20 năm qua, cả nước chỉ có hơn 720 trường hợp được ghép tạng
Tại hội thảo chuyên ngành ghép tạng ngày 20-11, PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện (BV) Việt Đức, cho biết tại BV Việt Đức cũng như ở nhiều BV khác của Việt Nam, kỹ thuật ghép tạng không hề thua kém bất cứ nước nào trên thế giới.
Sống khỏe sau ghép tạng
Đáng nói là cùng với kỹ thuật ấy, người bệnh ở Việt Nam được hưởng lợi hơn rất nhiều bởi chi phí rẻ. Ở các nước trong khu vực, chi phí ghép thận khoảng 700-800 triệu đồng, còn tại BV Việt Đức, người bệnh chỉ tốn 200-230 triệu đồng. Chi phí một ca ghép gan khoảng 1,5 tỉ đồng, trong khi ở các nước trên thế giới từ 4-5 tỉ đồng.
Bà Nguyễn Thị Nhâm (53 tuổi, ở Phú Thọ) là trường hợp ghép gan người lớn đầu tiên của BV Việt Đức – được thực hiện vào năm 2007. Theo bà Nhâm, sau ghép dù không làm được những việc nặng nhưng sức khỏe khá ổn định. “Với tôi, 5 năm qua là quãng thời gian vô cùng quý giá của cuộc đời. Người cho gan ngày ấy là cháu trai tôi (SN 1975). Hiện cháu tôi đã lập gia đình, có con, sức khỏe rất tốt” – bà Nhâm nói. Còn ông Vũ Văn Tiền, 54 tuổi ở Hà Nội, sau hơn 1 năm được ghép gan thành công từ người chết não, hiện sức khỏe ông khá tốt.
Ghép tim cho bệnh nhân suy tim tại Bệnh viện Việt Đức. (Ảnh do Bệnh viện Việt Đức cung cấp)
GS-TS Lê Trung Hải, Phó Giám đốc BV 103, cho hay trường hợp được ghép tạng lâu nhất đến nay là 19 năm với sức khỏe và thận ghép tốt. Nhiều quả thận của bệnh nhân được ghép tại BV vẫn hoạt động tốt và sức khỏe người cho thận vẫn bình thường.
Thiếu nguồn tạng
Theo PGS-TS Quyết, kinh phí và nguồn tạng thiếu thốn là nguyên nhân cản trở việc ghép tạng tại Việt Nam. Việt Nam bắt đầu ghép thận từ năm 1992, đến nay có 12 đơn vị tiến hành ghép thận, trong đó có 5 đơn vị ghép gan và 3 đơn vị ghép tim. Tuy nhiên, số bệnh nhân được ghép còn rất khiêm tốn với gần 700 bệnh nhân được ghép thận, 27 bệnh nhân được ghép gan và 7 bệnh nhân ghép tim.
“Nhu cầu ghép thận ở Việt Nam vào khoảng 8.000 người và 1.500 người có chỉ định ghép gan nhưng số lượng bệnh nhân được ghép lại quá ít. Điều này không phải do chúng ta không có khả năng ghép tạng mà là không có đủ người hiến tạng” – ông Quyết phân trần.
PGS-TS Quyết cho hay nguồn tạng từ người cho chết não tại Việt Nam rất nhiều, chủ yếu từ số bệnh nhân bị tai nạn giao thông tử vong do chấn thương sọ não. Mỗi năm, BV Việt Đức có gần 1.000 bệnh nhân chết não vì chấn thương sọ não, tại BV Chợ Rẫy là 1.000-1.500 người. Luật Hiến mô, tạng được thông qua năm 2006 nhưng do quan niệm “chết phải toàn thây”, nhiều người chưa hiểu đúng ý nghĩa của việc làm này nên không đồng ý cho tạng.
Còn PGS-TS Đồng Văn Hệ, Trưởng Phòng Nghiên cứu khoa học (BV Việt Đức), cho biết nhiều gia đình sau một thời gian dài vận động đã đồng ý hiến tạng nhưng sau lại đổi ý. Thậm chí đã có trường hợp khi người đó còn sống, họ tình nguyện hiến tạng khi chết nhưng khi họ qua đời, gia đình lại không đồng ý hiến tạng. Theo PGS-TS Quyết, nhờ những ca hiến tạng, tại BV đã có 5 bệnh nhân được ghép tim, 8 bệnh nhân được ghép gan, 2 trường hợp ghép van tim và 23 người được ghép thận từ người cho chết não.
Một người hiến tạng cứu được nhiều người
PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết cho biết, BV Việt Đức đang thiết lập hệ thống mạng lưới tư vấn hiến, ghép tạng từ người cho chết não hoặc từ người ngừng tim cho người cần ghép tạng. Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống nhiều người. BV Việt Đức đã nhiều lần cùng lúc lấy – ghép đa tạng (tim, gan và ghép 2 thận) cho người suy tạng có chỉ định ghép. Hai giác mạc của người chết não cũng đã được BV Mắt Trung ương tiếp nhận để ghép cho 2 bệnh nhân mù giúp họ tìm lại ánh sáng.
Theo NLĐ
Bình luận (0)