Dân Việt Nam ăn nhậu số 1 khu vực và có thể giật giải quán quân thế giới. 2,6 tỉ lít là số bia dân mình tiêu thụ trong năm 2011, chưa kể rượu.
Khoan phân tích những nguy hại về trí lực và sức khỏe giống nòi do rượu bia, chỉ xin nêu ra những tác hại có thể thấy được rất cụ thể: Đó là sự lãng phí tiền của, thời gian; phát sinh và gia tăng tệ nạn xã hội; tai nạn giao thông; ngộ độc bia rượu…
Theo một công bố tại hội thảo liên quan đến an toàn giao thông do UBATGTQG tổ chức cuối năm 2011, tại Việt Nam, 60% bạo lực gia đình xuất phát từ say rượu, ngộ độc rượu bia, chiếm gần 22% các loại ngộ độc; 7% bệnh nhân tâm thần xuất phát từ rượu bia…
Bạo lực gia đình do các ông chồng nghiện bia rượu ngày càng nghiêm trọng, tội ác giết người cũng có từ nguyên nhân này. Nhiều gia đình tan nát, nhiều ông chồng phải vào tù vì bia rượu. Ngoài ra, các vụ án đâm chém, giết người do say xỉn thường xảy ra.
Trong hàng quán, trên đường phố, các đệ tử lưu linh sẵn sàng gây sự hành hung người khác hoặc chém giết nhau chỉ vì lên cơn say không kiểm soát được hành vi. Ở các tòa án, không ít các vụ án hình sự mà bị cáo gây án mạng hoặc có hành vi phạm tội khác do bia rượu.
Chỉ tính các tệ nạn và tai nạn do bia rượu, có thể thấy thiệt hại xã hội vô cùng lớn mà các nguồn thu từ sản xuất kinh doanh bia rượu không thể bù đắp được. Rượu bia cũng tác động tiêu cực đến chất lượng hoạt động của các cơ quan, công sở.
Tình trạng cán bộ, công chức bỏ việc đi ăn nhậu hoặc uống bia rượu buổi trưa làm ảnh hưởng đến công việc đã từng được nêu ra. Có địa phương ban hành chỉ thị cấm cán bộ công chức ăn nhậu vào ban trưa, nhưng ai cấm cứ cấm, ai uống cứ uống. Để hạn chế các hậu quả do bia rượu, cần phải có những biện pháp quyết liệt, trong đó có vai trò của pháp luật.
Nghị định số 71 của Chính phủ được công bố bổ sung các quy định về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã có quy định xử phạt khá nặng đối với lái xe uống rượu bia. Quy định đã có, nhưng xử phạt phải nghiêm mới có kết quả.
Bình luận (0)