Về vấn đề báo điện tử “chui”, ông Dương Trung Quốc cho rằng một mặt cần xem lại luật pháp đã phù hợp với nhu cầu của cuộc sống chưa, mặt khác, việc nâng cao trình độ dân trí, định hướng để người dùng có khả năng tự đề kháng quan trọng hơn là ngăn chặn.
Ông Dương Trung Quốc – Ủy viên Ủy ban văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. |
Là một người làm báo, am hiểu về Internet, thường xuyên sử dụng Internet, ông lựa chọn tin tức ở báo điện tử chính thống hay của các công ty để phục vụ cho công việc của mình?
Nhu cầu thì vô cùng. Có lẽ bây giờ hỏi bọn trẻ thì sẽ thấy khác mình. Một là, thời gian không nhiều. Hai là, nhu cầu thông tin của mình. Thực ra tôi chỉ có hai nguồn thôi, lấy một cái chuẩn một tờ báo chính thức ở trong nước và thường các báo chính thức là giống nhau. Và nguồn thứ hai là một báo của nước ngoài. Sau đó, có thể đi đến một số trang khác do nhu cầu muốn khai thác những đặc thù riêng.
Thường lướt web, ông có nhận thấy sự khác biệt giữa báo điện tử và các trang tin điện tử của doanh nghiệp có nội dung như một báo điện tử?
Thực ra, nếu soi trong luật thì đã rõ ràng đối tượng nào được làm báo. Nhưng Internet bản thân nó lại mang tính xã hội rất cao và tạo ra diễn đàn. Vấn đề là diễn đàn ấy có tác động tích cực cho xã hội mà thôi. Chúng ta vẫn có quan điểm quản lý báo chí phải có cơ quan chịu trách nhiệm cho nên nó bị khuôn vào cái đó dẫn đến tình trạng là có những người nằm ngoài cơ chế, tức không bị ràng buộc bởi luật.
Đứng về luật thì ai cũng biết là sai nhưng đứng về nghề nghiệp thì họ hết sức rộng đường để phát triển. Tôi thấy rất nhiều tờ nghiêm túc chứ không phải xấu bởi vì chúng ta ai cũng hiểu rằng bản thân sự nghiêm túc có thể mang lại cho tờ báo một giá trị, một sức hút. Bởi vậy, nếu như anh không thấy được số lượng người đọc và số lượng người đọc ấy tỷ lệ thuận với giá trị có thể quảng cáo được thì ở đây sẽ dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp thay vì sử dụng quảng cáo của tờ báo khác bị ràng buộc rất nhiều, kể cả kinh tế nữa thì chính họ đầu tư cho những tờ báo của mình. Chính nó quảng cáo tốt hơn và đôi khi vì tờ báo mang tiếng là “lậu” đó họ làm nghiêm túc hơn tờ báo nghiêm túc.
Nhưng dù sao như ông đã nói, những hoạt động của các website như báo chí cũng là vi phạm pháp luật rồi?
Có hai điều. Một là nếu pháp luật chuẩn thì sự vi phạm pháp luật là không tốt. Nếu luật chưa chuẩn thì sự vi phạm pháp luật có thể là cái sau này ta sẽ gọi là phá rào, đổi mới… Tôi lấy ví dụ như là sự ra đời của truyền hình kỹ thuật số VTC. Ban đầu chỉ là thử nghiệm nhưng nay đã trở thành đài truyền hình lớn, một đối trọng, một sự cạnh tranh lành mạnh, ganh đua vì phá thế độc quyền của đài truyền hình TW. Nó kích thích cho cả hai phát triển. Cho nên khi đánh giá sự việc đó thì đầu tiên phải xem luật của mình. Luật đã phản ánh đúng nhu cầu xã hội chưa hay luật đi quá chậm để người ta phải phá khung, vượt rào? Mà cuối cùng là ta phải xem hiệu ứng, hiệu quả của nó với xã hội. Thực ra cái này có những thước đo như dựa vào dư luận xã hội, thống kê… để có thể đánh giá ngay luật của chúng ta đã chuẩn hay chưa. Bản thân luật của ta chỉ có sức sống khoảng 10 năm.
Tuy nhiên, so sánh giữa việc tồn tại của một đài truyền hình với phát hành thông tin trên mạng hoàn toàn khác nhau về quy mô và sức lan tỏa, thưa ông?
Đương nhiên. VTC là công nghệ cao, đòi hỏi đầu tư lớn nhưng cũng đừng coi thường thông tin trên mạng. Tôi đã thấy những website của cá nhân hấp dẫn vô cùng. Tôi nói hấp dẫn là hiểu theo nghĩa có ích, không phải đáp ứng một thị hiếu nào đó. Nó có ích cho xã hội bởi vì đặc điểm của truyền thông hiện đại là diễn đàn xã hội mà bản chất báo chí phải đạt tới mục đích là diễn đàn xã hội.
Internet mới xuất hiện có bao lâu nhưng nó đã đi vào đời sống như thế thì người ta tự hiểu rằng chỉ một thời gian nữa nó sẽ thay đổi ghê gớm. Nếu chúng ta nhận thức chủ động, định hướng khai thác thì tôi cho rằng nó rất có lợi. Còn nếu ta chỉ tìm hiểu ý nghĩa quản lý một cách thụ động thì đó sẽ là một cuộc đấu tranh và dẫn đến biến thái, vượt ra khỏi sự kiểm soát của mình.
Ông vừa nói đến việc chủ động định hướng. Vậy theo ông, ai là người chủ động và chủ động như thế nào?
Đầu tiên là cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực này, mà cụ thể là Bộ Thông tin và Truyền thông. Nhưng có cái khổ là cơ chế đôi khi ta tưởng là hoàn thiện nhưng nó không hoàn thiện vì cái tính đa dạng của đời sống xã hội. Thực ra, nói cho cùng phương tiện truyền thông chỉ là công nghệ thôi. Cái quan trọng là nội dung trên đó, là văn hóa, trong đó có tư tưởng, chính trị, xã hội nữa.
Vậy có thể nào xử lý được vấn đề này để cho thông tin trên Internet vừa đa dạng, vừa cho phép người ta làm một cách hợp pháp?
Câu hỏi này là một bài toán khó. Nhưng mà sự quản lý đầu tiên theo tôi chính là anh phải tạo ra những kênh chủ động để nâng cao mặt bằng dân trí hay nhìn ở góc độ khác là năng lực đề kháng của con người, thay vì việc ngăn chặn hãy làm cho con người lành mạnh hơn, có đủ khả năng xử lý hơn. Tôi cho đó vẫn là vấn đề chính chứ không phải là ngăn chặn. Và tôi xin trở lại câu các cụ hay dùng là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Cái bất biến con người là thời lượng một ngày rất có hạn, đời sống con người có định lượng vậy thì con người đều phải đứng trước sự lựa chọn. Anh xem cái này hay xem cái kia thì cuối cùng mỗi con người sẽ quyết định là họ làm điều gì có lợi ích hơn. Nếu mà con người có thể trạng, tinh thần lành mạnh thì sự lựa chọn phong phú hơn.
Cho nên tôi cho rằng đừng e ngại chuyện có quá nhiều nguồn thông tin trên Internet. Đương nhiên với giới trẻ còn chưa được định hướng thì ta phải tìm cách định hướng cho họ. Nhưng quan trọng là trang bị cho giới trẻ sự hiểu biết đó, đánh thức mặt tích cực của con người thì mỗi người sẽ là một “mốc” kiểm duyệt, tự mỗi người nhận thức và chọn lựa quan trọng hơn rất nhiều sự ngăn chặn.
Hình như ông đang nói đến điều lý tưởng trong khi theo Google Trends thì người Việt ta tìm kiếm từ “sex” nhất nhì thế giới, thưa ông
Không, do tâm lý thôi. Anh càng cấm thì người ta càng xem, nhất là bọn trẻ. Cứ kệ cho nó bão hòa đi, đó là sự lựa chọn. Còn tin tức chính xác hay không, hợp pháp hay không là vấn đề của nhà quản lý
Là một nhà làm luật, theo ông cần thay đổi như thế nào về quản lý báo chí, nhất là báo điện tử?
Tôi cho rằng quản lý chính bằng nội dung của nó bởi trong luật quy định về nội dung. Và nội dung ấy chúng ta không chỉ xử lý bằng các chế tài của pháp luật mà điều quan trọng là tạo ra dư luận xã hội, người ta phê phán hay lựa chọn. Tôi thấy, ở các nước văn minh đều thế cả thôi. Cái thước đo văn minh là năng lực tự đề kháng của xã hội, không phải là sự quản lý có tính chất hành chính.
Cái gì cũng có hai mặt của nó. Theo ông, mặt trái của việc nhiều website hoạt động như báo điện tử, đưa thông tin về những lĩnh vực nhạy cảm như tài chính, ngân hàng dành cho giới trẻ là gì?
Trước hết, người ta coi đó là tạo ra tính hấp dẫn thu hút, tức là nó tạo ra thị hiếu không lành mạnh, đúng không? Thế nhưng, tác động vào thị hiếu không lành mạnh ấy thì đâu có phải chỉ là những tờ báo không có phép? Tôi thấy rất nhiều tờ không phép lại rất nghiêm túc khi họ nhận thức ra nhu cầu của đời sống. Và chính tôi cho rằng càng mở rộng ra như thế càng tạo ra nhiều sự lựa chọn tốt hơn. Chứ đi vào một số lượng hữu hạn thì tưởng quản lý dễ mà lại rất khó, chính cái hữu hạn ấy phải cạnh tranh quyết liệt và tìm mọi cách để cạnh tranh.
Cảm ơn ông!
Theo Dantri
Bình luận (0)