Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Xung quanh việc xét chuyển ngành ở ĐH Hoa Sen: Sai quy chế rất rõ

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu không có việc chuyển ngành thì rất nhiều thí sinh đăng ký thi nguyện vọng 1 vào Trường ĐH Hoa Sen sẽ thừa cơ hội vào hệ ĐH của nhiều trường ĐH khác, kể cả ĐH công lập

Báo Người Lao Động số ra ngày 9-9 đăng tin về việc Trường ĐH Hoa Sen có hành vi “ép” thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng (NV) 1 hệ ĐH thành trúng tuyển NV1 hệ CĐ, trong đó có những thí sinh có tổng điểm thi vượt cả điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Để bảo đảm quyền lợi thí sinh, ngay trong ngày 9-9, Bộ GD-ĐT đã có văn bản chỉ đạo Trường ĐH Hoa Sen khẩn trương khắc phục các sai phạm này. Những sai phạm cụ thể đó là gì?
Làm mất cơ hội của thí sinh
Quá trình điều tra cho thấy để giữ số thí sinh đã đăng ký thi vào trường, chiều 28-7, bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng Tuyển sinh của Trường ĐH Hoa Sen, đã tổ chức cuộc họp với các thành phần liên quan để đưa ra chủ trương chuyển ngành đối với các thí sinh thi vào trường nhưng rớt NV1. Cụ thể là trước 17 giờ ngày 9-8, các thí sinh rớt NV1 phải gửi phiếu đăng ký chuyển ngành (theo mẫu của trường) về trường. Trong mẫu phiếu đăng ký ghi rõ là trường sẽ xét chuyển và nếu thí sinh trúng tuyển thì sẽ nhận được giấy báo nhập học chứ không được nhận giấy báo điểm, chứng nhận kết quả thi và cũng không được xét NV2 và 3. Thông tin này được quán triệt là không công bố trên báo chí.
Trường ĐH Hoa Sen. Ảnh: TẤN THẠNH
Vấn đề đáng lưu ý ở đây là ngày 8-8, Bộ GD-ĐT mới công bố điểm sàn và theo quy định thì từ ngày 25-8, các trường bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển NV2, thí sinh nếu không trúng tuyển NV1 nhưng có kết quả thi bằng hoặc lớn hơn điểm sàn đối với từng đối tượng và khu vực (không có môn nào bị điểm 0) sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký xét tuyển NV2. Do đó, các thí sinh thi rớt NV1 ở Trường ĐH Hoa Sen nhưng thuộc diện được tham gia xét tuyển NV2 và 3 sẽ mất cơ hội do đăng ký chuyển ngành theo cách làm của trường này.
Chưa có điểm sàn đã xét
Trên thực tế thì không phải đợi đến ngày 9-8 để xét mà trước ngày 2-8, Trường ĐH Hoa Sen đã chuyển ngành đối với 624 thí sinh có NV1 ĐH khi chưa có điểm sàn của Bộ GD ĐT, chỉ căn cứ vào điểm chuẩn dự kiến của trường để yêu cầu thí sinh chuyển NV1 ĐH sang NV1 CĐ và NV1 ngành khác (trong tin đăng trên số báo ngày 9-9, chúng tôi nêu là chuyển hơn 600 thí sinh về hệ CĐ. Xin được thông tin lại là hầu hết trong số 624 thí sinh này đã được chuyển về hệ CĐ, một số ít được chuyển sang ngành khác của hệ ĐH đang khó khăn nguồn tuyển).
Điều đáng nói là trong số 624 thí sinh đã nêu, có không ít thí sinh có tổng điểm thi cao hơn hẳn điểm sàn của Bộ GD-ĐT, nên nếu không vì việc chuyển ngành của Trường ĐH Hoa Sen thì họ sẽ thừa cơ hội đăng ký xét tuyển NV2 vào hệ ĐH của nhiều trường ĐH khác, kể cả chính ngành mà thí sinh đã đăng ký ở hệ ĐH của Trường ĐH Hoa Sen, thậm chí là cả của một số trường ĐH công lập khác.
Đó chính là lý do vì sao trong văn bản chỉ đạo giải quyết, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã yêu cầu Trường ĐH Hoa Sen phải cấp giấy chứng nhận kết quả thi ĐH (số 1 và số 2) cho những thí sinh đã dự thi và có NV1 học tại trường nhưng không trúng tuyển NV1, có kết quả thi từ điểm sàn CĐ trở lên tương ứng với từng đối tượng và khu vực tuyển sinh theo đúng quy định của quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy hiện hành. đối với những thí sinh đã dự thi tại trường, không trúng tuyển NV1 và được trường xét tuyển vào học hệ CĐ (hoặc chuyển ngành hệ ĐH) phải nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 như những thí sinh khác; chỉ công bố điểm trúng tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển NV2 sau khi đã kết thúc thời hạn nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 theo quy định và trên nguyên tắc xét từ thí sinh có kết quả thi cao trở xuống cho đủ chỉ tiêu.
Tùy tiện
Trong quá trình chuyển ngành đối với thí sinh rớt NV1, Trường ĐH Hoa Sen chủ trương nếu thí sinh trúng tuyển sau khi xét chuyển ngành thì trường sẽ điều chỉnh trực tiếp vào trong chương trình quản lý tuyển sinh của Bộ GD-ĐT ngành đăng ký NV1 của thí sinh để xét trúng tuyển (chương trình sẽ không còn lưu lại ngành theo hồ sơ đăng ký ban đầu của thí sinh). Một lãnh đạo của Bộ GD-ĐT cho biết việc điều chỉnh chương trình máy tính của bộ về NV1 của thí sinh đã ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi là không nghiêm túc, tùy tiện.
Lập luận như thế là sai
Trong văn bản gửi phản ứng thông tin trên Báo Người Lao Động, bà Bùi Trân Phượng cho rằng việc trường chuyển ngành cho thí sinh là không sai quy định vì trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ 2011 do Bộ GD-ĐT xuất bản, ở phần của Trường ĐH Hoa Sen đã ghi rõ  “Những thí sinh không trúng tuyển vào ngành đăng ký NV1 của trường, được đăng ký chuyển vào ngành có điểm chuẩn thấp hơn, còn chỉ tiêu”, đây là phương án tuyển sinh được trường đề xuất và được Bộ GD-ĐT chấp thuận. Bà Phượng cũng cho rằng số lượng thí sinh theo biên bản thanh tra của Bộ GD-ĐT thì chỉ có 147 chứ không phải hơn 600 như báo nêu.
Trả lời chất vấn của Báo Người Lao Động vào ngày 13-9, ông Đinh Xuân Lý, Trưởng Phòng Thanh tra phía Nam – Thanh tra Bộ GD-ĐT, thừa ủy quyền của trưởng đoàn thanh tra và lãnh đạo cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM, cho biết nội dung ghi trong Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ 2011 như đã nói ở trên phải hiểu đúng là thí sinh sau khi rớt NV1 thì được phép đăng ký xét tuyển NV2 vào ngành có điểm chuẩn thấp hơn, nếu còn chỉ tiêu. Ông Lý khẳng định lập luận như Trường ĐH Hoa Sen là quá sai vì NV1 thi ĐH, CĐ chỉ có một NV chứ không có NV1a hay NV1b… Nếu trường tự chuyển ngành như vậy thì sẽ làm mất quyền lợi của các thí sinh khác đăng ký xét tuyển NV2 và NV3 vào Trường ĐH Hoa Sen. Đối với số lượng thí sinh mà Trường ĐH Hoa Sen đã chuyển NV1 đúng là 624 em nhưng trong biên bản thanh tra nêu 147 thí sinh, đó là chỉ nêu số thí sinh mà trường này đã gửi giấy báo trúng tuyển nhưng không đến nhập học nên đoàn thanh tra yêu cầu trường gửi trả kết quả thi cho thí sinh trước 17 giờ ngày 10-9 để thí sinh có cơ hội đăng ký xét tuyển NV2, NV3.
Theo Lương Duy Cường
(NLĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)