Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Thai phụ thiếu vitamin D, con dễ bị đa xơ cứng

Tạp Chí Giáo Dục

Một nghiên cứu mới cho thấy thai phụ không nhận đủ ánh sáng mặt trời sẽ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đa xơ cứng sau này ở trẻ, theo Daily Mail.
Theo các nhà nghiên cứu, mức độ vitamin khác nhau ở thai phụ có thể ảnh hưởng hệ thần kinh trung ương và hệ miễn dịch của trẻ. Vitamin D trong máu của thai phụ chủ yếu có được từ việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.

Phụ nữ cần hấp thu ánh sáng mặt trời trong thời kỳ mang thai – Ảnh: Shutterstock

Nghiên cứu cho thấy nguy cơ phát triển bệnh đa xơ cứng (MS – bệnh của hệ thần kinh gây tê liệt dần dần) sau này cao hơn 5% ở những trẻ sinh ra trong tháng 4 – 5.
Trong khi đó, nguy cơ phát triển bệnh đa xơ cứng ít hơn 10% đối với các trẻ sinh ra trong tháng 10 – 11.
Tiến sĩ Sreeram Ramagopalan, Đại học Queen Mary (Anh) và các đồng nghiệp, cho biết khoảng 90% phụ nữ thiếu hụt vitamin D trong những tháng mùa đông là nguyên nhân gây nên bệnh đa xơ cứng ở trẻ sau này.
Nghiên cứu còn cho thấy bệnh tiểu đường, hen suyễn và bệnh tim đe dọa tính mạng ở trẻ cũng liên quan đến mức vitamin D thấp khi còn trong giai đoạn bào thai.
Tác giả nhấn mạnh, bổ sung 1.000 IU (đơn vị quốc tế) Vitamin D mỗi ngày ở thai phụ sẽ giúp giảm tỷ lệ mắc căn bệnh này ở trẻ.
Nghiên cứu được xuất bản trên chuyên san Journal of Neurology, Neurosurgery and Psychiatry.
Theo TNO

 

Bình luận (0)