Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Mắt nhân tạo

Tạp Chí Giáo Dục

Khoa học có nhiều nghiên cứu về mắt nhân tạo, đem đến các cơ hội mới cho người khiếm thị. Một trong những nghiên cứu đó là hệ thống mắt cơ năng học Argus II do Công ty Second Sight phát triển, vừa được đăng trên tạp chí Popular Science.

Công nghệ cấy võng mạc này đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) công nhận và đã đưa vào ứng dụng. Argus II có thể cải thiện chất lượng nhìn thấy của những bệnh nhân mắc bệnh viêm võng mạc sắc tố, một loại bệnh làm cho các tế bào võng mạc chết đi.
Mắt nhân tạo Argus II của Second Sight
Hệ thống Argus II bao gồm nhiều bộ phận khác nhau. Trong đó, một camera gắn trên mắt kiếng sẽ ghi lại hình ảnh, xử lý chúng thành dữ liệu thông qua một máy tính thu nhỏ. Một hệ thống liên lạc không dây sẽ gửi những hình ảnh đó qua một chip vi xử lý đã được cấy vào một bên của nhãn cầu. Từ đó, chip vi xử lý sẽ kích hoạt một mảng điện cực vô cùng mỏng, cấy đằng sau võng mạc, để làm cho các tế bào võng mạc gửi các thông tin hình ảnh đến não.
Dù hệ thống này rất tinh vi nhưng vẫn chưa thể so sánh với mắt người. Shawn Kelly, nhà nghiên cứu của Đại học Carnegie Mellon, cho biết mảng điện cực của Argus II chưa tinh chỉnh đến mức để có thể tạo ra những thông tin hình ảnh và màu sắc như một võng mạc bình thường. Ông mô tả kết quả của công nghệ này sẽ có một tầm nhìn rất hạn chế, khó nhận biết được màu sắc và độ rộng của tầm nhìn.
Brian Mech, Phó Giám đốc của Second Sight, cho biết qua thử nghiệm, thị giác của các bệnh nhân đã được cải thiện đáng kể. “Nói một cách đơn giản, họ đã có thể thấy các màu trắng, đen, các tông xám và nhận được khoảng từ 50 đến 60 pixel dữ liệu thị giác” – Mech cho biết.
Second Sight vẫn tiếp tục nghiên cứu phát triển công nghệ này và cần từ 5 – 7 năm để một thế hệ mắt nhân tạo khác có thể ra đời.
Theo NLĐ

 

Bình luận (0)