Tòa soạnThư đi – tin lại

Văn bản mới: Nhiều chính sách hỗ trợ học sinh khuyết tật

Tạp Chí Giáo Dục

Liên Bộ GD-ĐT, Tài chính và LĐ-TB&XH vừa ban hành thông tư liên tịch quy định chính sách về giáo dục (GD) đối với người khuyết tật (NKT). Theo đó, bắt đầu từ ngày 5-3-2014, thông tư này chính thức có hiệu lực.
Trong thông tư, liên bộ quy định chính sách về GD đối với NKT, bao gồm: Ưu tiên nhập học và tuyển sinh; miễn, giảm một số nội dung môn học, môn học hoặc hoạt động GD trong chương trình GD; đánh giá kết quả GD; chính sách về học phí; chính sách về học bổng và hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập.
Thông tư liên tịch này áp dụng đối với NKT học tập trong các cơ sở GD có dạy NKT, các trung tâm hỗ trợ phát triển GD hòa nhập, các tổ chức và cá nhân khác có liên quan. Thông tư liên tịch này không áp dụng đối với NKT học tập tại các cơ sở dạy nghề.
Ưu tiên tuyển sinh
Theo thông tư, NKT được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với quy định chung là 3 tuổi. Đối với THCS, THPT NKT được hưởng chế độ tuyển thẳng vào THPT như đối với học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú và học sinh là người dân tộc rất ít người theo quy định tại quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT do Bộ GD-ĐT ban hành. Đối với TCCN, NKT được xét tuyển thẳng vào TCCN theo quy chế tuyển sinh TCCN do Bộ GD-ĐT ban hành. Đối với ĐH, CĐ NKT đặc biệt nặng được xét tuyển thẳng vào ĐH, CĐ. NKT nặng được hưởng chính sách ưu tiên theo đối tượng khi đăng kí xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ theo quy định tại quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy do Bộ GD-ĐT ban hành.
Trong quá trình học tập, NKT được học tập theo phương thức GD hòa nhập học theo chương trình GD chung. Trường hợp NKT không có khả năng đáp ứng các yêu cầu của chương trình GD chung, người đứng đầu cơ sở GD quyết định điều chỉnh, miễn, giảm, thay thế một số nội dung môn học hoặc một số môn học, hoạt động GD cho phù hợp và được thể hiện trong kế hoạch GD cá nhân. NKT học tập theo phương thức GD chuyên biệt ở cơ sở GD chuyên biệt hoặc lớp chuyên biệt trong các cơ sở GD học theo chương trình GD chuyên biệt đã được Bộ GD-ĐT quy định đối với từng dạng khuyết tật. Trường hợp NKT không có khả năng đáp ứng các yêu cầu của chương trình GD chuyên biệt, người đứng đầu cơ sở GD quyết định điều chỉnh, miễn, giảm, thay thế một số nội dung môn học, môn học hoặc hoạt động GD cho phù hợp và được thể hiện trong kế hoạch GD cá nhân.
Hỗ trợ tài chính
NKT học tại các cơ sở GD được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại nghị định số 49 và nghị định số 74 của Chính phủ. NKT thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học tại các cơ sở GD được hưởng học bổng mỗi tháng bằng 80% mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ trong từng thời kỳ. Đồng thời, họ được hỗ trợ kinh phí để mua sắm phương tiện, đồ dùng học tập với mức 1.000.000 đồng/người/năm học. Việc chi trả học bổng và hỗ trợ chi phí mua phương tiện, đồ dùng học tập dùng riêng cho NKT được thực hiện 2 lần trong năm: Lần 1 chi trả vào tháng 9 hoặc tháng 10, tháng 11; lần 2 chi trả vào tháng 3 hoặc tháng 4, tháng 5. NKT bỏ học hoặc bị buộc thôi học thì không được nhận học bổng và kinh phí hỗ trợ mua phương tiện, đồ dùng học tập kể từ thời điểm bỏ học hoặc bị buộc thôi học. Trường hợp NKT đã nhận học bổng và kinh phí hỗ trợ mua phương tiện, đồ dùng học tập mà bỏ học hoặc bị buộc thôi học thì phải trả lại số tiền đã nhận kể từ thời điểm bỏ học hoặc bị buộc thôi học cho cơ quan thực hiện chi trả để nộp ngân sách Nhà nước theo quy định.
Thiên Lam

Bình luận (0)