Theo kết luận thanh tra của Bộ GD- ĐT, các đơn vị vi phạm gồm: Công ty TNHH dạy nghề đào tạo Quốc tế Raffles VN, Công ty TNHH Nghiên cứu và Giáo dục VN (ERC VN), Công TNHH ILA VN và Viện Kế toán Quản trị doanh nghiệp (IABM).
Hàng loạt các trường trên chỉ được cấp giấy phép đào tạo nghề nhưng lại tổ chức tuyển sinh, liên kết đào tạo và cấp bằng đến… thạc sĩ.
Trong đó, Trường dạy nghề đào tạo Quốc tế Raffles VN (trụ sở 117 Nguyễn Văn Trỗi, phường 12, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) theo đăng ký hoạt động chỉ được đào tạo nghề (thiết kế nội thất, thiết kế tương tác media, thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang), với quy mô đào tạo 100 học viên.
Tuy nhiên, từ khi thành lập đến tháng 12/2011, Raffles VN đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo tích lũy tín chỉ, cấp chứng chỉ cấp 1 và cấp 2 thuộc chương trình cao đẳng của Raffes College of Higher Education Singapore (RCHE) và chuyển điểm sang RCHE để cấp bằng cao đẳng cho 202 học viên.
Hiện Raffles VN đã tuyển sinh và đào tạo chứng chỉ cấp độ 1, 2, 3 thuộc chương trình cao đẳng của RCHE và cử nhân của Raffles College of Design and Commerce, Sydney, Úc (RCDC) cho 396 học viên.
Tương tự, chỉ được cấp phép đào tạo sơ cấp nghề ngắn hạn theo chương trình của Trường Martin College (Úc), với các ngành: quản trị kinh doanh- nhân sự, marketing, thương mại, doanh nghiệp, du lịch và khách sạn, tài chính doanh nghiệp, logistics và chuỗi cung ứng; quy mô đào tạo là 15 học viên/lớp, 300 học viên/năm.
Nhưng từ năm 2008 đến nay, ILA VN đã liên kết với Trường Martin College tổ chức đào tạo tại VN theo chương trình cao đẳng. Theo đó, giai đoạn 1, học viên học tại VN lấy bằng cao đẳng; giai đoạn 2, nếu người học có nhu cầu sẽ được chuyển qua một trường đại học nước ngoài là đối tác của Martin College học tiếp 1- 1 năm rưỡi để lấy bằng cử nhân.
Nghiêm trọng hơn là trường hợp của hai đơn vị ERC và IABM khi liên kết đào tạo cử nhân, thậm chí… thạc sĩ, tiến sĩ trong khi chỉ là trường nghề.
ERC đã ký thỏa thuận với trường Australian Institute of Business Administration PTY LTD (AIBA) của Úc, University of Wolverhamton (Anh), University of Greenwich (Anh) để “vượt mặt” Bộ GD- ĐT và chức năng đào tạo trong giấy phép hoạt động.
Riêng IABM là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ theo quy định và giấy phép hoạt động chỉ được tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn. Tuy nhiên, đơn vị này đã ký thỏa thuận liên kết với Công ty NSSDC Education Services Sdn (Malaysia) để đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ quản trị kinh doanh tại VN.
Học viên bị tước bằng cấp
Trước những vi phạm nghiêm trọng trên, thanh tra Bộ GD-ĐT đã có quyết định xử phạt hành chính và đồng loạt yêu cầu Raffles VN, ERC VN, ILA VN và Viện Kế toán Quản trị doanh nghiệp chấm dứt hoạt động quảng cáo, tuyển sinh cùng như liên kết đào tạo trái phép chương trình cao đẳng và cử nhân trên lãnh thổ VN.
Đồng thời, toàn bộ các bằng cấp theo chương trình trái phép của các đơn vị này, thanh tra Bộ GD- ĐT đề nghị Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT không công nhận.
Như vậy, “quít làm cam chịu”, hàng trăm học viên đang đứng trước nguy cơ lao đao vì “cầm” bằng vô giá trị, việc học dang dở.
Được biết, từ năm 2008 đến nay, ILA VN đã tuyển sinh trình độ cao đẳng tổng cộng 240 sinh viên. Hiện có 212 học viên đã tốt nghiệp được Martin College cấp bằng cao đẳng, 23 sinh viên khác đang học tại ILA VN theo chương trình này và dự kiến tốt nghiệp tháng 3/2012.
ERC VN đã tuyển 365 học viên.
Còn IABM, đào tạo cử nhân Quản trị kinh doanh cho 29 sinh viên, trong đó, 17 sinh viên đã được cấp bằng tốt nghiệp. Có 74 học viên thạc sĩ Quản trị kinh doanh của IABM cầm bằng vô giá trị. Đặc biệt, có đến 87 học viên theo học tiến sĩ Quản trị quản trị kinh doanh theo chương trình liên kết của IABM, trong đó, 51 người đã được cấp bằng tiến sĩ.
Bình luận (0)