Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

Người Thể Công tìm đất mới

Tạp Chí Giáo Dục

Một năm sau khi cái tên Thể Công bị xóa sổ, những người Thể Công vẫn chưa hết đau. Nhiều người đã đi tới những bến đỗ mới với tâm trạng khác nhau…
Năm ngoái, 4 cầu thủ Minh Đức, Ngọc Duy, Xuân Thành và Quốc Long quyết tâm ra đi vì Thể Công bỗng chốc trở thành… LS.Thanh Hóa. Hội CĐV Thể Công cũng tan đàn xẻ nghé cùng quyết định giải tán đội. Những người chung tình quyết định “không còn Thể Công thì chẳng yêu ai khác”. Một bộ phận những người đã vượt qua được cú sốc thì nay đã “định cư” ở một miền đất mới.
Còn đau lắm
Một bộ phận không nhỏ Hội CĐV Thể Công trước đây đã chuyển sang cổ vũ cho Hà Nội T&T, những người khác thì giải nghệ và chỉ còn theo dõi V-League với tư thế “trung dung”. Trong khi đó, cầu thủ, HLV không có nhiều lựa chọn. Họ vẫn phải tiếp tục chơi bóng để sống và thỏa mãn đam mê.

Cựu trung vệ Thể Công Lê Phước Tứ (thứ hai từ trái sang) đang đầu quân cho CLB Sài Gòn Xuân Thành ở giải hạng nhất.

Mùa này, Thạch Bảo Khanh về với Hà Nội T&T không phải là một quyết định quá bất ngờ. Ở lại với LS.Thanh Hóa một năm, Khanh đã nghĩ rất nhiều đến chữ tình.
Anh tâm sự: “Nếu Thể Công vừa đổi tên thành đội bóng khác mà mình ra đi, nhỡ đội xuống hạng thì sao? Lúc đấy thì chính tên tuổi của Thể Công cũng bị ảnh hưởng nặng nề”.
Những người có một giai đoạn dài ăn cơm Thể Công như anh “lính quân khu” Phước Tứ cũng đã tìm một bến đậu hứa hẹn hơn ở mảnh đất phương Nam cùng Sài Gòn Xuân Thành, dù đội này chơi ở hạng nhất.
Ông Hồ Tri Liêm, cựu chủ tịch của CLB Thể Công, có lẽ là người đau nhất khi Thể Công mất tên. Ông đã về hưu và cũng rất ít khi xuất hiện trên khán đài sân Hàng Đẫy nữa. Có lẽ ông Liêm chưa chịu được cảm giác Hà Nội có 3 đội bóng dự V-League 2011 nhưng không có Thể Công.
Cái tình vẫn còn
Những người Thể Công từng là đồng đội, thầy trò đã, đang và sẽ phải đối đầu nhau, quyết đấu cho màu áo đội bóng mới. Sự chuyên nghiệp trong bóng đá không cho phép người ta nhắc đến chữ tình nhưng sâu thẳm trong nhiều người, Thể Công vẫn là một mối tình hoài niệm.
Ông Vương Tiến Dũng, HLV cuối cùng giành chức vô địch quốc gia cùng Thể Công năm 1998, giờ đã ăn cơm Hải Phòng 3 mùa bóng, tâm sự: “Cuộc sống của tôi vẫn in đậm dấu ấn của Thể Công. Bạn bè, kỷ niệm, sân Cột Cờ, thậm chí là quán bia hơi mà chúng tôi hay tụ tập vẫn là nơi lui tới của nhiều người”.
Mùa bóng 2009, ai cũng thấy được cái tình của HLV Vương Tiến Dũng dành cho Thể Công lớn đến thế nào khi ông quyết định chia tay Hải Phòng để về lại Thể Công. Dù sớm phải ra đi vì kết quả không thành công nhưng ông Dũng chưa bao giờ hối hận vì quyết định trở về. Tuy thế, lúc ấy ông Dũng đã lờ mờ nhận ra “Thể Công đã khác, rất khác so với trước đây rồi”.
Dù Thể Công tan rã nhưng nhiều dấu ấn của tượng đài một thời vẫn còn. Diễn đàn của Hội CĐV Thể Công vẫn mở cửa, dù bây giờ họ chẳng còn chủ đề gì để bàn tán ngoài những câu chuyện hoài niệm một thời. Người của Thể Công cũng đã sắp rút hết khỏi LS.Thanh Hóa dẫu cho mỗi năm họ vẫn tổ chức cuộc gặp gỡ nho nhỏ vào dịp cuối tháng 9, đúng ngày truyền thống của Thể Công.
Mạnh Duy (theo NLD)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)