Smartphone ngày càng trở nên thân thuộc với người dùng điện thoại. Những điều mà smartphone mang lại không chỉ là những cuộc đàm thoại đơn thuần mà cả những “trò” khá đặc biệt.
Cùng với laptop, smartphone ngày càng hữu ích cho công việc. (Ảnh: Đất Việt) |
Nhờ khả năng định vị toàn cầu, những chiếc smartphone như BlackBerry, iPhone… đã giúp chủ nhân tìm đường, tính toán hành trình ngắn nhất cho mỗi chuyến đi, dù chỉ là từ nhà tới trường học hay tới đầu kia thành phố thăm bạn bè.
Nhờ smartphone hiểu thêm về đất nước
Đối với dân phượt, tính năng này lại càng được ưa chuộng. Quang Cảnh, sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội, một nguời ưa “xê dịch” cho biết: “Trước mỗi chuyến đi, chỉ cần nạp sẵn bản đồ của địa phương muốn đến là có thể tự tin lên đường. Nếu may mắn, gặp thời tiết đẹp và được nhiều vệ tinh “soi” thì các phần mềm hoạt động rất chính xác”.
Một “trò” mà dân phuợt như Cảnh hay “chơi” với smartphone là xác định một điểm bất kỳ trên bản đồ số như một cách lựa chọn điểm đến cho những chuyến phượt. “Có lúc phóng to bản đồ ra thì điểm đến lại nằm giữa sông, chấm rồi nên bọn mình vẫn đi, đến nơi thì chỉ đứng trên bờ ngắm vì không có phương tiện ra giữa dòng”, Cảnh kể.
Với kiểu du lịch ngẫu hứng này, Cảnh và các bạn của mình đã đi được hơn chục địa danh khắp Tổ quốc mà không cần theo lộ trình sẵn có như ở các tour du lịch, nhờ đó có thêm những khám phá thú vị về đất nước.
Dùng smarphone để gian lận
Ngoài tính năng thú vị trên, smartphone còn được một số sinh viên khai thác vào việc gian lận trong thi cử. Anh T.K, sinh viên tại chức ngành CNTT thỉnh thoảng vẫn kể lại việc vuợt qua kỳ thi bằng chiếc smartphone của mình với giọng đầy tự hào.
Ngày thi, nhóm bạn của T.K lập một “đội cứu hộ trực tuyến”, ai đi thi thì mang theo smartphone, những người còn lại online ở nhà, cứ thấy tin nhắn gửi về qua phần mềm chat là chuẩn bị đáp án để “giải cứu” người trong phòng thi.
Đấy là đối với những chiếc smartphone đời mới có thể cài phần mềm chat, còn những chiếc điện thoại đời cũ, người gian lận có thể dùng tính năng lưu trữ văn bản, hình ảnh để copy sẵn tài liệu vào máy, để sử dụng trong phòng thi mỗi khi có điều kiện. Các hội đồng thi nên biết điều này để thực hiện nghiêm quy chế cấm mang điện thoại vào phòng thi.
Những ví dụ trên cũng phản ánh phần nào kết quả một cuộc thăm dò trên diễn đàn công nghệ Tinh Tế về thói quen sử dụng smartphone của người Việt. Theo đó, ngoài chức năng liên lạc, smartphone còn được người dùng khai thácvào việc: giải trí (nghe nhạc, xem phim, chơi game); lướt web, check mail, chat (sử dụng dịch vụ của Yahoo, Gtalk, ICQ…); soạn thảo văn bản, lưu trữ tài liệu, hợp đồng phục vụ cho công việc; cập nhật thông tin tài chính, nhắc việc… Trong đó, những chức năng liên quan đến truy cập internet được bình chọn là công việc hữu ích nhất.
Gắn mác công nghệ cho bản thân
Dù vậy, với những nguời muốn gắn mác công nghệ cao bằng những chiếc điện thoại sành điệu lại bị chính smartphone “đô hộ” và “bòn rút”. Minh Tú, sinh viên khoa Công nghệ, ĐHQG Hà Nội, hiện làm thêm tại một cửa hàng điện thoại BlackBerry trên đường Kim Liên mới cho biết: "Làm tại đây, “khoái” nhất là gặp các cô, cậu tóc xanh, đỏ đi xe đắt tiền. Với những trường hợp này, chỉ cần làm những việc cực kỳ đơn giản như thay hình nền, tải nhạc hoặc cài phần mềm mới là có thể “chém đẹp” vài chục đến trăm nghìn”.
Ngoài những trường hợp trên, Tú cho biết, còn có những khách hàng đòi đổi đi đổi lại chiếc BlackBerry Pearl, vì lưỡng lự giữa vẻ đẹp của “viên ngọc trai” với sự khó dùng của bàn phím 1/2 Qwerty.
Còn anh Minh Hồng, làm việc tại Bộ Giao thông vận tải cho hay, tới giờ vẫn thấy “ân hận” khi giới thiệu cho bạn gái mua chiếc Treo 750 của Palm. Anh Hồng kể: “Nàng thấy mình dùng một chiếc Palm 680 thì nhờ tư vấn mua một chiếc tương tự. Rồi thấy mình dùng phần mềm nào hay cũng đòi cài vào y hệt. Thế nhưng, cô ấy không hiểu là hai đời máy này dùng những hệ điều hành khác nhau vì vậy chương trình cũng khác nhau”.
Chiều bạn gái, anh Hồng phải mày mò tìm kiếm những phần mềm tương tự, rất mất thời gian. Mỗi lần như vậy anh Hồng đành than thở một mình: “Đẳng cấp của một chiếc smartphone không nằm ở giá thành hay sự sành điệu mà ở trình độ hiểu biết, khả năng làm chủ công nghệ của người sử dụng”.
Theo Báo Đất Việt
Bình luận (0)