Hiện nay, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt ngưỡng an toàn trên các loại rau, củ, quả ở Việt Nam khoảng 7-8%, ở mức trung bình trong khu vực. Tuy nhiên, gần đây, vấn đề ngộ độc thực phẩm có dấu hiệu gia tăng, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ để lựa chọn thực phẩm an toàn.
Cục trưởng BVTV Nguyễn Xuân Hồng kiểm tra vùng sản xuất rau an toàn ở Lĩnh Nam, Hoàng Mai (Hà Nội). |
Vượt ngưỡng 7-8%
Theo Cục BVTV (Bộ NN&PTNT), hiện nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm (ATTP) trên rau, củ, quả tươi là dư lượng thuốc BVTV, kim loại nặng, vi sinh vật, và hàm lượng nitơrat (NO3).
Trong đó, đáng lưu ý là dư lượng thuốc BVTV, vì hiện Việt Nam có 400 hoạt chất thuốc BVTV, mỗi hợp chất đều quy định với từng loại cây trồng, liều lượng khác nhau.
Qua Chương trình giám sát quốc gia mấy năm nay, Cục BVTV cho biết, tỷ lệ mẫu rau, củ, quả có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng chiếm 7-8%. Liều lượng này ở mức trung bình so với thế giới, thậm chí thuộc loại khá trong khu vực.
Chẳng hạn, ở Thái Lan, dư lượng thuốc BVTV trên rau quả khoảng 10%, Malaysia từ 6-7 đến 12%; còn Trung Quốc phổ khá rộng, từ 2 đến 20% tùy từng loại, từng vùng.
Về lo ngại rau quả nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc có dư lượng chất bảo quản, thuốc BVTV lớn, bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Kiểm dịch Thực vật vùng VII (thuộc Cục BVTV, tại Lạng Sơn) cho biết, từ đầu năm tới nay, Chi cục đã lấy 510 mẫu các loại rau quả có nguy cơ cao, như táo, lê, quýt, lựu, nho, súp lơ, hành tây…để phân tích.
Kết quả cho thấy, hơn một nửa mẫu phát hiện có dư lượng thuốc BVTV, nhưng nằm trong ngưỡng cho phép. Có 3 mẫu dư lượng vượt mức (trên cam, quýt, mận quả tươi), chi cục đã thông báo cho doanh nghiệp để kiểm tra nguồn gốc, lực lượng kiểm dịch gác chặt, nên nhiều tháng nay không phát hiện lô nào vi phạm.
Tại cửa khẩu Lào Cai, đơn vị kiểm dịch vùng VIII cho biết, từ đầu năm tới nay, phát hiện 8 trường hợp hàng nhập từ Trung Quốc vi phạm về ATTP (trên nho và lựu), bắt tái xuất 2 lô.
Sau khi siết chặt về ATTP, các doanh nghiệp đã chủ động sang tận vùng trồng bên Trung Quốc để kiểm soát đầu vào, vì nếu bị tái xuất, chủ hàng Việt Nam sẽ bị thiệt.
Tuy nhiên, gần đây số vụ mất ATTP có xu hướng gia tăng. Theo Cục ATTP (Bộ Y tế), chỉ 11 tháng đầu năm nay, cả nước có 164 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 5.400 người mắc, trong đó có 33 người đã tử vong.
So cùng kỳ năm ngoái, số vụ ngộ độc tăng 23 vụ, số người mắc tăng gần 1.000 người, số người tử vong tăng 7 trường hợp. Lãnh đạo Cục ATTP cho biết, dịp Tết tới đây, Bộ Y tế sẽ thành lập 8-10 đoàn, phối hợp để thanh kiểm tra về ATTP ở các địa phương.
Ăn gì để tránh ngộ độc?
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng BVTV cho biết, để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm, người tiêu dùng nên mua thực phẩm ở cửa hàng được chứng nhận là cơ sở sản xuất, kinh doanh rau củ quả an toàn.
Ở đó, người bán hàng chịu trách nhiệm về chất lượng, nguồn gốc, thương hiệu của sản phẩm và được cơ quan quản lý kiểm tra, giám sát theo quy định.
Ông Hồng khuyến cáo người tiêu dùng nên thay đổi thói quen “bạ đâu mua đấy”, lựa chọn địa chỉ đáng tin cậy; không nên ăn quả trái vụ, hoặc loại rau quả có đặc tính nhiều sâu bệnh (như quả anh đào, dâu tây…) có thể bị phun thuốc nhiều.
Khi mua, nếu thấy tình trạng bất thường như lá to xanh nõn, có thể “ăn” lắm đạm, hay khi mua giá đỗ thì phải có rễ, thân, lá; ăn những loại hoa quả có vỏ (như bưởi…); loại hoang dại như bí đỏ, bí xanh, chuối…độ an toàn cao hơn.
Theo chuyên gia về BVTV, khi ăn các loại rau cần rửa sạch, bóc vỏ, nhặt kỹ. Chẳng hạn, cải bắp nên bỏ đi ba lá bên ngoài, rồi rửa sạch, thậm chí chần qua nước ấm, hoặc nước muối để hạn chế thuốc BVTV.
Để hạn chế ngộ độc, thực phẩm nên nấu chín, vừa giảm dư lượng thuốc BVTV, vừa tiêu diệt vi sinh vật.
Trên thế giới, tỷ lệ các vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng là do vi sinh vật chiếm một nửa, khoảng 25% là do độc tố tự nhiên (như nấm độc, măng độc…), và 25% còn lại là hóa chất thuốc BVTV, và hóa chất khác.
Lãnh đạo Cục BVTV cũng đề xuất, nên xây dựng đội ngũ tình nguyện viên về ATTP, họ là tai mắt, vừa là người tuyên truyền cho cộng đồng, có đường dây nóng về ATTP.
Trong dự thảo Luật BVTV đang làm, sẽ bổ sung mỗi xã có một cán bộ quán xuyến vấn đề BVTV tại xã. Đồng thời, ở mỗi xã nên thành lập đội dịch vụ BVTV.
“Tổ này như bác sĩ, họ kiểm tra đồng ruộng để bắt bệnh, nếu thấy có vấn đề, họ biết phun thuốc gì, liều lượng, thời gian phun ra sao cho an toàn, người dân chỉ việc trả tiền dịch vụ” – ông Hồng nói.
Phạm Anh
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)