Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Muộn nhưng không trễ

Tạp Chí Giáo Dục

Vài ngày qua, báo chí đưa tin ngoại trưởng Mỹ Harry Rodman Clinton nhập viện với chẩn đoán “máu đông trong đầu” (nguyên văn) và cho biết trước đó khoảng một tháng bà ngã va đầu vì ngất xỉu trong lúc đi công cán. Liên tưởng đến một bệnh cảnh thường gặp trong chuyên khoa, xin nói một chút về một trong những hậu quả muộn của chấn thương gây tụ máu trong đầu.

Thuật ngữ y học gọi đây là “máu tụ mạn tính trong hộp sọ”, một bệnh cảnh có hiện tượng máu chảy trong hộp sọ, thường gặp là dưới màng não (y học: dưới màng cứng). Nhiều nghiên cứu cho thấy các mạch máu liên nối trong hộp sọ khi bị đứt vỡ có thể do nhiều nguyên nhân và cơ chế khác nhau, với một chu kỳ phân huỷ sinh học phức tạp của các thành phần máu sau đó, khối máu tích tụ dần theo thời gian sẽ tăng thể tích gây triệu chứng chèn ép não.
Ai có nguy cơ?
Theo các y văn trên thế giới cũng như tại Việt Nam, hơn 85% bệnh nhân bị máu tụ mạn tính trong hộp sọ khi thăm hỏi bệnh cho biết trước đó một thời gian ngắn từ một, hai tuần đến một, hai tháng có bị va chạm đầu (nhẹ, thường ít chú ý) hoặc chấn thương đầu (mức độ vừa, có thể đã phải sơ cứu tại bệnh viện).
Mọi lứa tuổi đều có thể bị máu tụ mạn tính trong hộp sọ, nhưng thường gặp nhất ở tuổi trung niên trở lên. Người có thói quen nghiện rượu, thuốc lá, người cao tuổi, có bệnh lý cao huyết áp, xơ vữa mạch máu, bệnh lý gây teo não, bệnh lý rối loạn đông máu, dùng kháng đông cho điều trị một bệnh nội khoa khác… thuộc nhóm có nguy cơ.
Biểu hiện của bệnh
Tuỳ theo vị trí và thể tích khối máu tụ trong hộp sọ chèn ép não mà triệu chứng hay dấu hiệu có khác nhau. Biểu hiện sớm nhất thường gặp là nhức đầu kéo dài và tăng dần dù đã dùng thuốc giảm đau. Triệu chứng yếu tay hoặc chân hoặc cả hai thường từ từ biểu hiện như đi lại khó khăn, khó điều khiển tứ chi trong sinh hoạt theo ý muốn. Có thể là sự trầm cảm, thờ ơ hay giảm trí nhớ, hiếm hơn là một cơn co giật như triệu chứng báo động.
Đôi khi cũng có những biểu hiện triệu chứng vay mượn (sốt, bỏ ăn, buồn nôn…) khiến người bệnh cũng như thầy thuốc chủ quan. Ở giai đoạn bệnh tiến triển rõ, bệnh nhân thường nhập viện vì lý do giảm tri giác (hôn mê).
Bệnh được chẩn đoán và điều trị thế nào?
Hơn 85% bệnh nhân bị máu tụ mạn tính trong hộp sọ khi thăm hỏi bệnh cho biết trước đó một thời gian ngắn từ một, hai tuần đến một, hai tháng có bị va chạm đầu nhẹ hoặc chấn thương đầu mức độ vừa. Biểu hiện sớm nhất thường gặp là nhức đầu kéo dài và tăng dần dù đã có dùng thuốc giảm đau.
Với một thăm khám lâm sàng kỹ lưỡng, một bệnh sử được hỏi rõ ràng, người thầy thuốc không bỏ qua ý nghĩ về bệnh trong tầm soát chẩn đoán, kết hợp với các phương tiện chẩn đoán bằng hình ảnh hiện nay, máu tụ mạn tính trong hộp sọ là bệnh cảnh không khó chẩn đoán!
Điều trị máu tụ mạn tính trong hộp sọ khi đã gây chèn ép não thường phải phẫu thuật. Khoan mở hộp sọ để tháo lưu bơm rửa máu tụ ra ngoài, giải phóng chèn ép não là phương cách điều trị. Một số ít những trường hợp lượng máu tụ không nhiều, hoặc bệnh nhân có bệnh trạng đặc biệt kèm theo, cũng có thể theo dõi và điều trị nội bước đầu theo chỉ định của thầy thuốc tại cơ sở chuyên khoa. Hiện nay, đa số bệnh viện lớn tại TP.HCM cũng như hầu hết các bệnh viện đa khoa các tỉnh thành phía Nam đều có bác sĩ chuyên khoa đảm trách điều trị phẫu thuật biến chứng này. Một vấn đề thường gặp là người bệnh đến bệnh viện ở giai đoạn muộn. Khi tri giác đã giảm do khối máu tụ chèn ép não đã lâu, việc điều trị và hồi phục sẽ khó khăn hơn. Khi bệnh cảnh đã gây hôn mê sâu, bệnh nhân có thể tử vong.
Dẫu sao, đừng quá lo lắng!
Tất cả chúng ta không nên quá lo lắng, bởi chỉ dưới 5% các trường hợp có chấn thương đầu và nhóm người có nguy cơ có thể diễn tiến bị máu tụ mạn tính trong hộp sọ. Thường thức về y học phổ thông giúp chúng ta hiểu biết về bệnh tật để quan tâm hơn về sức khoẻ chính mình.
Chúng ta nên chấp hành tốt luật Giao thông, thực hành đúng quy tắc an toàn trong lao động, hạn chế va chạm trong mọi sinh hoạt thường ngày để bảo vệ vùng đầu sọ. Đi khám bệnh sớm khi có triệu chứng hay dấu hiệu bất thường kéo dài, theo chỉ dẫn và hợp tác tốt trong các bước chẩn đoán và điều trị với thầy thuốc là cần thiết để đạt hiệu quả điều trị.
TS.BS Huỳnh Lê Phương
SGTT.VN 

 

Bình luận (0)