Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Chăm sóc trẻ sinh thiếu tháng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ ra đời trước 37 tuần thai tính từ ngày đầu của kỳ kinh nguyệt cuối cùng và nặng dưới 2 kilôgam lúc chào đời là sinh thiếu tháng hay sinh non.

I- Thế nào là trẻ sinh thiếu tháng ?
Do không đủ tháng, các cháu sinh ra rất yếu ớt, tỷ lệ bệnh tật và tử vong cao. Theo nhiều nhà khoa học, có nhiều nguyên nhân gây sinh thiếu tháng ở các bà mẹ, bao gồm các nguyên nhân do lối sống (hút thuốc lá, uống nhiều rượu, sống buông thả, làm việc trong môi trường ô nhiễm, áp lực cao, lao động nặng nhọc, stress kéo dài); do mắc một số bệnh (huyết áp cao, tiểu đường, viêm nhiễm phụ khoa, sản giật, tử cung hay cổ tử cung dị dạng); do tuổi tác ( mang thai sớm dưới 18 tuổi hoặc sinh đẻ muộn trên 40 tuổi). Gần đây, một số nhà khoa học còn cho rằng nguyên nhân gây sinh thiếu tháng là do di truyền.
Trẻ sinh thiếu tháng cần được đặc biệt quan tâm tới những chức năng sau:
1- Chức năng điều hòa thân nhiệt : Trẻ sinh thiếu tháng rất dễ bị hạ thân nhiệt, ngay cả khi thời tiết nóng bức. Nguyên nhân là lớp mỡ dưới da quá mỏng, khả năng sinh nhiệt kém, lại dễ mất nhiệt Trung tâm điều hòa thân nhiệt của trẻ sinh thiếu tháng hoạt động yếu. Nên nhiệt độ môi trường rất dễ khiến trẻ bị lạnh và phù cứng. Nếu để thân nhiệt trẻ xuống dưới 35 độ C có thẻ dẫn tới hàng loạt các biến chứng như suy hô hấp, tổn thương thần kinh và có khi gây xuất huyết não.
2-Chức năng hô hấp: Trẻ sinh thiếu tháng dễ bị suy hô hấp vì lồng ngực dễ biến dạng, cơ hoành yếu, phổi kém giãn nở, các phế nang chưa trưởng thành. Trong phổi trẻ sinh thiếu tháng thiếu chất tráng bề mặt (surfacetant) do phổi tiết ra để ngăn không cho phổi xẹp và ngăn ngừa rối loạn về hô hấp. Cấu tạo trung tâm hô hấp chưa hoàn chỉnh, gây khó khăn cho việc trao đổi khí. Suy hô hấp là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao ở trẻ sinh thiếu tháng.
3- Chức năng hệ thần kinh: Não trẻ sinh thiếu tháng chưa hoàn chỉnh, dễ bị tổn thương bởi những tác động tiêu cực của các hệ khác và trong trường hợp thiếu dưỡng khí. Gần đây, một số nhà khoa học tập trung nghiên cứu những yếu tố tác động tới sự phát triển của hệ thần kinh bào thai nhằm ngăn chặn những hậu quả tiêu cực sau này đối với trẻ sinh thiếu tháng. Nhóm các nhà khoa học thuộc Stanford University đã phát hiện ra hai loại hooc-môn có tác động tới sự phát triển hệ thần kinh bào thai, đó là progesteron – có tác dụng thúc đẩy sự phát triển các tế bào thần kinh và oksytocyna – có tác dụng bảo vệ các tế bào thần kinh. Nồng độ của hai kích thích tố này đạt mức cao nhất trong giai đoạn sắp sinh. Như vậy, khi trẻ sinh thiếu tháng sẽ thiếu hụt hai loại kích thích tố quan trọng này, có thể là nguyên nhân gây bệnh tự kỷ hoặc những khó khăn trong ứng xử và hòa nhập xã hội sau này.
II- Trẻ sinh thiếu tháng có đáng lo ngại ?
Trong những năm 40 của thế kỷ XX, những trẻ sinh thiếu tháng và có trọng lượng dưới 2 kilôgam bị coi là những đứa trẻ khó nuôi. Ngày nay, nhờ những tiến bộ của khoa học và những thiết bị hiện đại, trẻ sinh thiếu tháng không còn là vấn đề đáng lo ngại. Tháng 6 năm 2009 tại một bệnh viện tại thành phố Getynga (Đức) một bé trai sinh ra ở 25 tuần tuổi thai, có trọng lượng 275 gam (tương đương hai quả chuối). Tháng 9 năm 2004 tại bệnh viện ở Chicago (Mỹ) một bé gái chào đời ở 26 tuần tuổi thai có trọng lượng 244 gam. Những cháu này ra đời được coi là trẻ sinh thiếu tháng có trọng lượng thấp nhất trên thế giới được cứu sống. Tiến sĩ y khoa Magda Siporzynska, Giám đốc Viện trẻ em Ba lan cho biết, số trẻ sinh thiếu tháng từ 22-36 tuần tuổi tại Viện chiếm khoảng 15% tổng số trẻ sinh ra. Các cháu có trọng lượng từ dưới 1 kg đến dưới 2,5 kg; thậm chí không ít cháu cháu chỉ nặng 800 gam nhưng đều được cứu sống và lớn lên như bao đứa trẻ bình thường khác. Tuy nhiên, quá trình chăm sóc trẻ sinh thiếu tháng sẽ vất vả hơn, đòi hỏi sự kiên nhẫn và đầu tư thời gian nhiều hơn.
Việc dùng lồng ấp đối với các cháu sinh thiếu tháng là một tiến bộ của y học, đã giúp cứu sống hàng triệu cháu sinh non. Lồng ấp được coi như dạ con nhân tạo với đầy đủ các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm…giúp các cháu có sức tồn tại. Gần đây, các nhà khoa học Mỹ và Israel đã thiết kế chế tạo thiết bị tạo khói sương trong lồng ấp dã chiến có tên “BabyAir” . Đây được coi là một tiến bộ mới trong việc nuôi dưỡng các cháu trong lồng ấp, tạo thuận lợi trong việc cung cấp dưỡng khí, thuốc men cho các cháu cả khi chúng đang ngủ.
III- Cách thức chăm sóc
“Các nhà khoa học có công cứu sống những cháu sinh thiếu tháng, nhưng việc nuôi dưỡng chúng, để có trí tuệ như những cháu sinh đầy tháng là nhiệm vụ của người mẹ” – tiến sĩ Anna Bern, nhà thần kinh học trẻ em thuộc Stanford University khẳng định. Trong hội thảo về trẻ thiếu tháng tổ chức tại Thụy Điển, nhiều nhà khoa học cho rằng, vật lý trị liệu, trong đó có phục hồi chức năng do chính các bà mẹ thực hiện là liệu pháp duy nhất giúp các cháu bù đắp những thiệt thòi về mặt trí tuệ do sinh thiếu tháng. Là những liệu pháp đòi hỏi lòng kiên nhẫn, tình yêu thương và thời gian – nhưng đem lại hiệu quả.
Nhiều bà mẹ sau sinh con thiếu tháng có tâm trạng hoảng hốt, lo sợ về số phận con mình, nhiều người rơi vào trạng thái trầm cảm, phiền muộn, lo lắng. Nhiều bà mẹ lại phó mặc cho bệnh viện trong việc chăm sóc con cái mình trong những tháng đầu sau sinh. “Đấy là những cách hành xử sai lầm, vô hình dung đẩy con mình vào tình cảnh trầm trọng hơn” – tiến sĩ Anna Bern giải thích. Hơn lúc nào hết, các cháu sinh thiếu tháng rất cần bàn tay nâng niu, yêu thương, âu yếm hàng ngày của người đã sinh ra chúng. Một số nhà tâm lý học cho rằng, việc chăm sóc các cháu sinh thiếu tháng phải giống như việc nuôi con của các chú chuột túi Châu Úc, lúc nào cũng để con trong túi trước ngực.
Các nhà khoa học Mỹ thuộc Stanford University phát hiện ra rằng, ở những cháu bé thường xuyên được mẹ âu yếm, ôm ấp nồng độ hai kích thích tố progesteron và oksytocyna cao hơn hẳn so với các cháu ít được mẹ âu yếm, ôm ấp. Các nhà khoa học gọi chúng là “hooc-môn của sự âu yếm”. Trong thời gian mới sinh, những kích thích tố này đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành hệ thần kinh hoàn chỉnh.
+ Mát xa nhẹ nhàng cho trẻ : Đây là liệu pháp rất cần thiết đối với trẻ sinh thiếu tháng. Người mẹ phải thường xuyên vuốt ve, xoa nhẹ toàn bộ cơ thể chúng, vừa mát xa vừa trò chuyện, hát cho cháu nghe những bài hát ru con đó là liệu pháp nuôi dưỡng các cháu sinh thiếu tháng được chỉ định. Tiến sĩ Teresa Kaszpszak thuộc Viện Trẻ em Ba lan cho biết, xoa bóp nhẹ nhàng toàn cơ thể trẻ là cách thức truyền cảm mạnh mẽ nhất của tình yêu người mẹ tới con cái, nó tăng cường mối liên kết cảm xúc giữa mẹ và con, giúp mẹ, con gần gũi nhau hơn.
Theo GS Teresa Kaszpszak, xoa bóp thường xuyên cho trẻ phát huy những tác dụng chủ yếu : giúp bộ máy hô hấp của trẻ hoạt động tốt hơn; nâng cao khả năng đề kháng của cơ thể; dẩy nhanh quá trình trao đổi chất và đào thải những độc tố qua da; kích thích cơ bắp của trẻ phát triển; chống táo bón và giúp trẻ có giấc ngủ ngon hơn.
+ Cho trẻ bú sữa mẹ : Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất không chỉ đối với trẻ sinh thiếu tháng. Tuy nhiên việc bú sữa mẹ đối với trẻ sinh thiếu tháng không dễ dàng bởi cơ miệng của chúng rất yếu, không đủ sức để hút sữa. Điều này đòi hỏi người mẹ phải kiên nhẫn, không nản lòng. Khi các cháu bỏ bú, không có nghĩa là các cháu không muốn bú nữa hay đã no bụng – mà chính là nguyên nhân các cháu không có sức để bú. Các bà mẹ cần hiểu được điều đó để có cách dỗ dành thích hợp Theo tiến sĩ Teresa Kaszpszak, việc cho con bú không chỉ là công việc cung cấp chất dinh dưỡng cho trẻ, mà điều quan trọng hơn là trẻ nhận được hơi ấm từ người mẹ, được cảm nhận tình cảm ấm áp của người mẹ. Nhà khoa học nói thêm: “Đừng lầm tưởng rằng, trẻ sơ sinh không biết gì. Thực chất, các cháu là những chiếc “hàn thử biểu” rất nhạy cảm đối với môi trường xung quanh, đối với cách hành xử của người sinh ra chúng”.
Theo Phạm Quang Thiều
Tri Thức Trẻ

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)