Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Vẹo cẳng tay vì bó lá

Tạp Chí Giáo Dục

Không đến bệnh viện để khám và điều trị, chữa gãy xương bằng phương thức “truyền miệng” có thể làm biến dạng chân tay.

Chữa mách, vẹo tay

Bà Nguyễn Thị Lý (62 tuổi, ở H.Thanh Chương, Nghệ An) là một nạn nhân của phương thuốc “mách”. Bà bị gãy hai xương cẳng tay và điều trị không đúng dẫn đến vẹo cẳng tay không thể phục hồi.

Cách đây 1 năm, bà Lý gặp tai nạn lao động. Lúc thu hoạch lúa, chuyển vào bờ, bà bị trượt chân ngã, tay trái đập vào bờ ruộng. Sau cú ngã, bà không thể cử động được cánh tay trái. Tay bà sưng, tím bầm gần vị trí cổ tay. Riêng bàn tay thì không thể cử động được vì rất đau. Khi về nhà, người thì bảo bà bị gãy xương, người thì bảo bị sai khớp. Họ khuyên bà nên đến một thầy lang ở trong khu vực để điều trị, kèm lời “giới thiệu” thầy lang rất giỏi, gãy nặng đến mấy thầy bó lá chỉ vài tuần là khỏi.

Bà Lý cho biết, nhà thầy lang không có phương tiện khám bệnh nào cả, không có máy móc chụp chiếu, thứ rất cần cho điều trị gãy xương. Thầy chỉ có sẵn trong nhà rất nhiều loại bao, gói đựng thuốc lá. Thầy “khám” tay bà Lý một lát, rồi kết luận bị gãy hai xương cẳng tay, bảo bà phải bó lá liền 3 tháng thì mới khỏi.

Nên can thiệp đúng cách nếu gặp vấn đề xương bị gãy hay vẹo – Ảnh: Shutterstock

Sau 3 tháng điều trị, tay bà Lý hết đau, xương cũng liền, bàn tay nhúc nhích được. Tuy nhiên có điều khiến bà kinh hãi: cẳng tay bị biến dạng hoàn toàn. Cổ tay thì gồ ra phía trước, lõm ở phía sau. Bàn tay lúc nào cũng như hơi ngửa. Cử động của bàn tay giờ rất khó khăn, không rộng rãi như bàn tay còn lại. Tóm lại, cánh tay bị thương đã lệch vẹo thảm hại.

Thực tế, bà Lý bị biến chứng do gãy xương mà biện pháp điều trị không đúng. Ở đây chính biện pháp bó lá điều trị gãy xương là nguyên nhân chủ yếu gây ra biến chứng này.

Không chủ quan

Có một nguyên tắc bất di bất dịch khi điều trị gãy xương là không được chủ quan dù đó là xương lớn hay xương nhỏ. Việc điều trị gãy xương bằng biện pháp bó lá thường không đảm bảo tính an toàn trong điều trị. Biện pháp này không những không giúp đẩy nhanh quá trình khỏi bệnh mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai biến. 4 biến chứng hay gặp là: chậm liền xương, khớp giả, loét da và liền lệch.

Chúng ta cần hiểu việc xương liền hay không hoàn toàn do sức hồi phục của cơ thể và việc có giữ vững ổ gãy hay không. Các biện pháp điều trị bên ngoài gọi là các biện pháp phi phẫu thuật, chỉ có tác dụng giữ vững ổ gãy mà không can thiệp vào tốc độ liền xương. Sự liền xương chính là do sự cốt hóa nối hai đầu xương gãy với nhau, nó không liên quan gì đến các biện pháp điều trị. Các biện pháp điều trị ở đây chỉ nhằm bảo vệ ổ liền xương non khỏi bị phá hoại do các cử động cơ học mà thôi.

Bó lá là một trong các biện pháp điều trị phi phẫu thuật. Mục tiêu chỉ nhằm giữ ổ gãy cho vững tại một vị trí. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là nó không thực hiện được sứ mệnh của mình bởi tác dụng cố định không được mạnh và không được tốt. Kết quả là người bệnh rất hay bị chứng chậm liền xương. Xương nếu có liền thì thường bị liền lệch, liền vẹo và biến dạng ổ gãy.

Vì thế điều trị xương gãy cần được tiến hành rất bài bản. Việc tối thiểu bạn cần làm là đến một bệnh viện tin cậy, chụp X quang kiểm tra để biết chính xác tình trạng gãy xương, vị trí gãy, dạng gãy, mức độ lệch của hai đầu xương gãy. Từ đó bác sĩ mới có thể đưa ra biện pháp điều trị đúng. Bạn có thể chọn hai biện pháp là bó bột hoặc phẫu thuật.

BS Yên Lâm Phúc (TNO)

Bình luận (0)