Gần 31% công nhân ở TPHCM mắc bệnh tai mũi họng; hơn 23% bệnh về mắt và gần 45% mắc bệnh phụ khoa, u xơ cổ tử cung, buồng trứng…
Tổ chức Lao động Quốc tế đã ban hành 54 nhóm bệnh nghề nghiệp được công nhận, còn Bộ Y tế Việt Nam mới chỉ công nhận 28 bệnh nghề nghiệp . |
Đó là kết quả khảo sát của Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe lao động và Môi trường TPHCM. Ngoài ra còn nhiều loại bệnh nghề nghiệp khó chữa tiềm ẩn trong môi trường làm việc ở nhiều công ty, đơn vị.
Sức khỏe công nhân giảm sút
Làm công nhân (CN) cơ khí ở quận Tân Bình chưa đến 2 năm nhưng gần đây, anh L.V.L (37 tuổi, ngụ Khánh Hòa) hơi bị “nặng tai”.
Mỗi lần nói chuyện với bạn bè, anh phải hết nghiêng tai trái rồi nghiêng tai phải để lắng nghe, trong khi người đối diện phải nói như quát. Đi khám chuyên khoa tai mũi họng, các bác sĩ xác định L. đang mắc bệnh giảm thính lực giai đoạn nặng do ảnh hưởng tiếng ồn công nghiệp.
“Nhiều đêm nằm ngủ cứ nghe ro ro bên tai nhưng đâu nghĩ rằng mình bị căn bệnh này” – anh L. lo lắng.
Chị T.T.C.N (27 tuổi, ngụ Đắk Lắk) sau bao năm làm CN ngành may nay phải về quê dưỡng bệnh do vừa mổ u nang buồng trứng. Gần 5 năm qua, mỗi ngày chị làm 8 giờ, chưa kể tăng ca, không đi khám sức khỏe. Gần đây, chị thấy mệt mỏi, đi bệnh viện mới biết mình bị mắc bệnh.
Mới công nhận 28 bệnh nghề nghiệp
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã ban hành danh mục gồm 54 nhóm bệnh nghề nghiệp. Theo đó, ở Pháp có 88 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm, Trung Quốc có 102, ở Việt Nam mới có 28 bệnh nghề nghiệp được Bộ Y tế công nhận. Như vậy, danh mục bệnh nghề nghiệp ở Việt Nam còn phải bổ sung rất nhiều cũng đồng nghĩa với sức khỏe CN chưa được quan tâm đúng mức.
|
Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Tiến, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe lao động và Môi trường TPHCM, tình trạng chủ cơ sở chưa quan tâm đến môi trường làm việc, khám sức khỏe định kỳ cho CN, đặc biệt CN làm việc trong môi trường độc hại còn phổ biến.
Qua thăm khám trên 600.000 lượt CN tại TPHCM, các bác sĩ phát hiện hơn 30% mắc bệnh tai mũi họng, hơn 23% bệnh về mắt (tật khúc xạ, viêm kết mạc, mắt hột), gần 10% bệnh tiêu hóa (loét dạ dày, gan mật) và gần 45% lao động nữ mắc các bệnh phụ khoa như u xơ cổ tử cung, u nang buồng trứng…
Chưa kể hàng ngàn trường hợp bị điếc, sạm da, nhiễm độc chì, hóa chất, bụi phổi silic. Sức khỏe CN loại I, loại II giảm sau mỗi năm đồng thời tăng tỉ lệ sức khỏe loại IV và loại V (loại rất kém).
Trong khi đó, khảo sát của Viện Vệ sinh Y tế công cộng TPHCM tại 3 doanh nghiệp (DN) khu vực phía Nam (TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai) với hơn 1.000 CN may công nghiệp cũng chỉ ra những con số đáng giật mình: 93% CN bị mệt mỏi sau lao động, hơn 80% đau mỏi cơ, xương khớp tại thắt lưng, vùng cổ và bả vai…
Bác sĩ Đinh Quang Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng – Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM, cho biết hiện trong số bệnh nhân đến khám thì nhóm bệnh nhân tuổi từ 30-40 xuất hiện ngày càng nhiều, trong đó 50% đối tượng là CN, người lao động.
Nhiều bệnh mạn tính nguy hiểm
Theo Bộ Y tế, những năm gần đây, các bệnh nhân về đường hô hấp tăng cao. CN là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp khi môi trường không khí của khu vực sản xuất bị ô nhiễm. Thường mắc nhất là các bệnh hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, mắt, bệnh ngoài da và một số hiện tượng ngộ độc CO, SO2, chì.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo trong quá trình làm việc, ngoài các bệnh nói trên, rất nhiều CN, đặc biệt là ngành may, còn mắc những căn bệnh nguy hiểm mà nếu không được phát hiện sớm sẽ trở thành mạn tính, khó chữa, chẳng hạn như bệnh bụi phổi do hít phải sợi đay, gai, bông.
Rất nhiều CN ngành may mắc bệnh mà không hay biết. Việc điều trị bệnh này chỉ nhằm phòng ngừa, khi chuyển giai đoạn mạn là không thể điều trị dứt.
Ông Trần Bảo Chính, cán bộ Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe lao động và Môi trường TPHCM, cho rằng vi phạm về an toàn vệ sinh lao động còn rất phổ biến. Đáng lo ngại là CN luôn phải đối mặt tình trạng nhiệt độ, ánh sáng, độ ồn…không đạt chuẩn cho phép. Khảo sát từ năm 2007 tới nay trên 6.500 cơ sở, DN tại TPHCM phát hiện không đạt chuẩn về nhiệt độ chiếm tỉ lệ cao nhất (trên 32%), tiếng ồn (28,97%), ánh sáng (24,01%), hơi khí độc (2,22%)…
Môi trường lao động bị lãng quên
Theo nhận định của Hội Y học Lao động, hiện nay môi trường lao động đang bị lãng quên. TP hiện có khoảng 2 triệu lao động làm việc tại khoảng 75.000 DN nhưng số DN không thực hiện đo kiểm môi trường lao động còn rất nhiều.
Theo quy định, các DN phải tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho CN 6 tháng/lần hoặc 1 năm 1/lần. Tuy nhiên, tỉ lệ đơn vị thực hiện việc này là quá thấp, chủ yếu người lao động “tự bơi”.
Các kiến nghị của nhiều chuyên gia cho rằng cần tăng cường thanh tra chuyên ngành vệ sinh lao động tại TP, hoàn chỉnh pháp lý về môi trường, khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp.
Đối với chủ DN, phải thực hiện nghiêm quy định về an toàn vệ sinh lao động, trang bị đầy đủ, phù hợp và giám sát dụng cụ bảo hộ lao động…
Theo Nguyễn Thạnh
Người Lao Động
Người Lao Động
Bình luận (0)