Một nghiên cứu mới đây cho thấy nồng độ vitamin D thấp trong thời gian mang thai có liên quan tới việc tăng nguy cơ biến chứng ở các bà mẹ và thiếu cân ở trẻ sơ sinh.
Nghiên cứu phát hiện ra một mối liên quan nhưng không chứng minh rằng thiếu vitamin D gây ra các biến chứng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý việc bổ sung vitamin D có thể giúp giảm thiểu những rủi ro trên.
Các nhà khoa học đến từ ĐH Calgary (Canada) đã xem xét dữ liệu từ 31 nghiên cứu đã được công bố từ năm 1980 – 2012. Những nghiên cứu này có sự tham gia từ 95 – 1.100 người.
Các phân tích cho thấy phụ nữ mang thai có nồng độ vitamin D thấp có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường thai kỳ (bệnh tiểu đường trong thời gian mang thai) và tiền sản giật (huyết áp cao và protein dư thừa trong nước tiểu). Họ cũng có nhiều nguy cơ sinh trẻ thiếu cân.
Các phát hiện này có liên quan tới những bằng chứng gần đây cho thấy việc nồng độ vitamin D thấp phổ biến ở những phụ nữ mang thai, đặc biệt là những người ăn chay, phụ nữ ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và những người có da sẫm màu.
Cơ thể tạo ra vitamin D khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể bổ sung và ăn các loại thực phẩm như cá, sữa…
Các nhà khoa học cho biết nghiên cứu này đã phát hiện mối liên quan đáng chú ý giữa nồng độ vitamin D thấp và việc tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ. Cần có thêm những nghiên cứu để xác định rằng liệu các phương pháp nhằm tăng nồng độ vitamin D ở phụ nữ mang thai có giảm được những rủi ro trên.
Tiến sĩ Robyn Lucas đến từ Trung tâm Dịch tễ học và Sức khỏe Dân số Quốc gia thuộc ĐH Quốc gia Australia tại Canberra cho biết những phát hiện của nghiên cứu này hỗ trợ mục tiêu đảm bảo tất cả các phụ nữ mang thai có đủ lượng vitamin D cần thiết. “Bổ sung vitamin D, chế độ ăn uống và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời” là tất cả các biện pháp “nên được sử dụng cùng lúc kết hợp với việc chăm sóc”.
Nghiên cứu này được đăng trực tuyến trên tạp chí BMJ ngày 26/03.
Theo DTO
Bình luận (0)