Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bỗng dưng… hôi miệng

Tạp Chí Giáo Dục

Hôi miệng không đơn giản là do vệ sinh răng miệng kém, đó còn là dấu hiệu cảnh báo một bệnh lý nhiễm trùng nghiêm trọng trong cơ thể.
Trưa vắng, trong góc quán cà phê, chị Hoa ngồi đối diện chồng với thái độ ấm ức pha lẫn bất cần: “Anh cứ nói thật, anh có người đàn bà khác nên không còn yêu em nữa rồi phải không? Em sẵn sàng để anh đi, chứ cứ sống thế này thì chẳng khác gì tra tấn nhau”. 
Nghe vợ nói đến đó anh Hưng đã hoảng hốt nhảy dựng lên phản đối, nhưng chị Hoa vẫn khăng khăng cho rằng anh đang có bồ nhí nên mới lơ là chuyện vợ chồng. Cực chẳng đã anh Hưng đành nói thật:“Em hiểu sai anh rồi, anh hoàn toàn không có người nào cả. Chỉ là vì thời gian gần đây hơi thở của em… có vấn đề. Nó… quá hôi, nên mỗi lần vợ chồng gần gũi cứ chuẩn bị hôn là anh mất hết cảm hứng”.
Suýt ly dị vì miệng hôi
Chuyện chăn gối của vợ chồng chị Hoa (Võ Văn Tần, Q.3, Tp.HCM) từ nửa năm nay trở lên trục trặc một cách khó hiểu. Bình thường thì anh vẫn quan tâm yêu chiều vợ, nhưng cứ lúc gần gũi là anh lại viện lý do rồi lảng tránh. Anh hay ngoảnh mặt đi khi hai vợ chồng gần nhau và cũng ít khi anh chủ động thân mật với vợ. Cảnh này tái diễn thường xuyên đã khiến chị Hoa phải đặt dấu hỏi về tình cảm chồng dành cho mình.
Cho là chồng ngoại tình nên không còn mặn nồng, chị Hoa đã quyết định phải nói chuyện cho rõ ràng. Vốn là người kiêu hãnh không chấp nhận sống với một người mà tâm trí không dành cho mình chị Hoa đã nghĩ đến chuyện nếu anh không còn yêu chị và có người phụ nữ khác, chị sẵn sàng chấp nhận cho anh lựa chọn, nhưng câu trả lời của chồng khiến chị ngã ngửa và đâm ra xấu hổ với chồng quá.
Sau khi biết vấn đề của mình, chị đến phòng khám nha khoa để khám. Tuy nhiên, các nha sỹ đã không tìm ra bất cứ vấn đề răng miệng nào có thể gây nên mùi hôi khó chịu cho chị Hoa. Ngay sau đó chị được tư vấn sang khám tại khoa tiêu hóa của bệnh viện Thống Nhất. Tại đây, các bác sỹ đã tìm ra nguyên nhân gây hôi miệng của chị là do chứng viêm dạ dày.
Chớ coi thường hôi miệng
Chứng hôi miệng, còn được gọi là bệnh hôi miệng. Đây là căn bệnh khá phổ biến của người Việt. Chúng gây ra căng thẳng, lo âu cho cả người bị hôi miệng và cả những người xung quanh. Thông thường, người bị hôi miệng thường không biết vấn đề của mình, và nếu có biết thì cũng chủ quan cho rằng chỉ cần vệ sinh răng miệng tốt là khỏi.
Nhưng mọi việc không đơn giản, theo BS. Vũ Đức Chung (Chủ nhiệm Khoa Nội Tiêu Hóa, Bệnh viện Quân đội 354): có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh hôi miệng, phổ biến nhất là do các vấn đề về răng miệng. Nhiều người gặp phải chứng bệnh này là do không giữ gìn vệ sinh răng miệng tốt. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp chứng hôi miệng vẫn còn mặc dù chủ nhân đã giữ gìn vệ sinh răng miệng rất tốt, khi ấy nên cẩn thận vì chứng hôi miệng có thể là dấu hiệu của những bệnh lý nghiêm trọng khác như trường hợp của chị Hoa ở trên là một ví dụ điển hình.
Bất kì ai cũng có thể gặp phải sự cố này. Trước đây ngoài các vấn đề về răng miệng, chứng hôi miệng còn được cho là do hở van tâm vị thực quản. Thực ra không hẳn chỉ vì lý do đó mà miệng bị hôi. Triệu chứng này còn có nhuyên nhân do cơ thể bị viêm nhiễm. Nếu do bệnh tiêu hóa thì có thể do bệnh nhân viêm dạ dày, viêm thực quản, hẹp môn vị, loét dạ tràng… Ngoài các bệnh dạ dày, các nguyên nhân khác như viêm amiđan, viêm mũi, viêm họng… cũng gây hôi miệng. 
Trong số các triệu chứng để nhận biết cơ thể bạn bị nhiễm trùng như sốt, môi khô, lưỡi bẩn, bạch cầu tăng… thì phải kể đến triệu chứng hôi miệng. Vì vậy mà những bệnh nhân bị loét hoặc có khối u thì miệng có mùi hôi như ở một bãi rác thải chất hữu cơ. Đó là biểu hiện của việc lên men của các chất hoại tử trong cơ thể.
Những người hút thuốc lá cũng hay bị hôi miệng vì họ thường bị nhiễm khuẩn trong khoang miệng, đường hô hấp, phổi. Nếu thời điểm bùng phát sẽ có các biểu hiện ho, khạc đờm… còn bình thường khỏe mạnh không có các triệu chứng trên không có nghĩa là không sao, đó chỉ là thời điểm ủ bệnh mà thôi. 
Nhiều người thấy miệng hôi muốn nhanh chóng chữa khỏi bằng các loại mỹ phẩm làm thơm miệng, nhưng thực tế các loại mỹ phẩm này chỉ có tác dụng che đậy, làm bớt hôi miệng trong thời gian vài ba chục phút sau khi dùng, chứ không trị dứt được hôi miệng. Còn đối với nước xúc miệng nên dùng vào buổi tối, đây là thời gian mà vi khuẩn hoạt động mạnh nhất trong ngày.
BS Chung cũng cho biết, để chữa khỏi chứng hôi miệng, bệnh nhân cần được chữa dứt điểm nguyên nhân. Nếu do bệnh về đường tiêu hóa thì cần phải chữa bệnh tiêu hóa, nếu do bệnh răng miệng thì cần chữa răng miệng…
 Theo KH&ĐS

Bình luận (0)