trường được cho phép đào tạo y dược bậc trung cấp vẫn tăng vùn vụt gần như chưa gặp cản ngại nào… Đi kèm thực tế này là câu hỏi băn khoăn về chất lượng đào tạo của nó.
Con số thống kê đến hơn 40% thí sinh thi ĐH chọn lựa các ngành kinh tế mà Bộ Giáo dục – đào tạo lần đầu đưa ra dường như không tạo sức ép nào đối với thí sinh. Thống kê sơ bộ từ các đơn vị tiếp nhận hồ sơ, các trường THPT, sự lựa chọn hàng đầu của lứa thí sinh năm 2012 vẫn là ngành kinh tế.
Trong cuộc khảo sát do chính Bộ Giáo dục – đào tạo đang thực hiện nhằm thăm dò về “ngành nghề mà thí sinh coi là nóng và khoái nhất hiện nay”, nhóm ngành kinh tế – tài chính – quản trị kinh doanh vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối với gần 60% lựa chọn. Thống kê cụ thể trên 103.501 phiếu tính đến ngày 17-4, có 37,98% thí sinh “khoái” ngành kinh tế, và 21,38% chọn ngành quản trị kinh doanh. Ngoài ra, 17% bị hấp dẫn bởi ngành y dược, chỉ còn lại hơn 23% lựa chọn cho toàn bộ các ngành nghề còn lại.
Không nói ra nhưng ai cũng hiểu thực tế ở các trường đào tạo đa ngành, chỉ tiêu dư dôi từ các ngành khó tuyển sẽ được chuyển sang các ngành dễ tuyển. Đến đầu ra, các trường mua phôi bằng theo tổng số HS tốt nghiệp. Đây là kẽ hở trong khâu quản lý chỉ tiêu, đào tạo và cấp bằng, và cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự mất cân đối trong đào tạo nhân lực các ngành nghề.
Theo TTO
Bình luận (0)