Vào mùa xuân, áo mặc cần đủ ấm, không để lạnh gây tổn dương khí. Dùng thực phẩm có tính cay ấm để tán được biểu tà (ngoại cảm phong hàn). Nên ăn uống thanh đạm để giúp tỳ vị không tổn hại.
Dưỡng sinh 3 tháng đầu năm
Theo lương y Phạm Như Tá, thời tiết của mỗi mùa khác nhau. Chẳng hạn, với mùa xuân thì khí hậu ấm áp, dương khí thăng phát. Thuyết Thiên nhân tương ứng của người xưa có nói rằng, dưỡng sinh của con người cần theo thời lịch của trời đất; không chỉ ăn uống phù hợp với nhu cầu, có tiết độ, làm việc có nghỉ ngơi chừng mực, thức ngủ có giờ giấc, mà việc dưỡng sinh, ăn uống còn phải thích nghi khí hàn nhiệt ôn lương của thời tiết…
Tỏi – Ảnh: Hạ Huy |
Củ hành ta – Ảnh: K.Vy |
Đậu đỏ – Ảnh: K.Vy |
Cải bẹ xanh – Ảnh: K.Vy |
3 tháng của mùa xuân, dương khí lạnh, thời tiết ấm áp, vạn vật phát triển tươi tốt. Với người xưa, phương pháp dưỡng sinh trong những tháng này là: thức dậy sớm hơn thường lệ, rảo bước quanh thềm nhà, đi bộ chậm rãi, ý (suy) nghĩ hiền hòa (không có suy nghĩ oán trách hay trừng phạt ai), tâm không biến thì sẽ tốt hơn cho sức khỏe. Còn nếu làm trái lại sẽ tạo cơ hội cho tà khí từ ngoài dễ xâm nhập vào cơ thể, các tạng phủ, sẽ gây bệnh.
Bài thuốc hay
Ngày tháng đầu năm thường rảnh rỗi, vui chơi nhiều, gặp trời nhiều nắng, cơ thể dễ bị cảm mạo do thời tiết. Theo lương y Phạm Như Tá, lúc này chúng ta có thể dùng các loại thực phẩm dễ kiếm để chữa cảm:
– 5 củ hành ta, bỏ vỏ, cắt lát, đập dập; 100 gr đậu đỏ đem sao (rang) hơi vàng; rễ sắn dây xắt lát mỏng. Cho tất cả vào nồi đất cùng 4 chén nước, nấu lửa nhỏ còn lại 1 chén, chia làm 2 lần dùng trong ngày. Bài thuốc này giúp ra mồ hôi, làm thông dương khí, tán hàn tà, dùng khi mới bị cảm mạo.
– 20 củ hành ta, bỏ vỏ, đập dập; 10 củ tỏi nhỏ, bỏ vỏ, giã nhuyễn. Cho cả 2 loại vào nồi cùng 2 lít nước, nấu lửa nhỏ còn lại 1 lít, dùng 2-3 lần trong ngày, có tác dụng tốt đối với những trường hợp cảm mạo kèm đau đầu, nhảy mũi, mỏi người.
– 50 gr rễ cỏ lau, rửa sạch, cắt đoạn vừa; 50 gr cải bẹ xanh, rửa sạch, cắt đoạn ngắn; 10 gr củ hành ta, bỏ vỏ, đập dập. Cho tất cả vào nồi cùng 4 chén nước, nấu còn lại 1,5 chén, chia uống 2 lần trong ngày. Bài này giúp cơ thể giải nhiệt, tạo tân dịch (nước) cho cơ thể; trị cảm mạo, nghẹt mũi, nhảy mũi, đau họng do thời tiết. Dùng thường xuyên cách này sẽ phòng được cảm mạo của thời điểm xuân giao hạ.
– 30 gr củ hành ta, 8 gr rễ củ hành (nhổ cây hành tươi đã có củ để lấy rễ), 30 gr hoa cúc, 20 gr bạch chỉ. Cho tất cả vào nồi cùng 3 chén nước, nấu còn lại 1 chén, chắt nước ra. Tiếp tục cho 3 chén nước vào nấu còn nửa chén, hòa hai nước lại chia làm 3 lần dùng hết trong ngày. Bài thuốc này giúp thanh nhiệt cơ thể, dùng cho trường hợp bị cảm mạo kèm nghẹt mũi, hắt hơi, đau họng, đau đầu.
Theo TNO
Bình luận (0)