Fabio Capello thích gây sốc (và có lẽ đó là điều mà giới truyền thông Anh ưa thích nhất ở huấn luyện viên người Italia này!). Nếu trước trận gặp Montenegro là quyết định xôn xao khi triệu tập Kevin Davies thì chuẩn bị cho chuyến đi tới Wales là hành động trả lại băng đội trưởng cho John Terry.
Trong bối cảnh cả “cựu” đội trưởng Rio Ferdinand lẫn đội phó Steven Gerrard đều vắng mặt vì chấn thương, động thái đó tưởng chừng như hợp lý. Nhưng nhìn lại quá khứ, nhìn lại sự kiện Terry mất chức đội trưởng hồi tháng 2/2010, có cảm giác câu chuyện “vật hoàn cố chủ” này không phải là một hồi kết có hậu mà ẩn chứa trong đó nhiều rủi ro. Nó giống một canh bạc tất tay mà Capello đang dấn vào.
Đội tuyển Anh đang tích cực chuẩn bị cho trận đấu với Wales |
Dấu hỏi về uy tín
Nếu màn thông báo tước băng Terry diễn ra chóng vánh đo bằng phút thì cuộc họp đội nhanh gọn trên sân tập ở London Colney tuyên bố trung vệ này sẽ lại là đội trưởng lâu dài có thể đo bằng… giây. Capello triệu tập các cầu thủ, đưa ra quyết định và hỏi liệu có câu hỏi, thắc mắc nào không. Đáp lại là sự im lặng. Và Capello nhanh chóng cho tiếp tục buổi tập như kế hoạch.
Có thể hiểu sự im lặng đó theo hai cách: toàn đội nhất trí ủng hộ Terry trở lại hoặc đơn thuần là bất mãn chưa đủ lớn để bùng nổ thành một cuộc phản kháng nữa. Lý do thứ nhất đương nhiên khó xảy ra, cộng thêm thông tin nhiều tuyển thủ nhắn tin cho Ferdinand chia sẻ, ủng hộ. Lý do thứ hai dễ giải thích. Không nhiều tuyển thủ Anh “bạo miệng” hay cả gan chỉ trích Capello. Người duy nhất từng làm điều đó chính là… Terry sau khởi đầu kém cỏi ở World Cup 2010, anh đăng đàn nói về sự bất hòa trong nội bộ và sau đó Capello đã gọi cuộc nổi loạn đó là “một sai lầm rất lớn”.
Xét trên góc độ sân cỏ, Terry là một cầu thủ lớn, một tính cách mạnh mẽ và một thủ lĩnh xứng đáng. Nếu không có tâm lý vững vàng, hẳn anh đã suy sụp không gượng dậy nổi sau vụ bê bối tình ái với bạn gái của đồng đội Wayne Bridge. Không “thoáng” như láng giềng Pháp lãng mạn nhưng người Anh cũng không quá khắt khe. David Beckham vẫn là đội trưởng sau bê bối tình ái với Rebecca Loos. Sven-Goran Erriksson vẫn giữ ghế HLV sau vô số lình xình hậu trường. Lựa chọn Terry lúc này không phải là quyết định sai. Nhưng sẽ không ai bàn cãi nếu đó là tấm băng đội trưởng tạm thời cho trận gặp Wales và giao hữu với Ghana. Còn lâu dài thì không hợp lý và có phần quá đáng với Ferdinand cũng như Gerrard.
Chấn thương liên tục khiến Ferdinand không có nhiều cơ hội thể hiện vai trò đội trưởng. Phải chăng, Capello đã bắt đầu lo ngại về tương lai của trung vệ này ở “Tam sư”? Nhưng còn đó Gerrard và nếu anh cũng bị coi thuộc diện “xế chiều” thì vẫn còn Wayne Rooney chẳng hạn, người mà độ nhiệt tình, lăn xả trên sân cỏ không phải bàn cãi.
Tuy nhiên, nếu đặt vấn đề về uy tín của Terry là 1 thì câu hỏi về uy tín của Capello phải là… 10. Không còn hình ảnh một ông thầy vững vàng, quyết đoán, được tin cậy khi mới ngồi vào chiếc ghế nóng ở xứ sương mù cách đây 4 năm nữa. Một World Cup 2010 tơi tả làm mất đi nhiều niềm tin về tài năng. Và cách hành xử, quản lý đang đặt Capello trước những dấu hỏi của dư luận. Ông không báo trước cho Ferdinand về quyết định đổi băng đội trưởng mà bắn tin sớm với báo giới trong lúc trợ lý của Capello là Franco Baldini còn khẳng định như định đóng cột với Ferdinand không hề có chuyện đó. Capello nói rằng sẽ gặp Ferdinand để nói chuyện trực tiếp khi dự khán trận M.U – Marseille ở Old Trafford. Nhưng hóa ra không có sự sắp xếp, hẹn hò nào cụ thể mà chỉ như tình cờ gặp Ferdinand ở khu ghế ban lãnh đạo. Không có gì quá đáng khi Ferdinand quyết định phớt lờ Capello, không thèm trò chuyện dù anh đã gọi điện cho Terry chúc mừng cũng như ủng hộ việc đồng đội này quay trở lại làm đội trưởng.
Cung cách đó của Capello biến câu chuyện về tấm băng đội trưởng từ bé xé ra to, thành một đề tài hấp dẫn cho giới truyền thông Anh vốn ưa làm đình đám mọi thứ. Họ xới lại tuyên bố trước đây của Capello rằng dưới thời ông, Terry sẽ “không đời nào” được làm đội trưởng nữa. Rõ ràng, trong câu chuyện rùm beng này, vấn đề uy tín của Terry không đáng quan tâm bằng uy tín của Capello. Gây lộn xộn dư luận lẫn tâm lý cầu thủ trước một trận đánh nhiều ý nghĩa là điều không nên xảy ra. ĐT Anh không phải đang thong dong ở vòng loại EURO 2012. Họ hiện kém Montenegro 3 điểm, đã bất lợi khi hòa trên sân nhà trước đối thủ này và dù đá ít hơn 1 trận, chiến thắng ở Cardiff là nhiệm vụ bắt buộc. Wales đang bét bảng, nhưng gặp Anh trên sân nhà sẽ là cuộc chiến mà họ sẽ chơi với tất cả tinh thần của một trận “derby”. Vậy mà thay vì tập trung cho sân cỏ, “Tam sư” đang chịu cảnh nháo nhào hậu trường.
Dấu hỏi về chiến lược
Nếu Capello khó đoán định bao nhiêu trong những vụ như băng đội trưởng, HLV này lại tỏ ra dễ bị “bắt vở” bấy nhiêu trên sân cỏ. Người từng dẫn dắt “Tam sư” là Glenn Hoddle mới đây đã chỉ trích nặng nề rằng nếu cứ cố chấp khăng khăng với 4-4-2, tuyển Anh sẽ không thể có được thành công nào ở đấu trường quốc tế.
Việc để Montenegro cầm hòa 0-0 ngay tại Wembley là một minh chứng rằng sau nỗi đau World Cup, Capello vẫn chưa có những thay đổi tích cực mới mẻ nào cho cuộc chinh phục tiếp theo. Vẫn là hình ảnh nhạt nhòa, thiếu quyết tâm và thiếu cả các chiến thuật gây bất ngờ cho đối thủ.
Nhiều ý kiến cho rằng cách tốt nhất để kết hợp cả Lampard lẫn Gerrard trong đội hình xuất phát là một sơ đồ 4-3-3 mà trên hàng công Rooney sẽ đóng vai trò trung tâm, lùi hơn một chút. Nhưng điều đáng nói hơn cả, cũng như cách Capello đang đặt cược uy tín của mình vào Terry, HLV này không chỉ bảo thủ với 4-4-2 mà với cả những cái tên quen thuộc.
Có quá ít thay đổi với thời Capello. Hãy nhìn việc Anh bị Đức loại cay đắng ở World Cup 2010. Đó là một “cỗ xe tăng” mới mẻ, đầy năng lượng. Trong khi đó, gánh nặng tìm kiếm vinh quang cho xứ sương mù bao lâu nay vẫn đặt lên những đôi vai cũ kỹ, kể cả khi các “thương hiệu” đó còn bị dư luận cho rằng không đủ thể lực hay chất lượng cho những cuộc chiến quan trọng. Hãy nhìn vào những trận giao hữu chuẩn bị cho World Cup 2010 của ĐT Anh. Các cầu thủ dự bị thường chỉ được tối đa 45 phút để thể hiện mình và rồi bước vào cuộc chơi chính thức, họ lại đóng vai những “du khách” bất đắc dĩ.
Thế hệ Terry, Ferdinand, Lampard, Terry… đã được trao nhiều cơ hội nhưng đã đánh mất. Giờ là lúc cần tập trung cho những nền tảng của tương lai như Theo Walcott, Jack Wilshere, Jack Rodwell, Matt Jarvis, Ashley Young, Andy Carroll… Vòng loại EURO 2012 là giai đoạn mà Capello cần dần dần tung thế hệ trẻ đó để tích lũy kinh nghiệm cũng như bản lĩnh thi đấu. Đó mới là điều người hâm mộ Anh cần lưu tâm hơn câu chuyện xôn xao về “Sư tử đầu đàn”.
87 Trong danh sách đội tuyển Anh được huấn luyện viên Fabio Capello triệu tập đợt này, Asley Cole là người có nhiều kinh nghiệm nhất với 87 lần khoác áo “Tam sư”. Tuy nhiên, vai trò của hậu vệ đang đá cho Chelsea này lại không thực sự cao. John Terry, người vừa được Capello trao lại băng đội trưởng, chỉ mới 67 lần ra sân trong màu áo “Tam sư”. |
Trung Sơn (theo TTVH)
Bình luận (0)