Bên cạnh những khó khăn khách quan, sai lầm về định hướng của đội bóng, cá nhân Benitez cũng chịu phần lớn trách nhiệm khi Inter xuống dốc mùa này và vì thế, phải trả giá bằng chính chiếc ghế HLV trưởng của ông.
Chiến lược tuyển mộ sai lầm. Cú ăn ba mùa trước đã tạo ra tâm lý tự mãn và chủ quan trong ban lãnh đạo Inter, khiến họ nghĩ rằng đội bóng đủ sức tiếp tục gặt hái các danh hiệu mà không cần phải bổ sung. Dự bị chiến lược Balotelli được thay bằng bộ đôi tài năng trẻ Coutinho và Biabiany. Coutinho là một tài năng lớn, nhưng ở tuổi 18, anh cần thêm thời gian để tích lũy kinh nghiệm. Biabiany thì bị đánh giá là không đủ trình độ để đáp ứng đòi hỏi khắc nghiệt ở một đội bóng lớn như Inter. Chính sự chủ quan của Inter đã cho phép Milan và, trong chừng mực nào đó, Juventus thu hẹp khoảng cách về trình độ. Hè vừa qua, Milan lần lượt được bổ sung Ibrahimovic, Robinho, Boateng. Juventus thì cũng kịp đưa về hai viện binh chất lượng cao là Krasic và Aquilani.
Những cầu thủ hạng xoàng như Biabiany không thể giúp Inter cải |
Sự lão hóa của đội ngũ cầu thủ. Inter dường như đang đi vào vết xe đổ của đại kình địch Milan năm 2007 – đặt niềm tin mù quáng vào độ ngũ giàn nua, bỏ qua việc trẻ hóa đội ngũ sau khi vô địch Champions League. Quá nửa đội hình chính Inter đều ngoài tuổi 30, một số trụ cột khác như Maicon, Eto’o đã ngấp nghé ngưỡng này (29). Khi không có những sự bổ sung thay thế xứng đáng, những trụ cột này vẫn phải cày ải và oằn mình với cả gánh nặng tuổi tác lẫn lịch thi đấu dày đặc, dẫn đến hệ quả tất yếu là thể lực suy kiệt. Maicon là ví dụ rõ nhất cho trường hợp này, khi tất cả chứng kiến anh luôn bị Gareth Bale cho ngửi khói trong các pha đua tốc độ ở hai trận đấu với Tottenham ở Champions League. Những cái tên khác như Milito, Chivu cũng chỉ còn là cái bóng của chính họ mùa trước.
Cái bóng quá lớn của Mourinho. Đã ra đi, nhưng dấu ấn và ảnh hưởng của “Người đặc biệt” ở Inter vẫn rất đáng kể. Tất cả còn chưa quên Materazzi, một cầu thủ nổi tiếng cứng đầu cứng cổ, đã ôm lấy Mourinho và khóc như mưa khi biết chuyện ông thầy chắc chắn ra đi sau trận chung kết Champions League với Bayern cuối mùa trước. Như Matereazzi, nhiều trụ cột ở Inter vẫn tôn thờ Mourinho, trong khi ông này lại luôn xem thường Benitez ở mọi khía cạnh. Truyền thông Italy thì liên tục so sánh Benitez với vị tiền nhiệm nổi tiếng, luôn đặt ra các câu hỏi về Mourinho trong các bài phỏng vấn, họp báo. Mourinho vì thế đã tạo ra một sức ép vô hình, nhưng khủng khiếp lên người đến sau.
Hệ lụy từ World Cup. Lịch thi đấu dày đặc khiến nhiều trụ cột của Inter phải thi đấu không dưới 50 trận mùa trước, nhưng không được nghỉ ngơi và tiếp tục phải vắt sức, phục vụ đội tuyển quốc gia của họ ở World Cup. Những đối thủ trực tiếp của Inter ở Serie A như Milan, Juventus hay Roma cũng gặp phải khó khăn tương tự, nhưng ở mức độ nhẹ hơn nhiều, do số cầu thủ của họ chinh chiến ở Nam Phi ít hơn. Trong số những cầu thủ Inter trở về từ World Cup 2010, chỉ có Eto’o và Lucio là giữ được phong độ.
Đánh mất động lực thi đấu. Khi thể lực suy kiệt và no nê vinh quang, khát vọng thi đấu có thể trở thành một vấn đề thực sự, nhất là với những cầu thủ đã lớn tuổi. HLV, khi đối mặt với thực trạng này, rất khó đòi hỏi những cầu thủ như thế chiến đấu bằng tất cả lòng nhiệt tình, sức lực như khi họ còn trẻ và chưa biết tới mùi vị các danh hiệu lớn. Bóng đá Italy từng chứng kiến cựu Tổng giám đốc Juventus Luciano Moggi giải quyết rất tốt bài toán động lực thi đấu này. Năm 1996, ngay sau khi Juventus vô địch Champions League (thắng Ajax ở chung kết), Moggi thay máu gần như triệt để, đưa về một loạt gương mặt mới. Juventus nhờ đó vẫn ổn định trên đỉnh cao – đoạt hai scudetto và vào tới trận chung kết Champions League hai mùa giải liên tiếp sau đó (thua Dortmund 1997 và Real Madrid 1998).
Vinh quang mùa trước khiến khát vọng chiến thắng của nhiều trụ cột |
Diego Milito và Sneijder xuống phong độ. Đây là hai cầu thủ hay nhất và có ảnh hưởng lớn nhất trong hành trình đoạt cú ăn ba của Inter mùa trước. Milito ghi bàn quyết định ở tất cả các trận đấu từ vòng knock-out Champions League trở đi, trong đó có cú đúp, đánh bại Bayern ở chung kết. Anh còn là chủ nhân của bàn thắng quyết định scudetto ở vòng đấu cuối cùng và bàn quyết định chiến thắng ở trận chung kết Cup Italy. Sneijder thì đem lại sức sáng tạo dạo dào từ tuyến giữa và là người kiến tạo trong rất nhiều tình huống Milito sút tung lưới đối phương. Nhưng sang mùa này, cả hai đều không thể tái hiện phong độ đỉnh cao ấy. Milito chậm chạp, lười di chuyển và đến giờ mới chỉ có 3 bàn trên mọi mặt trận. Tương tự, Sneijder cũng không duy trì được sức sáng tạo dạt dào như trước và cho đến giờ, vẫn chưa thể hiện được dấu ấn của anh ở Serie A.
Bão chấn thương. Benitez từng được cho là làm nghiêm trọng hóa các chấn thương để bào chữa cho sự sa sút của đội bóng mùa này. Trong hai trận thua liên tiếp dưới tay Milan rồi Chievo, Inter vẫn xuất phát với 7 vị trí là trụ cột mùa trước – con số được cho là chưa tới mức thảm họa như cách HLV người Bồ Đào Nha mô tả. Tuy nhiên, điều đó không phủ nhận khó khăn mà Inter và Benitez phải đối mặt bởi từng có thời điểm, hai phần ba số trụ cột phải ngồi ngoài dưỡng thương. Trong khi đó, vì không chịu bổ sung nhân sự, Inter không có những cầu thủ có thể tạo đột biến từ băng ghế dự bị.
Khoảng cách trình độ ở Serie A được thu hẹp. Phiên tòa xét xử tiêu cực hè 2006 đã góp phần tạo nên sự vượt trội về đẳng cấp, trình độ của Inter so với phần còn lại. Juventus phải xây dựng lại từ đống đổ nát, Milan chẳng có tiền để làm mới đội ngũ già nua của họ, trong khi Inter một mình một ngựa trên thị trường chuyển nhượng suốt 3 năm liền. Trong 3 mùa giải sau scandal tiêu cực, Inter gần như không có đối thủ tương xứng ở Serie A và không bất ngờ khi thâu tóm cả 3 scudetto. Nhưng từ mùa giải trước, khoảng cách trình độ này dần được thu hẹp, tính cạnh tranh của các đội bóng được cải thiện đáng kể. Đã qua rồi cái thời Inter xem việc gặt 3 điểm trên sân các đối thủ như Lecce hay Chievo dễ như lấy một món đồ trong túi. Các đối thủ trực tiếp của Inter đã hồi phục đáng kể, nhất là Milan, đội lần lượt đưa về những ngôi sao ở đẳng cấp thế giới như Ibrahimovic, Robinho hay Thiago Silva.
Quy luật về chu kỳ thành công. Một đế chế dù hùng mạnh đến mấy cũng phải có lúc suy yếu rồi sụp đổ và không gì tồn tại mãi mãi. Inter dường như đã đi hết một chu kỳ thành công, mở ra từ sau phiên tòa xét xử tiêu cực hè 2006 và Milan, hoặc Juventus, đang sẵn sàng để lấp đầy khoảng trống quyền lực mà Inter để lại ở Serie A. Với một đội ngũ đã quá hoặc cận kề ngưỡng 30 tuổi, với quá nhiều việc cần phải làm để đáp ứng các quy định khắt khe mới về tài chính và hạn mức về cầu thủ tự đào tạo trong đội hình mà UEFA đặt ra, giờ có lẽ là lúc Inter bắt đầu một thời kỳ mới, thời kỳ chuyển giao thế hệ và gầy dựng lại lực lượng, định hướng phát triển cho tương lai.
Benitez xuất hiện đúng vào thời điểm thoái trào của Inter sau thời gian thống trị Serie A. |
Sai lầm và những hạn chế của Benitez. Mourinho, sau quá nhiều thành công, mặc nhiên được thừa nhận như HLV hay bậc nhất thế giới. Thay thế một nhà cầm quân như thế, đương nhiên không hề dễ dàng. Nhưng thực tế cho thấy bản thân Benitez cũng đã mắc rất nhiều sai lầm tệ hại kể từ khi về với Inter. Thay vì kế thừa, phát huy các ưu điểm từ chiến thuật của người tiền nhiệm bên cạnh việc áp đặt một số ý tưởng của riêng ông, Benitez lại cố để tạo dấu ấn riêng của ông lên đội bóng. Lối chơi phòng ngự phản công quen thuộc được thay thế bằng phong cách tấn công, xem trọng việc kiểm soát bóng. Hàng phòng ngự được đẩy lên cao hơn, trong khi các tiền vệ công bị giới hạn hoạt động ở khu vực giữa sân, chứ không được phép thoải mái dâng cao, gây sức ép lên hàng thủ đối phương.
Benitez cũng không chiếm được cảm tình, sự tôn trọng từ các cầu thủ, tifosi lẫn ban lãnh đạo. Ông cô lập một số trụ cột, chẳng hạn như Milito, góp phần khiến họ bị ức chế và sa sút phong độ. Cách ông đối xử với Davide Santon cũng khiến Benitez mất thiện cảm đáng kể với những người xung quanh. Ông hoặc thử nghiệm cầu thủ tài năng này ở một loạt vị trí xa lạ với sở trường đá hậu vệ biên của anh, hoặc đơn giản, bắt Santon phải ngồi dự bị và trao suất đá chính cho những cầu thủ chưa hề có kinh nghiệm như Natalino. Rất nhiều bài học từ quá khứ cho thấy các HLV sẽ đối mặt với thảm họa thật sự một khi một khi không nhận được sự tôn trọng từ phía cầu thủ. Benitez rõ ràng không thuộc bài học này.
Cựu HLV Liverpool cũng thiếu những kỹ năng cần thiết để truyền cảm hứng, kích thích các cầu thủ chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo. So với một Mourinho luôn nhảy nhót, hò hét, làm đủ trò có thể để truyền lửa cho học trò, Benitez thụ động hơn nhiều. Ông chỉ đơn giản đứng khoanh tay, hoặc thất thần ngoài đường biên. Trong rất nhiều trận đấu quan trọng, khi đứng trước đòi hỏi phải thay đổi chiến thuật để tạo đột biến, Benitez cũng kém hơn nhiều so với vị tiền nhiệm. Các đối thủ thì chẳng đến mức quá ngây thơ để nhận ra thực tế này và dần dà, chẳng còn sợ hãi khi vào cuộc đấu với Inter.
Minh Kha (theo vnexpress)
Bình luận (0)