Nói đến bệnh viêm VA thường chỉ nghĩ đến ở trẻ nhỏ vì trẻ lớn và người trưởng thành VA đã bị thoái hóa. Bệnh viêm VA ở trẻ hay tái phát, dễ gây biến chứng và một số trường hợp để lại di chứng khó khắc phục khi trẻ lớn lên.
VA là tổ chức lympho bao gồm nhiều tế bào bạch cầu. Ở họng có nhiều tổ chức lympho rải rác khắp niêm mạc hoặc tập trung thành từng khối ở mặt trước của họng gọi là vòng Waldeyer trong đó có amiđan vòi và amiđan vòm họng.
Từ lúc mới sinh ra trẻ đã có VA nhưng còn rất nhỏ. Khoảng từ 6 tháng tuổi thì VA phát triển để đảm đương chức năng miễn dịch, khi trẻ đến 9 – 10 tuổi thì VA teo dần và chỉ còn dấu vết ở tuổi dậy thì, tuy vậy cá biệt có thể thấy ở người trưởng thành.
Ở nước ta tỷ lệ trẻ bị viêm VA chiếm khoảng 30% trẻ em, lứa tuổi nhiều nhất là 2 – 5 tuổi. Viêm VA có thể cấp tính hoặc mạn tính.
VA cấp tính nếu không được điều trị thì sẽ trở thành mạn tính. Viêm V.A mạn tính là tình trạng V.A quá phát hoặc xơ hoá sau viêm nhiễm cấp tính nhiều lần. Trẻ thường hay sốt vặt, sốt không cao khoảng từ 37,30- 38oC, trẻ sẽ phát triển chậm hơn so với trẻ cùng lứa tuổi, kém nhanh nhẹn, ăn uống kém, người gầy, da xanh, thò lò mũi (nếu viêm VA do vi khuẩn mủ xanh thì mủ có màu xanh, nên được gọi là thò lò mũi xanh).
Trẻ đãng trí kém tập trung tư tưởng, thường lực học bị giảm sút so với bạn bè cùng trang lứa do tai bị viêm và não thiếu oxy bởi thiếu thở mạn tính. Trẻ thường bị ngẹt, tắc mũi (giai đoạn đầu ngẹt ít sau ngẹt nhiều và tăng dần) vì vậy thường trẻ há mồm để thở, nói giọng mũi kín và ho khan. Khi trẻ bị viêm VA mà không được điều trị thì có thể gây ra một số biến chứng.
Biến chứng thường gặp nhất là viêm thanh khí phế quản xuất hiên cơn khó thở đột ngột, dữ dội về đêm và nếu trẻ bị hen phế quản thì sẽ làm cho cơn hen xuất hiện mau hơn và nặng hơn. Biến chứng viêm tai giữa, viêm đường tiêu hoá, áp xe thành sau họng, nếu tác nhân gây bệnh là vi khuẩn liên cầu nhóm A (S. pyogenes) thì có thể gây viêm khớp hoặc viêm cầu thận cấp. Biến chứng của viêm VA mạn tính có thể làm biến dạng lồng ngực, lưng (cong, gù). Trẻ luôn bị mệt mỏi, lười biếng, buồn ngủ, giảm trí nhớ.
Khi trẻ bị viêm VA cần được bác sỹ chuyên khoa tai, mũi, họng khám nhất thiết không tự chẩn đoán bệnh và tự mua thuốc điều trị cho con mình, cháu mình khi không có kiến thức y học.
PGS.TS. Bùi Khắc Hậu (TPO)
Bình luận (0)