Thu phí không dừng tại trạm thu phí ngày càng được các lái xe hưởng ứng và sử dụng vì nhanh và tiện, tuy nhiên đã có những vấn đề phát sinh chưa được xử lý rốt ráo. Trong đó, nhiều chủ xe bức xúc phản ánh, dù đã dán thẻ thu phí Etag (trả phí tự động) nhưng khi qua trạm thu phí vẫn phải dừng chờ đóng phí.
Hàng dài phương tiện chờ đóng phí tại Trạm thu phí Dầu Giây.
Chỉ 10% xe dán thẻ
Theo ghi nhận của PV những ngày qua, tại trạm thu phí An Sương – An Lạc trên quốc lộ 1, quận Bình Tân (TPHCM), tất cả các làn thu phí đều cho xe đã dán thẻ Etag và cả xe không dán thẻ lưu thông. Tại đây, không bố trí làn riêng cho xe sử dụng dịch vụ thẻ Etag như quy định.
Anh Ngô Ngọc Thọ, chủ xe đã dán thẻ thu phí không dừng hơn 1 năm nay, cho biết: “Thời gian đầu, tôi và nhiều anh em khác rất hào hứng với loại hình thu phí này. Nhưng sau một thời gian sử dụng, tôi vô cùng thất vọng vì mỗi lần qua trạm thu phí, tôi vẫn phải dừng chờ dù không phải trả tiền mặt”. Theo anh Thọ, lúc mới triển khai hệ thống thu phí tự động, trạm dành riêng 1 làn cho xe sử dụng thẻ thu phí không dừng. Sau, không biết vì lý do gì, tất cả các làn đều cho xe lưu thông bất kể đã dán hay chưa dán thẻ Etag, vì thế những xe đã dán thẻ vẫn phải xếp hàng dài chờ xe chưa dán thẻ dừng lại trả phí bằng tiền mặt… Anh Trần Quốc Tùng thường xuyên lưu thông trên tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, kể: “Qua trạm thu phí Long Phước, tôi chạy vào làn thu phí không dừng (làn riêng) thì bị nhân viên trạm yêu cầu lùi xe lại để đi vào làn thu phí trả bằng tiền mặt. Khi tôi thắc mắc, nhân viên tại đây trả lời, vì thẻ của tôi không liên kết với hệ thống của trạm thu phí này, nên không áp dụng được(!?). Trong khi tài khoản dịch vụ của tôi vẫn còn gần 1,2 triệu đồng”.
Tỉnh Bình Dương hiện đã thực hiện thu phí không dừng ở cả 10 trạm thu phí BOT. Tuy nhiên, qua thống kê sơ bộ của Sở GTVT tỉnh Bình Dương, đến nay, khoảng 10% số phương tiện đi qua các trạm thu phí trên địa bàn tỉnh là có dán thẻ ETC. Ngoài ra, hệ thống ETC kết nối còn bộc lộ một số bất cập như: phương tiện đi qua nhưng thẻ không bị trừ tiền; xe đã dán thẻ nhưng hệ thống thu phí chưa nhận diện được, dẫn đến không mở barie kịp thời…
Cần biện pháp chế tài
Trao đổi với PV, đại diện trạm thu phí BOT An Sương – An Lạc cho biết, trạm có làn dành riêng cho xe dán thẻ Etag nhưng sau một thời gian hoạt động, xe lưu thông qua làn này rất ít. Trong khi đó, các làn còn lại dồn ứ xe. Tình trạng này khiến nhiều xe dù chưa dán thẻ nhưng “liều” đi vào làn của xe đã dán thẻ, gây khó khăn cho việc thu phí của trạm. Vì thế, sau đó trạm cho chuyển tất cả thành làn thu phí hỗn hợp. “Khi nào lượng xe dán thẻ Etag lưu thông nhiều, trạm sẽ mở làn riêng trở lại”, vị đại điện trạm cho biết. Còn đại diện trạm thu phí Cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây cho rằng, hiện Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) đang phối hợp các đơn vị để kết nối liên thông. Nhưng thời điểm nào kết nối thì đơn vị này chưa biết!
Khoảng 10% phương tiện qua trạm BOT ở Bình Dương đã dán thẻ thu phí không dừng
Ở góc độ quản lý ngành địa phương, Sở GTVT TPHCM thừa nhận, số lượng phương tiện sử dụng dịch vụ ETC còn thấp. Cụ thể, tại trạm An Sương – An Lạc trên quốc lộ 1, lượng phương tiện sử dụng dịch vụ ETC chỉ chiếm khoảng 10% tổng số lượt qua trạm. Tại trạm cầu Phú Mỹ (đường Võ Chí Công, quận 2, TPHCM), số lượng xe sử dụng ETC chưa đến 15%. Theo Sở GTVT TPHCM, hiện chưa có quy định bắt buộc tất cả phương tiện phải dán thẻ ETC và nộp tiền vào tài khoản trả trước. Ngoài ra, hệ thống ghi nhận có trường hợp đã dán thẻ, mở tài khoản nhưng trong tài khoản lại không có tiền. Từ đó, Sở GTVT TPHCM đã đề xuất UBND TPHCM kiến nghị Bộ GTVT sớm trình cấp thẩm quyền ban hành quy định bắt buộc ôtô tham gia lưu thông qua trạm thu phí phải dán thẻ ETC, cũng như nộp tiền vào tài khoản trả trước; nghiên cứu ban hành các biện pháp chế tài đối với ô tô không thực hiện mở tài khoản giao thông.
Còn tại tỉnh Bình Dương, đại diện Sở GTVT tỉnh này cho biết, đã làm việc với 2 đơn vị cung cấp dịch vụ để cùng phối hợp xử lý những trục trặc chủ xe phản ánh thời gian qua. Riêng tại tỉnh Bình Phước, theo Sở GTVT tỉnh, hiện có 4 dự án BOT và sau hơn 2 tháng đưa vào vận hành hệ thống thu phí tự động theo hình thức không dừng, có tỷ lệ giao dịch thành công 97%- 98%. Còn 2%-3% giao dịch bị lỗi, chủ yếu vì hệ thống Front-end bị trục trặc, không nhận diện được thẻ, kết nối liên thông giữa BOO1 và BOO2 chưa tốt, xe còn tiền nhưng không bị trừ được, gây tâm lý khó chịu cho tài xế.
Hiện cả nước có 91 trạm thu phí đã vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng. Trong đó, 56 trạm thuộc dự án giai đoạn 1 và 35 trạm thuộc dự án giai đoạn 2. Hệ thống dữ liệu của cả 2 giai đoạn đã được kết nối để chủ phương tiện chỉ cần sử dụng 1 thẻ thu phí, có thể lưu thông qua tất cả các trạm trên toàn quốc. Tính đến thời điểm này, các đơn vị cung cấp dịch vụ đã triển khai dán thẻ đầu cuối cho hơn 1,3 triệu phương tiện. Để khuyến khích người dân dán thẻ và sử dụng dịch vụ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang kiến nghị Bộ GTVT, Chính phủ chỉ đạo các địa phương, thành phố lớn nghiên cứu triển khai dịch vụ thu phí điện tử không dừng tại các bãi gửi xe, các chung cư lớn.
|
PV (theo SGGP)
Bình luận (0)