Với bản chất “không biên giới” các nội dung trên Internet đang cho thấy sự phức tạp trong quản lý. Vẫn còn những kẽ hở trong quản lý khi doanh nghiệp nội địa bị quản chặt, còn doanh nghiệp nước ngoài được buông lơi.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. |
Khoảng 5 năm trở lại đây, ngành công nghiệp nội dung số của Việt Nam liên tục tăng trưởng với tốc chóng mặt. Song, nhiều doanh nghiệp nội dung số của Việt Nam cho rằng, khuôn khổ, chính sách pháp luật của Việt Nam hiện còn nhiều bất cập, chưa tạo ra một hành lang pháp lý an toàn, thông thoáng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp nước ngoài.
Các doanh nghiệp Việt thường bị các cơ quan quản lý rất chặt, ngược lại, việc quản lý các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh nội dung số tại Việt Nam còn lỏng lẻo bởi những quy chế, nghị định chưa được cập nhật kịp thời. Vì vậy, theo các chuyên gia CNTT, để có thể thắng trên sân nhà, cần có một sự đồng sức triển khai của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và người sử dụng.
Tại hội thảo do Ban Tuyên giáo chủ trì diễn ra tại Hà Nội, bàn về giải pháp quản lý báo điện tử, trang tin điện tử và game online, Phó chủ tịch VINASA, ông Lê Hồng Minh dự báo: Trong 10 năm tới số lượng người sử dụng Internet có thể sẽ tăng gấp 2, 3 lần hiện nay, cùng với đó, số lượng người cung cấp các dịch vụ trên Internet cũng sẽ tăng theo. Do vậy vấn đề quản lý sẽ phức tạp hơn hiện nay rất nhiều.
Tuy nhiên, trên mạng Internet, những người sử dụng, đồng thời cũng là những nguồn cung cấp tin, do vậy nếu chỉ nắm doanh nghiệp trong nước bằng các chính sách thắt chặt quản lý rõ ràng không hiệu quả vì thực tế nguồn thông tin từ nước ngoài qua đường Internet vào Việt Nam rất nhiều.
Hiện tại trong 4 lĩnh vực chính của nội dung số là cung cấp công cụ tìm kiếm, game, tin tức, mạng xã hội, cổng thông tin thì doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ có thế mạnh ở game online và tin tức. Mạng xã hội và cổng thông tin hiện thị phần dịch vụ do công ty nước ngoài lớn nắm quyền kiểm soát.
“Nếu cứ đà này, vài năm nữa doanh nghiệp trong nước sẽ phải nhường mảnh đất màu mỡ của Internet cho nước ngoài khai thác” – ông Minh nói.
Theo ông Minh, nhà nước nên cân nhắc các biện pháp kỹ thuật và áp dụng trên diện rộng. Có 3 hình thức: Như Trung Quốc, với khoảng 1/3 dân số sử dụng Internet (khoảng 400 triệu) họ đã áp dụng hình thức quản lý nội dung qua một hệ thống tường lửa khổng lồ để lọc các thông tin tiêu cực và vi phạm pháp luật của Trung Quốc. Mặc dù không thể bao quát hết được nhưng có thể là biện pháp quản lý tương đối hữu hiệu so với các biện pháp hành chính.
Như Hàn Quốc: yêu cầu tất cả người chơi phải đăng ký chứng minh thư. Ở Việt Nam cũng áp dụng hình thức này nhưng chưa kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu để xác nhận tính chính xác của đăng nhập do vậy chưa phát huy hiệu quả.
Việt Nam hiện có khoảng hơn 30.000 quán net và nếu áp dụng biện pháp hành chính là xử phạt các trường hợp mở quá giờ quy định là rất khó, sẽ chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa” vì không thể kiểm soát xuể và thường xuyên được.
Nếu áp dụng hình thức ngắt dịch vụ Internet từ chính các ISP theo giờ quy định đối với các quán net và các gia đình (nếu có đăng ký) thì có thể áp dụng hiệu quả với 100% các quán net và với các gia đình muốn quản lý con em.
Phạm Tuyên (Theo TPO)
Bình luận (0)