Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Năm lý do vì sao bạn cần ngủ nhiều hơn

Tạp Chí Giáo Dục

Thiếu ngủ có thể làm bạn cáu kỉnh và mệt mỏi. Tuy nhiên, hậu quả của tình trạng này thậm chí còn trầm trọng hơn rất nhiều.

Có thể liệt kê một loạt các tác hại của thiếu ngủ như bệnh tiểu đường, áp huyết cao, tăng cân….
Thiếu ngủ làm bạn tăng cân
Gần đây, một nghiên cứu đã được tiến hành với 70.026 nữ y tá nhằm tìm hiểu xem liệu việc thiếu ngủ có làm gia tăng nguy cơ tăng cân, thậm chí béo phì trong tương lai. Kết quả cho thấy, việc thiếu ngủ gây ảnh hưởng đối với khả năng đốt cháy calo của cơ thể và làm tăng nguy cơ lên cân. Trên thực tế, những phụ nữ có giấc ngủ kéo dài từ 7 đến 9 tiếng hàng đêm ít nguy cơ bị lên cân nhất và những người ngủ ít hơn 7 tiếng có khả năng bị béo phì cao.
Một nghiên cứu khác được tiến hành với hơn 68.000 phụ nữ trung niên trong vòng 20 năm gần đây cũng chỉ ra rằng những chị em ngủ dưới 5 giờ mỗi đêm tăng nhiều hơn khoảng 3 kg và có nguy cơ bị béo phì cao hơn so với những người ngủ 7 giờ mỗi đêm. Thậm chí, bạn chỉ ngủ ít hơn cần thiết 16 phút mỗi đêm cũng đủ làm tăng nguy cơ béo phì.
Thiếu ngủ khiến bạn tiêu thụ nhiều carbohydrate và đồ ăn nhẹ hơn
Theo kết quả một nghiên cứu của các nhà khoa học trường Đại học Chicago (Mỹ), khi bạn buồn ngủ, bạn có khả năng tiêu thụ hết 221 calo đồ ăn nhẹ – tương đương với tăng khoảng 0.5kg trong vòng 2 tuần.
Một nghiên cứu khác đối với những người trẻ tuổi ngủ dưới 6 tiếng cũng phát hiện ra rằng, sau mỗi đêm thiếu ngủ, cảm giác thèm ăn những đồ ăn chứa hàm lượng carbohydrate (cung cấp cho cơ thể nguồn năng lượng cần để hoạt động) cao tăng mạnh. Điều này được lý giải là do bộ não thiếu ngủ của chúng ta khi đó có nhu cầu nạp năng lượng, đường – những chất được cơ thể sản xuất từ carbohydrate – cao hơn bình thường.
Ngoài ra, thiếu ngủ cũng có thể ảnh hưởng đến khối lượng và loại thức ăn bạn tiêu thụ. Một số nghiên cứu đã cho thấy rằng ngủ ít cũng khiến bạn có thói quen ăn vặt –không kể trái cây tươi và rau xanh.
Thiếu ngủ làm tăng nguy cơ viêm nhiễm và mắc bệnh tiểu đường
Chỉ cần một đêm ít ngủ cũng đủ làm tăng các dấu hiệu tiền viêm nhiễm trong máu và thúc đẩy các hóa chất làm tăng cảm giác đói bụng. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tình trạng viêm nhiễm gây ra do một số tế bào miễn dịch nhất định là nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng insulin (là một trạng thái thầm lặng có thể tăng cao nguy cơ bệnh tiểu đường và đau tim) và bệnh tiểu đường loại 2. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những người ngủ ít hơn 7 giờ mỗi đêm có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn các đối tượng còn lại. Vì thế, một giấc ngủ đủ và ngon hiện đang được coi là cơ chế phòng thủ cơ bản nhất để có một cơ thể khỏe mạnh và phòng tránh bệnh béo phì cũng như tiểu đường loại 2.
Thiếu ngủ dẫn đến huyết áp cao
Theo các nghiên cứu gần đây, tình trạng thiếu ngủ và bệnh cao huyết áp có một mối liên hệ tương tác lẫn nhau. Dù bạn thiếu ngủ vì thời lượng ngủ quá ít hay vì ngủ không ngon giấc thì điều đó đều khiến tim chúng ta chịu nhiều áp lực hơn.Cụ thể là, khi chúng ta thức, tim làm việc nhiều hơn để đưa máu lưu thông khắp cơ thể. Trong khi ngủ, cơ thể chúng ta không cần lượng máu nhiều như khi thức, do đó, nhịp tim của chúng ta chậm hơn và trái tim có thể được tận hưởng sự nghỉ ngơi vô cùng cần thiết. Không được nghỉ ngơi, cơ tim sẽ nhanh chóng mệt mỏi. Khi tim phải làm việc nhiều hơn, huyết áp sẽ tăng cao hơn hoặc đơn giản là cơ tim dày lên và do đó sẽ dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng về tim.
Thiếu ngủ dẫn đến sự rối loạn chuyển hóa
Trong một nghiên cứu với các công nhân làm việc theo ca – những người không được ngủ đúng giờ, các nhà khoa học phát hiện ra rằng chứng rối loạn chuyển hóa có liên hệ rõ ràng và mật thiết với trình trạng kháng insulin. Insulin là một loại hóc môn được giải phóng từ tụy tạng có tác dụng thúc đẩy việc lưu trữ calo ví dụ như chất béo và điều chỉnh lượng đường (glucose) trong máu. Hội chứng chuyển hóa – hay còn được gọi là hội chứng kháng insulin – xảy ra khi cơ thể dần trở nên thiếu đáp ứng với các hoạt động của insulin. Với hội chứng này, lượng đường trong máu sẽ tăng gây nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Mai Khôi (TPO)
Theo Health

Bình luận (0)