Virus cúm A/H5N1 (cúm gà) gây bệnh cúm gia cầm, thủy cầm, chim, có khả năng lây sang người và gây biến chứng rất nguy hiểm.
Virus cúm A/H5N1 có khả năng gây nhiễm rất cao. Lần đầu tiên tìm thấy chúng qua vụ dịch cúm ở Hồng Kông vào năm 1997. Virus cúm A/H5N1 lây lan khắp thế giới là bởi vì chúng có khả năng ký sinh ở nước bọt, dịch mũi, phân và trong các tế bào niêm mạc ruột non của một số loài chim di cư.
Virus này có thể gây đột biến gien mạnh và trở thành những chủng virus có độc tính rất. Một người bị mắc bệnh cúm gà thường có liên quan đến tiếp xúc, chăm sóc thủy cầm, gia cầm, chim cảnh. Hoặc liên quan đến các khâu giết mổ, ăn thịt hoặc các sản phẩm chế biến từ thịt gia cầm, thủy cầm bị bệnh cúm gà.
Nguy hiểm nhất của bệnh cúm gà là khi lây sang người có thể gây viêm phổi cấp tính, nếu không phát hiện sớm và chưã trị tích cực thì có thể gây tử vong.
Người bị bệnh cúm gà bao giờ cũng có đột ngột sốt cao, liên tục (trên 38 độ), đau đầu và kèm theo đau nhức các cơ, ho khan, đau rát họng hoặc kèm theo viêm màng kết mạc hoặc viêm phế quản cấp tính ngay từ đầu. Đặc biệt khi bị viêm phổi cấp tính sẽ có đau tức ngực dữ dội và khó thở kèm theo.
Khi bệnh nặng thì xuất hiện tím tái do suy hô hấp nặng, mệt mỏi nhiều và bắt đầu rối loạn ý thức. Ngoài ra người bệnh cũng có thể bị rối loạn tiêu hoá như tiêu chảy. Nếu không phát hiện sớm và chữa trị tích cực, kịp thời thì tính mạng người bệnh bị đe dọa.
Phòng bệnh cúm gà là không cho các loại gia cầm, thủy cầm, chim cảnh mắc bệnh và cần dùng mọi biện pháp để không cho virus lây sang người.
Muốn phòng bệnh cho gia cầm, thủy cầm và phòng bệnh cho con người một cách có hiệu quả cao thì cần có sự tham gia tích cực của toàn dân, các ngành.
Hai ngành chủ trì là Thú y và Y tế cần có các biện pháp càng thật cụ thể và càng mang tính động đồng và khả thi cao thì mới hy vọng ngăn chặn được dịch bệnh xẩy ra. Đối với con người, tuy chưa có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu nhưng cần hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh.
Trong điều kiện bắt buộc phải tiếp xúc (người chăn nuôi, giết mổ) thì phải có biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Đối với mọi người sống trong vùng dịch cúm gà cần thực hiện vệ sinh cá nhân và ăn uống hợp vệ sinh.
Cần rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi tiếp xúc, giết mổ, phân phối, chế biến thịt gia cầm, thuỷ cầm hoặc chăn nuôi gia cầm, thuỷ cầm, chim cảnh.
Cần có thói quen cho mọi thành viên trong gia đình, các cháu học sinh ở các lớp học mẫu giáo, lớp ăn, ngủ, học bán trú… có thói quen rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
Những người làm công tác chăn nuôi cần có bảo hộ tốt như đi ủng, có găng tay và có khẩu trang đạt tiêu chuẩn. Những loại dụng cụ dùng trong giết mổ, phân phối thịt gia cầm, thủy cầm cần được sát khuẩn bằng cách luộc bằng nước sôi.
Không dùng các loại dụng cụ chế biến thực phẩm tươi sống chung với thực phẩm chín. Tuyệt đối không giết mổ gia cầm, thủy cầm ốm hoặc đã chết. Không ăn các loại thực phẩm chưa nấu chín hoặc còn sống. Gia cầm, thủy cầm, chim chết cần chôn thật sâu, xa nguồn nước và nơi công cộng.
Cần tăng cường công tác kiểm dịch và chấm dứt hiện tượng nhập lậu gia cầm. Mỗi người đang sống trong vùng có dịch cúm gà một khi nghi ngờ bị viêm phổi như sốt cao, đau họng, ho khan, tức ngực…cần đến cơ sở y tế để được khám bệnh không được chủ quan, chần chừ.
PGS.TS. Bùi khắc Hậu (TPO)
Bình luận (0)